Đổi tiền lẻ dịp tết: Nửa kín đáo, nửa công khai

Tết Nguyên đán cận kề, thị trường đổi tiền lẻ nóng lên bởi nhu cầu lì xì và đi lễ chùa đầu năm của người dân VN. Các hoạt động đổi tiền lẻ trên địa bàn Hà Nội vẫn ngang nhiên diễn ra với nhiều hình thức nửa kín đáo, nửa công khai.

Biết cấm nhưng vẫn “đổi”

Theo quan sát của nhóm PV, tại khu vực “phố tiền lẻ” dọc Đinh Lễ, Nguyễn Xí, người buôn bán tiền lẻ hoạt động thận trọng hơn. Không ngang nhiên bày tiền ra đường và tụ tập theo nhóm, họ thường đứng ở những nơi có đông người qua lại như khu vực gửi xe, ngã ba, ngã tư để đón khách.

Trong vai người đi mua sách tại Đinh Lễ, chúng tôi được “mấy cô” đeo bao da trước bụng ngon ngọt chỉ chỗ để xe và hỏi chuyện. Lân la một lúc, các cô mới chào mời chúng tôi… “đổi” tiền.

Theo lời một người buôn bán tiền lẻ kể, thời gian gần đây do nghe thông tin công an sẽ vào cuộc dẹp các địa điểm đổi tiền nên “cô phải hoạt động kín đáo hơn”. Nếu khách đổi ít thì lúc nào “cô” cũng sẵn tiền trong túi, còn nếu đổi nhiều thì trả giá trước.

Tiền Mông Cổ có hình con ngựa là một trong những tờ tiền được săn lùng trong dịp tết năm nay.

Khi khách đã ưng, “cô” mới chạy đi lấy tiền về trao tận tay cho khách ngay trong vòng vài phút. Có cầu ắt có cung, khách hàng cần loại tiền nào sẽ có loại tiền đấy, đủ mệnh giá, số seri. Các cô còn cho biết cụ thể từng giá tiền: “600.000 đồng sẽ có một tệp 100 tờ mệnh giá 5.000 đồng, nếu mua 100 tờ mệnh giá 10.000 đồng sẽ mất 1 triệu và thêm 150.000 đồng phí nữa”...

Còn ở những khu vực như chùa Hà, chùa Phúc Khánh, phủ Tây Hồ…, hoạt động đổi tiền vẫn diễn ra bình thường. Chỉ cần dừng xe ở gần những khu vực này là có thể thấy ngay các hàng đồi tiền chạy dài, sâu vào trong sân chùa.

Từng xấp tiền được bày trong tủ kính, bên trên là những biển chào mời công khai: “Đổi tiền lẻ”, “đổi tiền mới, tiền lì xì”…

Trước câu hỏi của PV “đổi tiền lẻ ăn chênh lệch là hoạt động bị cấm, sao vẫn công khai như vậy?”, người phụ nữ đổi tiền trước cổng phủ Tây Hồ tỏ ra thản nhiên: “Người đi lễ cần tiền lẻ thì chúng tôi đổi. Mà chúng tôi cũng phải đi đổi tiền ở chỗ khác, chẳng lẽ không lấy lãi mà lại làm không công?”.

Tiền hiếm cỡ nào cũng có, chỉ tội... đắt

Tại các kiốt bán hoa quả, hương, vàng lễ trước cổng chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), người có nhu cầu dễ dàng đổi được tiền lẻ mệnh giá nhỏ với phí đổi đa dạng, tùy thuộc vào mệnh giá tiền và tiền cũ hay mới.

Với tiền 500 đồng loại mới, tỉ lệ đổi là 3,5/10 (trả 100.000 đồng để đổi lấy 35.000 đồng; tiền 1.000 đồng tỉ lệ đổi là 7/10; 2.000đ tỉ lệ đổi là 8/10... Với tiền cũ, tỉ lệ đổi ở mệnh giá 500 đồng là 7/10, tiền 1.000 đồng là 8/10, tiền 2.000 đồng là 9/10...

Năm nay, các chiêu chào bán-đổi tiền cũng đa dạng và “tân tiến” hơn so với năm trước.

Nhiều người buôn bán tiền lẻ còn nắm bắt được xu hướng kinh doanh online, lập ra những website đổi tiền với những cái tên và hứa hẹn hấp dẫn: “Đổi tiền lẻ giá rẻ”, “đảm bảo giá rẻ nhất thị trường”, “giao tiền tận tay, miễn phí cho khách hàng đổi nhiểu”…

Thế nhưng, giá đổi tiền trên những website này cũng không rẻ hơn so với thị trường bên ngoài. Liên hệ với một người có tên Hán Quan Dự - chủ website doitienle.tin.vn, chúng tôi được báo giá phí đổi tiền là 110% đối với tiền 500 đồng, 15% cho tiền 1.000, 2.000 đồng, 10% cho tiền 10.000 và 20.000 đồng và 5% cho tiền 50.000 và 100.000 đồng.

Ngoài ra, một số website còn rao bán những loại tiền “độc” phục vụ nhu cầu lì xì năm nay như: Tiền Mông Cổ - hay còn gọi là “tiền con ngựa” (giá từ 20.000-50.000 đồng); tiền 50 đồng Việt Nam (hình ngựa phi, có giá từ 80.000-100.000 đồng); tiền USD mạ vàng (giá từ 350.000 - vài triệu đồng, tùy theo mệnh giá).

Khách hàng dễ dãi, “con buôn” được lời

Gọi là đổi tiền, nhưng thực chất hoạt động này không gì khác hơn là một hình thức mua-bán. Chỉ có điều, thay vì mua một sản phẩm khác, người dân bỏ tiền để… mua lấy tiền.

Thế nhưng, vì những lý do khác nhau, người dân vẫn cứ “mua” tiền và chấp nhận cả những mức giá đắt đỏ nhất. Theo chị Hoàng Thị Dung (Khương Đình, Thanh Xuân), gia đình chị thường xuyên đổi tiền vào những dịp cuổi năm để vào lễ chùa và tiền lẻ để về quê lì xì cho các cháu.

Tiền mạ vàng được rao bán ít nhất là 350.000 đồng.

Chị Dung cho biết, những đợt trước, chị đi đổi tiền ở chùa Phúc Khánh, chỉ cần 110.000 đồng là có được 100.000 đồng tiền mệnh giá dưới 5.000 đồng, đợt này phải mất từ 130.000 -150.000 đồng để đổi được số tiền đó, tiền mệnh giá thấp như 500 đồng thì đổi 10.000 đồng lấy 5.000 đồng, nếu may ra đổi rẻ thì được giá cũ là 10.000 đồng lấy 7.000 đồng.

Với quan điểm “giá cả leo thang, vả lại mỗi thời mỗi khác” nên chị cũng không bao giờ mặc cả.

Còn với chị Nguyễn Thu Hồng (Xuân La, Tây Hồ) thì: “Giá có cao cũng phải chấp nhận thôi vì đầu năm mới, chuyện cúng lễ không thể không đi, lì xì cho trẻ con lại càng không thể thiếu”. Nhiều người còn bỏ qua việc mặc cả bởi tâm linh cho rằng: “mặc cả tiền cúng, phải tội chết!”.

Cũng chính vì nhu cầu không giảm sút cùng với sự dễ dãi thường thấy ở người “mua tiền” mà các con buôn càng tha hồ “chặt chém” và không ngừng hưởng lợi từ khoản tiền chênh lệch. Có lẽ đây cũng chính là lý do vì sao hoạt động đổi tiền dù bị cấm, bị “dọa” xử phạt cũng vẫn diễn ra như thường.

Qua khảo sát, năm nay, tờ tiền mệnh giá 500 đồng được cho là tờ tiền lẻ đắt và hiếm nhất thị trường tiền lẻ VN, với giá mua cao gấp đôi, gấp ba so với giá trị thực. Còn về tiền USD, tờ 2USD có số seri năm sinh, tứ quý, ngũ quý… vẫn đang được “săn lùng” nhiều nhất. Tờ tiền này có giá cao ngất ngưởng từ 250.000 đồng - 1.000.000 đồng/tờ, cao hơn từ 6-25 lần so với tỉ giá quy đổi tại ngân hàng.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/doi-tien-le-dip-tet-nua-kin-dao-nua-cong-khai-174476.bld