'Đòn bẩy' cho sự phát triển của DNNVV Việt Nam và Hàn Quốc

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam và Hiệp hội DNNVV Hàn Quốc vừa kỳ kết Biên bản ghi nhớ về tăng cường kết nối, hợp tác trong đầu tư, xuất nhập khẩu, phát triển nguồn nhân lực.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội DNNVV Việt Nam và Hiệp hội DNNVV Hàn Quốc diễn ra dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và ông Choi Young Sam, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Trung)

Chiều 22/9, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội DNNVV Việt Nam và Hiệp hội DNNVV Hàn Quốc, dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và ông Choi Young Sam, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.

Theo Biên bản ghi nhớ, hai bên sẽ tăng cường kết nối, trao đổi giữa các DNNVV, các hiệp hội doanh nghiệp tại Hàn Quốc và Việt Nam thông qua việc chia sẻ thông tin và cùng nhau phát triển thông qua việc trao đổi ý kiến chuyên gia và tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo về phát triển và hợp tác đầu tư.

Đồng thời, hợp tác liên kết trong hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức triển lãm của các DNNVV, hợp tác tổ chức triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Hiệp hội DNNVV Việt Nam và Hiệp hội DNNVV Hàn Quốc trong thời gian qua để có kết quả hết sức ý nghĩa với sự kiện ký kết Biên bản hợp tác giữa hai hiệp hội ngày hôm nay.

“Với sự uy tín và kinh nghiệm hỗ trợ, đồng hành với DNNVV của hai Hiệp hội, các hoạt động hợp tác được ký kết trong Biên bản ghi nhớ hôm nay sẽ là đòn bẩy để hai tổ chức đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ có ý nghĩa cho hội viên hai quốc gia”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Các hoạt động hợp tác được ký kết trong Biên bản ghi nhớ sẽ là đòn bẩy để hai tổ chức đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ có ý nghĩa cho hội viên hai quốc gia. (Ảnh: Đức Trung)

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV ở mỗi quốc gia luôn có vị trí đặc biệt, là động lực phát triển và đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại Việt Nam, khu vực doanh nghiệp tư nhân, trong đó trọng tâm là DNNVV luôn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. DNNVV ở Việt Nam chiếm khoảng gần 98% trong tổng số gần 900 nghìn các doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động trong nền kinh tế. Các DNNVV có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong khai thác các thị trường ngách và huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư nhỏ của xã hội để phục vụ cho phát triển kinh tế. Ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, các DNNVV vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng.

Thứ trưởng đánh giá, thế giới đã và đang trải qua những biến động phức tạp về dịch bệnh, địa chính trị kinh tế. Việt Nam với độ mở cao của nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tác động không thuận lợi của kinh tế thế giới, trong đó hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng chịu nhiều tác động.

Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn đồng hành với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thông qua việc tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển. Cụ thể, trong hơn 10 năm vừa qua, Bộ đã chủ trì báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành 12 bộ Luật quan trọng liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ đã chủ trì triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV, Hỗ trợ DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị,… với nhiều kết quả tích cực, được DNNVV đánh giá cao. Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng được Bộ KH&ĐT thúc đẩy thông qua việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) góp phần hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - viện trường - doanh nghiệp.

Cho biết mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang ở giai đoạn hết sức tốt đẹp trên các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, văn hóa, giao lưu nhân dân..., thông qua việc hai nước “nâng cấp” quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị, trong thời gian tới, Hiệp hội DNNVV Hàn Quốc và Hiệp hội DNNVV Việt Nam sẽ tiếp tục quảng bá môi trường đầu tư của 2 quốc gia, ủng hộ doanh nghiệp thành viên kinh doanh hiệu quả, bền vững cũng như hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động kết nối kinh doanh giữa DNNVV hai nước.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cùng xây dựng và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và Hàn Quốc, phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Kể từ khi bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990, Hàn Quốc đã nhanh chóng trở thành nhà đầu tư lớn ở Việt Nam. Tính hết tháng 8/2023, Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9.700 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 83 tỷ USD. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc đứng thứ 4/100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 308 dự án, tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỷ USD.

Thanh Huyền

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/don-bay-cho-su-phat-trien-cua-dnnvv-viet-nam-va-han-quoc-d199221.html