Đom đóm về xa - Truyện ngắn của LÝ HỮU LƯƠNG

Quán ngẩu pín phập phù lửa, khói bốc nghi ngút từ cái chảo gang che khuất nửa mặt anh nấu bếp. Phan ngồi chờ Luy, đi giao có lô hàng mà lâu gớm, vừa uống rượu suông vừa lầm bầm, hết hai vò vẫn chưa thấy mặt mũi vợ đâu, Phan định bụng gọi thêm vò nữa thì anh bếp đã tất tả chạy ra đón khách.

Khách mới vào là một người đàn ông dáng lùn nhưng to ngang, râu quai nón chùm kín từ mang tai xuống cằm, chẳng định dạng được khoảng bao nhiêu tuổi. Ngó nghiêng một hồi ông ta đi thẳng vào bàn mà Phan đang ngồi. Phan hơi nhổm dậy, hai người sững sờ nhìn nhau, suýt nữa thì cùng ồ lên nhưng lại im lặng và nhận ra hình như họ chưa hề quen, chỉ mang máng nhớ khuôn mặt của ai đó nhưng chưa thể nghĩ ra đã gặp nhau ở đâu.

- Tên tôi là Phan, Nguyễn Văn Phan! Giọng anh luống cuống, hai nốt cuối cố đẩy cao hơn như thể nhắc đối phương xem có quen cái tên đó bao giờ chưa.

Khách không phản ứng gì đặc biệt, lôi ghế xềnh xệch rồi ngồi thụp xuống. Phan nhíu mày hơi thất vọng. Khách cười, cái cười bị che khuất trong chòm râu quai nón rậm rạp làm Phan khó chịu, cảm giác quen quen nhưng không thể nhớ là đã từng gặp ở đâu. Khách tự đổ rượu đầy bát mới đưa tay ra hiệu mời Phan. Phan khó chịu trước thái độ đó, đành rằng là người miền núi gặp nhau ở quán, ở chợ, quen nhau qua bát rượu là chuyện thường tình, nhưng thái độ của người này không khác gì một tên cắp ngựa đang lân la làm quen để khi chuốc say cho chủ thì quẵm mất con ngựa quý nhất. Phan không tỏ thái độ ra mặt, anh bợm một ngụm rượu xong đứng dậy, mắt ngó về phía góc chợ rồi lại ngồi xuống.

- Chờ ai à?

- Vợ!

Hai người đàn ông quẳng một câu trống không.

Phan lại rót rượu, nâng bát kề vào miệng đánh cái "roạp". Khách cũng cầm bát, miệng uống nhưng mắt chằm chằm nhìn Phan chừng đánh giá, ước lượng như tính toán độ màu mỡ của con mồi. Rượu cạn, không hẹn mà cả hai vô tình đánh "cộp" đáy bát chạm xuống mặt bàn. Không khí chưa kịp căng lên thì một người đàn bà mặc váy áo Mông đi vào quán. Phan hồ hởi đứng dậy, bưng bát rượu kề vào miệng người phụ nữ, "giải khát, giải khát đây", cô ta lắc đầu nguầy nguậy, đặt gùi xuống, cầm chiếc quạt trên bàn phe phẩy. Phan ngồi xuống bên cạnh vỗ vỗ vào chiếc gùi trên lưng vợ.

- Ăn thua không?

- Tàm tạm.

Khách vẫn ngồi đó, im lặng quan sát, dành khoảng mươi giây để đánh giá người đàn bà vừa xuất hiện. Đó là vẻ đẹp hiền dịu, tần tảo, sạm nắng của phụ nữ vùng cao miệng nói tay làm chứ không có vẻ gì của một người phụ nữ chuyên buôn bán ở chợ, đôi mắt luôn nhìn cụp xuống như tìm kiếm thứ gì đó vừa đánh rơi vào đất. Phan dường như phớt lờ những cử chỉ của vợ, anh lục túi áo trả tiền, lững thững vòng ra sau quán kéo con Min ra trước cửa, leo lên, nghiêng người, nhún chân đạp, tiếng nổ phịch phịch, è è phát ra.

- "Lại dở chứng, tao mà cho một phát thì...". Phan làu bàu.

Khách nhìn ra, nói như có vẻ am hiểu về xe cộ lắm: "Bu-gi dính nước rồi bố ạ". Hai người hý hoáy một lúc thì xe nổ, ống xả phun khói xám xịt, khách vô tình chạm ánh mắt của người đàn bà đứng sau, một nụ cười tươi tắn như ánh nắng hiếm hoi hắt từ tán lá rừng già xuống mặt đất ẩm mốc.

- Về nhà tôi uống rượu.

Khách còn đang ngẩn ngơ trước nụ cười của người phụ nữ, bị Phan đánh bộp cả bàn tay dính dầu máy vào vai thì giật nảy mình quay lại, ậm ờ trước lời mời của người đàn ông mà mình vừa làm quen trong quán. Chưa biết khách đồng ý hay không Phan đã cầm tay lôi xềnh xệch lên sau xe.

Chiếc xe kẹp ba rú ga chồm hỗm lẩn vào làn sương chiều xuống sớm.

Nhà vợ chồng Phan to nhất bản, ba gian cột gỗ mái chồng cánh, bưng ván chung quanh, bên trái nới thêm một gian buồng, nhưng chỉ có hai người ở nên không khí trầm trầm lạnh.

Vợ Phan lên lên xuống xuống đổi rượu, rượu ủ cạnh bếp uống vào vừa ấm lại có món ngon nên dễ đẩy đưa câu chuyện. Từ chuyện làm ăn của hai vợ chồng Phan, đến chuyện những năm trong bộ đội. Khách cuốn vào câu chuyện của chủ, chẳng khác gì chính mình đang tham gia trong câu chuyện đó.

"Quái, sao lại nhiều đom đóm vậy nhỉ?". Tiểu đội trưởng lầm bầm trong miệng, cúi thấp người tránh vài ba con lập lòe xuyên nhanh qua bụi cây, bất ngờ cơ man nào là đom đóm bung lên mặt đất như pháo sáng phụt khỏi miệng nòng, chúng bắt hơi bay loạn xạ, cuốn quanh người. A Chẩu sững sờ, chân sải dài như lao vào thứ ánh sáng lung linh, huyền ảo trước mắt.

Người đi sau vội thúc vào lưng: - A Chẩu, chú ý!

A Chẩu bước thấp bước cao làm khẩu súng đập vào bắp chân chan chát, anh không còn tâm trí để tâm lời đồng đội. Ngày còn nhỏ, quanh nhà A Chẩu rất nhiều đom đóm. Sau những cơn mưa chúng bay lên nhiều vô kể, có bữa A Chẩu bỏ cả cơm để lùa theo, có lần Luy đòi đi cùng. Nó cũng chẳng quan tâm, mê mải chạy đi. Lát sau trong vốc tay nó đã loa lóa đám đom đóm. Luy chạy bở hơi tai cũng chỉ tóm được một con phát mấy tia yếu ớt trên cành dong ven suối. Luy dề môi chực khóc, vùng vằng níu tay chồng.

- Cho tao với!

- Mày đi mà bắt. Tao không chơi với mày.

Hai đứa lấy nhau đã hai tháng, bố mẹ cưới cho chứ chúng biết vợ chồng là gì. A Chẩu thì ghét Luy, cậu thích Mỉnh ở gần nhà hơn, nhưng từ hôm cưới nhau, bố mẹ cấm cửa không cho Mỉnh sang nhà nữa, thế nên bất đắc dĩ A Chẩu phải chơi với Luy. Luy ngoan ngoãn, mẹ chồng sai việc vặt gì thì làm việc đó, làm xong thì ngồi học se lanh. Những sợi lanh sấy khô, hoi hoi mùi khói bếp được đập bẹt rồi tẽ ra, bện từng sợi, cuộn lên cánh tay để đan. Khuôn mặt non choẹt, những đường gân tim tím, xanh lét hiện rõ trên má nhưng đôi tay thì sần sùi, chi chít vết cắt, thâm đen mầu nhựa lanh. Đến khi hai đứa lớn, A Chẩu không hiểu sao vẫn không ưa Luy được, tiếng là vợ chồng, nhưng đêm nào A Chẩu cũng ôm chăn ra ngủ với Pá. Riết rồi thành quen, đến ngày A Chẩu đi bộ đội chúng nó cũng chưa làm vợ chồng thật.

Có động! Tiểu đội trưởng khẽ hất tay báo hiệu cho đồng đội, rồi thụp xuống chìm người trong đám lau dại. Mùi thuốc khen khét thoảng qua. Địch hay ta? Anh tính toán, ước lượng, đoạn bò đến gần thì thầm vào tai A Chẩu: - A Chẩu trèo lên ngọn cây kia quan sát.

A Chẩu khẽ gật đầu. Cái dáng lùn, tròn tròn ấy mà cực tinh anh, loáng cái đã biến mất không tiếng động. Chờ chiến sĩ của mình đi rồi Tiểu đội mới quay mặt lại ra hiệu cho ba người khác tản ra cảnh giới.

Mười phút, hai mươi phút... tất cả chung quanh im lặng. Tiểu đội trưởng nghe rõ cả cái đồng hồ dạ quang trên tay đang đập từng nhịp. Người chiến sĩ trinh sát không được phép nóng nảy trong bất cứ trường hợp nào, đó là nguyên tắc. Vậy mà lúc này, lòng anh nóng như lửa đốt.

Tôi hỏi đường vào Pính Lùng, nhà của người chiến sĩ trinh sát mất tích một cách bí ẩn vào cái đêm ấy, trong thâm tâm tôi vẫn chưa tin A Chẩu đã chết, nếu chết phải tìm được xác hoặc chí ít có thông tin gì đó về hắn. Cũng lạ, tôi đã chỉ huy rất nhiều đội trinh sát, số chiến sĩ ngã xuống không còn nhớ chính xác, nhưng trường hợp của A Chẩu khiến trong lòng tôi cứ day dứt mãi không yên. Tôi đi chuyến này với niềm tin sẽ biết được điều gì đó về tung tích của A Chẩu, hoặc có thể an ủi được đôi chút với gia đình nhà cậu ta.

Tôi chui vào chợ gặp ngay một tay người dân tộc kề cà nâng bát rượu ngang mặt. "Mày vào Pính Lùng mua ngựa à, còn vài con đấy!". Tôi lắc đầu. -Tìm người?

- Ai?

- A Chẩu...

- Nó chết rồi.

- Chết lúc nào?

- Hồi còn giặc ấy.

Tôi thở phào.

- Vợ nó kìa.

Người này chỉ về phía cuối chợ. Cô gái Mông ngồi xổm giữa đống đay bạc thếch, mắt hênh hếch, sùm sụp dưới voan khăn thổ cẩm. Tôi hỏi mua hết số đay còn lại. Đợi cho cô ta bó chặt xong mới hắng giọng, kẻ cả bảo cô ta thồ lên ngựa đem về. Cô ta cứ đứng nhìn tôi như nhìn quái vật, tôi phì cười. Cái mặt cô ta rõ là còn trẻ, độ ngoài hai mươi, nhưng mặc bộ váy áo cũ kỹ, bạc thếch, mặt loang lổ bụi than còn rõ vết ngón tay cố ý quẹt lên.

Nhà nhỏ, phải rụt cổ mới chui được vào cái cửa bé tí. Trong nhà, ngoài cái bếp lửa liu riu và một người đàn ông còm nhom ngồi ở xó thì chẳng có gì đáng để nhìn hơn cả. Ông ta là bố chồng Luy, người đã đẻ ra A Chẩu. Luy nói với ông bằng tiếng Mông. Ông ta gật gật đầu, mắt sáng hẳn lên, rồi chống gối đứng dậy, giật lấy con dao trên gác bếp chui ra khỏi cửa, không nói không rằng.

Luy rót cho tôi bát nước rồi ngồi se lanh, thỉnh thoảng lại liếc tôi một cái như trông chừng vị khách của mình. Tôi đứng ngồi không yên, chân tay trở nên thừa thãi, đứng lên lại ngồi xuống vài lần. Luy bật cười.

- Buồn... à?

- À, không, tôi...

- Ra chái ấy.

Tôi đành ra chái nhà ngồi, xong việc đi vào. Luy nhìn tôi như quái vật.

- Sao ông lại... đái ngồi?

Tôi hoảng hốt, không nhẽ cô ta theo dõi cả mình đi đái sao? Nhưng đúng là thằng đàn ông tôi lại đái ngồi như thế. Từ cái đêm A Chẩu mất tích đó, pháo địch bắn rát sàn sạt, tôi bị dính mảnh ở háng, mặc kệ, ôm háng kéo lính của mình liều chết mở đường máu. Sau khi ra viện, cái gọi là của nợ mà quý hơn mạng đó bị cắt bỏ, chỉ chừa một chỗ để... ngồi đái. Tôi lần mò về đồn thì tiểu đội trinh sát đã không còn ai. Tôi được giải quyết xuất ngũ, đi buôn.

Thằng lính tôi chưa từng biết xấu hổ trước ai nhưng đột nhiên tôi lại bị đỏ mặt, lúng túng trước một cô gái dân tộc.

Ông già ném xâu chuột rừng xuống cạnh bếp. Luy tống búi lanh khô cho lửa cháy to hơn thui chuột, mùi tỏa ra khét lẹt. Loáng sau đã có bát thịt chuột nhắm rượu, rượu ngô xé họng. Ông già yếu ớt, run rẩy nhấc chén rượu. Suốt bữa cơm Luy chỉ ngẩng mặt lên khi gắp hai cái đùi chuột. Khi ông già A Chẩu say, nằm luôn xuống cạnh bếp, tôi đưa mắt dò hỏi Luy, cô rót tiếp rượu đưa cho tôi, tôi gạt ra, cô liền giật lại dốc cả vào miệng mình. Luy uống, tôi cũng uống. Uống đến khi mắt tôi hoa lên, phía trước lập lòe những ánh sáng mờ ảo, cuốn hút.

- A Chẩu. Tôi bỗng buột miệng thốt lên, đêm A Chẩu đi cũng nhiều đom đóm lắm. Mỷ cũng gục đầu, nhưng đôi tay thì khoa lên, kéo đầu người đàn ông vào trong bộ ngực vun tròn, trinh nguyên...

- Tôi sẽ đưa A Chẩu về! Tôi lảo đảo đứng dậy. Đi được một đoạn dài, nghe tiếng chân người thậm thịch đuổi theo, là Luy, cô nhìn tôi ú ớ vài câu.

- Không tìm được đâu, đừng đi nữa!

(Còn nữa)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/van-nghe/truyen-ngan/item/21593402-dom-dom-ve-xa-truyen-ngan-cua-ly-huu-luong.html