'Đối tượng', 'đối tác' và vài câu chuyện phía sau Chiến lược bảo vệ Tổ quốc

Nghị quyết 08 về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc thật sự là một công trình khoa học, không những phù hợp với tình hình thực tiễn lúc bấy giờ mà còn dự báo chính xác tình hình trong nước và thế giới, tạo bước đi vững chắc để đất nước phát triển.

Hội nghị Trung ương 8 hiện đang thảo luận, đánh giá, tổng kết về 10 năm thực hiện Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (gọi là NQ 8- khóa IX).

Đây là Nghị quyết quan trọng vì có hòa bình mới có phát triển. Việc thực hiện Nghị quyết góp phần làm cho tình hình chính trị - xã hội ổn đinh, kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Sau Hội nghị chắc chắn nhiều nội dung sẽ được đổi mới để phù hợp với thực tiễn đất nước, thế giới, phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng.

Nghị quyết 08 là một công trình khoa học cho nhiều lĩnh vực; nó không những phù hợp với tình hình thực tiễn lúc bấy giờ mà còn dự báo chính xác tình hình trong nước và thế giới, mở ra một bước đi vững chắc để đất nước phát triển.

Bối cảnh xã hội căng thẳng

Vào cuối thập kỷ 1990 và đầu những năm 2000, Đảng ta đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia. Để thực hiện được chiến lược đó cần có một bộ phận chuyên trách.

Bộ Chính trị lúc bấy giờ chỉ định ông Nguyễn Đình Hương, trước đó đã làm Trưởng Ban bảo vệ chính trị nội bộ, Phó Trưởng Ban tổ chức, trực tiếp phụ trách gọi tổ, gọi là A47. Nhân sự A47 được lấy các cán bộ từ Vụ phó (Cục phó) trở lên từ 3 bộ chủ chốt là Quốc phòng, Công An và Bộ Ngoại giao. Các Bộ trưởng cũng thường xuyện họp với A47.

Khi tổ A47 vừa được thành lập đầu năm 2000 thì vụ bạo loạn Tây Nguyên nổ ra. Biểu tình bạo động diễn ra vào ngày 2 tháng 2 năm 2001 tại Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum với đa số thành phần dân tộc thiểu số. Hôm sau, hàng nghìn người dân tộc thiểu số tuần hành cùng máy cày tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H'leo, Krông Năng, Krông Búk, Krông Nô, Krông Pắc, Krông Bông, Cư M’gar; nhiều người diễu hành tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Số người biểu tình năm 2001 tại Gia Lai lên tới 8.000 người, tại Đắk Lắk khoảng 1.093 người, tại Kon Tum có nhiều người tham gia.

Trong bối cảnh đó, A47 vừa chuẩn bị hình thành tổ chức, vừa chia nhau đi các địa phương Tây Nguyên nắm tình hình. Để chỉ đạo kịp thời, Đảng đã thành lập các ban chỉ đạo ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc.

A47 là tiền thân để sau này thành lập Ban nghiên cứu về an ninh quốc gia của Bộ Chính trị. A47 chỉ tồn tại một thời gian ngắn để nghiên cứu về tổ chức bộ phận an ninh quốc gia. Sau đó Trung ương đồng ý cơ cấu tổ chức và thành lập Ban như trên do ông Lê Minh Hương, khi ấy là Bộ trưởng Bộ Công an, làm Trưởng ban. Ban này sau đó đã được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ chuẩn bị Nghị quyết 08 về chiến lược bảo về tổ quốc.

“Đối tượng” và “đối tác”

Đảng ta xác định để đất nước phát triển bền vững thì điều kiện tiên quyết là tình hình an ninh, chính trị phải ổn định. Có ổn định thì doanh nghiệp và người dân mới yên tâm phát triển kinh tế, các nhà đầu tư quốc tế mới đến đầu tư, kinh doanh.

Chiến lược bảo vệ tổ quốc là làm cho đất nước ổn định, phát triển và giàu mạnh. Sau này, trong Chiến lược quốc phòng cũng đã cụ thể hóa chủ trương đó là không liên kết với nước này chống nước kia, quốc phòng mạnh để bảo vệ tổ quốc.

Tên của Nghị quyết cũng là quá trình thảo luận công phu và được cân nhắc thấu đáo. Ban đầu, có người đưa ra tên gọi là Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Cụm từ “xã hội chủ nghĩa” được thêm vào tên của Chiến lược và được luồng quan điểm này lập luận rất xác đáng, rằng trong mọi nghị quyết của Đảng đều xác định nước ta đi theo mô hình xã hội chủ nghĩa nên cần khẳng định rõ trong Chiến lược…

Nhưng ngược lại có những ý kiến khác mang tầm chiến lược hơn. Muốn bảo vệ được Tổ quốc trước tiên là phải tập hợp được sức mạnh của toàn dân, là đại đoàn kết dân tộc. Bảo vệ tổ quốc không chỉ người Việt Nam trong nước mà phải là cả kiều bào ta trên khắp thế giới chung tay. Tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” phải là cốt lõi trong nghị quyết này. Bảo vệ tổ quốc thì mọi người sẽ cùng chung tay.

Tất nhiên tranh luận để đi đến thống nhất, tranh luận để tìm ra chân lý. Chính Trưởng ban Lê Minh Hương đã cổ vũ phát huy trí tuệ, đã thật sự lắng nghe và có những kết luận xác đáng và tên cuối cùng của Chiến lược đã được thống nhất như hiện nay.

Như phần trên đã đề cập, cách tiếp cận “bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa” lúc đó cũng chỉ mới hình thành. Khái niệm "từ sớm" lúc đó là muốn bảo vệ được tổ quốc trước hết phải làm cho đất nước mạnh về kinh tế, mạnh về quốc phòng. Mạnh trong bảo vệ tổ quốc chính là để bảo vệ mình, bảo vệ tổ quốc mình chứ không phải để đe dọa hay xâm lược ai như câu ngạn ngữ La tin “Nếu bạn thật sự muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh”.

Trong Chiến lược, nhiều khái niệm mới, nhiều tư tưởng mới đã được hình thành. Ngày nay khi nói “đối tác” và “đối tượng” thì mọi người đã khá quen, nhưng có lẽ ít người biết nó xuất hiện trong hoàn cảnh nào.

Khái niệm “phe”, "bạn - thù" đã chi phối cả một giai đoạn dài nhưng nếu duy trì tiếp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì thật khó để lý giải từ bạn chuyển thành thù và ngược lại thế nào? Đâu là mâu thuẫn bên trong, hay mâu thuẫn bên ngoài? Sự chuyển hóa thế nào? Chỉ dùng những lý luận kinh điển thật khó lý giải.

Sự chuẩn bị của Ban cũng chỉ mới bước đầu. Sau đó, khi Trưởng ban Lê Minh Hương gặp vấn đề về sức khỏe, không tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Nghị quyết, thì Bộ Chính trị phân công ông Vũ Khoan, khi đó là Phó Thủ tướng, trong Ban Bí thư tiếp tục chỉ đạo. Và thật sự, Nghị quyết ra đời là công lao của toàn Đảng.

Ban cũng chỉ là nơi chuẩn bị các nội dung ban đầu. Các cơ quan chiến lược của các bộ, ngành đều có những đóng góp. Bản thảo được xin ý kiến, được hội thảo ở các địa phương, các vùng quan trọng. Và sau này chính trí tuệ của tập thể Ban Chấp hành Trung ương mới là nơi hoàn thiện để Nghị quyết ra đời.

Nội dung của Nghị quyết phong phú, toàn diện bởi đây là cả một chiến lược của Đảng. Hơn 10 năm qua cho thấy tính đúng đắn kịp thời của Nghị quyết. Không phải lúc đó đưa ra những khái niệm mới mẻ như “đối tác”, “đối tượng” đã được đồng thuận. Nhiều người cho rằng như thế rất khó để xác định đối tượng cho lực lượng vũ trang khi tác chiến.

Nhưng đến nay mới thấy rõ tính biện chứng của sự chuyển hóa. Lúc này là bạn nhưng lúc khác lại không vì nó phụ thuộc nhiều vào yếu tố, lợi ích. Có như vậy mới lý giải được các cuộc chiến tranh thời gian vừa qua.

Vài câu chuyện như trên chỉ là chuyện bếp núc. Còn nhiều những vấn đề như vậy được đặt ra tranh luận cho thấy để ra đời một Nghị quyết của Đảng là cả một sự chuẩn bị công phu mang tính khoa học cao của trí tuệ tập thể trong Đảng.

Nghị quyết TW8, Khóa IX được thông qua. Đó có thể coi là dấu mốc lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khi lần đầu tiên chúng ta hình thành khái niệm mới: thay phân chia "bạn - thù" bằng "Không có kẻ thù, chỉ có đối tượng và đối tác". Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là vừa phải hợp tác, vừa phải đấu tranh với mọi quốc gia có quan hệ với Việt Nam.

Nguyễn Đăng Tấn

Tấn Đăng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doi-tuong-doi-tac-va-vai-cau-chuyen-phia-sau-chien-luoc-bao-ve-to-quoc-2198978.html