'Đòn bẩy' thu hút đầu tư

Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song, nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là triển khai các dự án giao thông trọng điểm, ngay trong đại dịch, Vĩnh Phúc vẫn là điểm đến an toàn, tiềm năng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Dự án cầu Đầm Vạc (Vĩnh Yên) đang được các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện

Dự án cầu Đầm Vạc (Vĩnh Yên) đang được các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện

Tháng 8/2021, người dân trên địa bàn Vĩnh Phúc nói riêng, các tỉnh, thành phố lân cận nói chung như thỏa lòng mong ước khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Quyết định số 1547 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên- Việt Trì trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Dự án có tổng chiều dài gần 11 km, điểm đầu tại nút giao Hợp Thịnh (Km38+600 lý trình trên QL2), huyện Tam Dương, điểm cuối kết nối với đầu cầu Việt Trì mới (khoảng Km 49+630), huyện Vĩnh Tường với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng.

Cùng với đó, công trình cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô được khởi công xây dựng ngay trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với tổng mức đầu tư trên 540 tỷ đồng, không chỉ đánh dấu mốc lịch sử mới trong đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh mà còn hứa hẹn nhiều đột phá trong thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn huyện Sông Lô nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Theo thiết kế, cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô có tổng chiều dài hơn 509 m, điểm đầu cầu phía thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ kết nối với đường Trần Phú, giao với đê Hữu sông Lô và kết thúc tại điểm giao với đê Tả sông Lô, xã Đức Bác, huyện Sông Lô.

Hiện, các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình góp phần thúc đẩy phát triển KT- XH trên địa bàn. Khi các dự án được hoàn thành, khoảng cách vùng miền, giao thông đi lại, kết nối giữa các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc với các tỉnh vùng thủ đô Hà Nội sẽ được rút ngắn về thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, đảm bảo an sinh xã hội.

Thực hiện sứ mệnh “đi trước mở đường”, hết năm 2021, 100% đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện trên địa toàn tỉnh đã được cứng hóa.

Cùng với đó, các công trình, dự án giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện như cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2C dài 48 km từ cầu Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) đến xã Quang Sơn (Lập Thạch) kết nối với thủ đô Hà Nội; nút giao lập thể đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai khu vực xã Văn Quán, huyện Lập Thạch đến trung tâm huyện lỵ Sông Lô; QL 2 đi cầu Phú Hậu; đường Hợp Châu- Đồng Tĩnh; mở rộng cầu Bì La…

Nhờ đó đã góp phần không nhỏ tạo nên dấu ấn thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2021 với tổng số vốn thu hút đầu tư vượt mốc 1 tỷ USD, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, cao nhất trong 25 năm kể từ khi tái lập tỉnh, tạo cú hích để Vĩnh Phúc thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021- 2025, Vĩnh Phúc sẽ dành khoảng 19.526 tỷ đồng ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực GTVT như cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn từ đường trục Mê Linh tại thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) đến thành phố Vĩnh Yên; đường trục Đông-Tây đô thị Vĩnh Phúc; các đường vành đai (hoàn thiện mặt cắt quy hoạch và khép kín); đường trục Bắc-Nam đô thị Vĩnh Phúc; đường song song đường sắt từ cầu Hạc Trì đến Phúc Yên (cả hai bên); đường gom Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên-Việt Trì …

Quý I/2022, UBND tỉnh sẽ xem xét tờ trình thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và dự toán chuẩn bị đầu tư, đồng thời giao Sở KH&ĐT khẩn trương thẩm định nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư nút giao IC2, IC5 cao tốc Nội Bài-Lào Cai với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng... đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm ùn tắc, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn.

Cùng với tập trung phát triển hạ tầng, triển khai các dự án giao thông trọng điểm, tỉnh đã bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, ban hành Quyết định hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN theo Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 126, Quyết định số 23/2021, Quyết định số 33/2021 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Nhờ đó, ngay trong đại dịch, Vĩnh Phúc vẫn là điểm đến an toàn, tiềm năng của các nhà đầu tư có tiềm lực như dự án SXKD ghế sofa, đệm và trang trí nội thất tại Sơn Lôi (Bình Xuyên) của Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam với tổng vốn đầu tư 61,5 triệu USD và dự án Nhà máy Ojitex Vĩnh Phúc của Công ty TNHH Ojitex Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 58 triệu USD.

Tính chung quý I/2022, toàn tỉnh có 6 dự án FDI và 3 dự án DDI đăng ký và cấp mới giấy chứng nhận, chủ trương đầu tư; 13 dự án FDI và 4 dự án DDI đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn của các dự FDI đạt 183,25 triệu USD và hơn 1.345 tỷ đồng dự án DDI…

Đây chính là tiền đề quan trọng để Vĩnh Phúc đạt mục tiêu thu hút vượt 450 triệu USD vốn FDI và 10.500 tỷ đồng vốn DDI trong năm 2022.

Hồng Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75763/%E2%80%9Cdon-bay%E2%80%9D-thu-hut-dau-tu.html