Đối thoại Shangri-La 2023: Căng thẳng Mỹ - Trung và cấu trúc an ninh khu vực

Đối thoại Shangri-La 2023 sẽ thảo luận vai trò các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc với an ninh khu vực cũng như các cơ chế hợp tác an ninh nhằm duy trì hòa bình, ổn định khu vực.

Đối thoại Shangri-La 2023, hay còn được gọi là Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á, diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4-6 tại Singapore.

Theo lịch trình, hội nghị sẽ thảo luận về vai trò của các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc (TQ) với an ninh khu vực cũng như những cơ chế hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định cho khu vực.

Bộ trưởng Mỹ - Trung không gặp nhau: "Không bất ngờ"

Đối thoại Shangri-La 2023 nóng với những tranh luận về căng thẳng Mỹ - Trung, trong bối cảnh TQ thẳng thừng từ chối lời mời của Mỹ. Giới quan sát đang chờ xem liệu sẽ diễn ra cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lý Thượng Phúc và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin bên lề Đối thoại hay không.

Cựu quan chức quốc phòng Mỹ Drew Thompson - giảng viên cao cấp của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH Quốc gia Singapore) - nói rằng ông sẽ không bất ngờ khi không có cuộc gặp giữa đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ – Trung, theo đài CNBC.

Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc gặp quyền Thủ tướng Singapore Lawrence Wong bên lề Đối thoại Shangri-La 2023 ngày 2-6. Ảnh: MINDEF/STRAITS TIMES

“Bất kỳ cuộc gặp nào giữa ông Austin và Lý sẽ trấn an các quốc gia khác trong khu vực, nhưng tôi không nghĩ nó sẽ thay đổi động lực an ninh hoặc hạn chế được bất ổn” - ông Thompson nói.

Ông Thompson cũng cho rằng để sắp xếp được một cuộc gặp với phía TQ thì Mỹ phải đồng ý với những điều kiện của TQ.

Ông Lý bị Mỹ trừng phạt kể từ năm 2018 với cáo buộc mua thiết bị quân sự của Nga. Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết những điều này không ngăn cản ông Lý gặp ông Austin.

Tuy vậy, phía TQ cho rằng các lệnh trừng phạt đối với các quan chức TQ là một trở ngại để cải thiện mối quan hệ. Bộ Quốc phòng TQ đề nghị Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ông Lý và “tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại”, “ngay lập tức sửa chữa những hành vi sai trái” nếu muốn khôi phục liên lạc giữa quân đội hai nước.

Theo GS Shen Dingli - chuyên ngành Quan hệ quốc tế tại ĐH Phúc Đán (TQ), TQ không muốn bị đánh giá thấp một khi gặp Mỹ, theo tờ The New York Times.

“TQ muốn có một cuộc gặp dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi muốn Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và tìm kiếm một sự thỏa hiệp bằng cách nhượng bộ lẫn nhau” - GS. Shen nói.

Các quan chức Mỹ muốn các đường dây liên lạc quân sự cởi mở với TQ. Vụ chiến đấu cơ TQ “tạt qua đầu” máy bay do thám Mỹ vào tuần trước cho thấy quân đội hai nước thường xuyên tuần tra các khu vực tranh chấp như Biển Đông, và có nguy cơ lớn xảy ra xung đột ngoài ý muốn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từng nói về việc dựng lên các “lan can” để ngăn cạnh tranh giữa Mỹ và TQ dẫn đến khủng hoảng. Ông Austin cũng tỏ ra quan ngại khi phía TQ không muốn họp riêng bên lề Đối thoại Shangri-la và cho rằng việc thiếu liên lạc liên tục có thể dẫn đến “một sự cố có thể rất, rất nhanh chóng vượt tầm kiểm soát. Tuy nhiên, các quan chức TQ từ chối việc đối thoại và coi đây là nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của TQ.

Mạng lưới hợp tác an ninh dày đặc

Theo ông Thompson, thế giới đang chứng kiện “sự xuất hiện của một cấu trúc an ninh khu vực” và “khu vực đang thực sự xích lại gần nhau vì lợi ích chung về an ninh và ổn định". Minh chứng là đã xuất hiện các sáng kiến hợp tác song phương và đa phương trong vài năm qua, đơn cử là việc nối lại Đối thoại Tứ giác an ninh (QUAD).

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS. Satoru Nagao của Viện nghiên cứu Hudson (Mỹ) cho rằng trong một thời gian dài hệ thống “trục và nan hoa” đã duy trì trật tự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong hệ thống này, trung tâm là Mỹ và nhiều nan hoa là các đồng minh của Mỹ như Nhật, Úc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy mạnh mẽ và quyết đoán của TQ, đặc biệt là khi TQ chi tiêu rất nhiều cho quốc phòng thì dường như cấu trúc này dường như không đủ để duy trì an ninh khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) gặp Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen bên lề Đối thoại Shangri-La 2023 ngày 2-6. Ảnh: MINDEF/STRAITS TIMES

“Hệ quả là các mạng lưới hợp tác an ninh mới xuất hiện. Các đồng minh và đối tác của Mỹ hợp tác với nhau và chia sẻ gánh nặng an ninh với nhau. Nhiều thỏa thuận hợp tác an ninh song phương, ba bên, tứ giác hoặc đa phương khác, chẳng hạn như Mỹ-Nhật-Ấn, Nhật-Ấn-Úc, Úc-Anh-Mỹ, Ấn Độ-Úc-Indonesia, Ấn Độ-Úc-Pháp,...hay bộ tứ QUAD” - ông Satoru Nagao chia sẻ.

Cũng bàn về vấn đề hợp tác nhóm này, trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM, ThS Lục Minh Tuấn của nhóm nghiên cứu quốc tế của ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP. Hồ Chí Minh cho rằng “sự xuất hiện các mô hình hợp tác gồm một số bên trực tiếp liên quan trong một vấn đề cụ thể (còn gọi là hợp tác nhóm) đại diện cho chủ nghĩa tiểu đa phương (minilateralism) thực tế không có gì mới ở khu vực này”.

Có thể kể đến các cơ chế hợp tác như QUAD, AUKUS, cơ chế hợp tác tuần duyên giữa 5 nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam (khối A5), Khu vực Tăng trưởng Đông ASEAN (BIMP-EAGA) hay tam giác phát triển CLV (Campuchia – Lào – Việt Nam), theo ThS Tuấn.

“Sự tiếp tục phát triển của các chủ nghĩa tiểu đa phương thực tế chỉ giúp chuyên môn hóa và nâng cao các hợp tác đặc thù trong phạm vi một khu vực cụ thể thuộc nhóm các nước nhỏ có sự gắn kết địa lý hoặc cùng gặp thách thức an ninh chuyên biệt” - ThS Tuấn nhận định.

Quan hệ Mỹ - Trung có dấu hiệu tan băng?

Gần đây, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima (Nhật), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dự đoán quan hệ Mỹ - Trung sẽ sớm tan băng.

Mỹ và TQ cũng đã có nhiều cuộc gặp cấp cao và điều này dường như báo hiệu rằng hai nước đang cố gắng giảm căng thẳng, sau nhiều tháng các liên hệ cấp cao bị đóng băng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột, theo The New York Times.

Hồi đầu tháng 5, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản TQ Vương Nghị tại Vienna (Áo).

Sau đó, các quan chức thương mại cấp cao hai nước, đứng đầu là Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Bộ trưởng Thương mại TQ Vương Văn Đào đã họp tại thủ đô Washington D.C. (Mỹ), đây là cuộc họp cấp nội các song phương đầu tiên của hai bên sau nhiều tháng.

Tân Đại sứ TQ tại Mỹ Tạ Phong cũng đã đến Washington vào tuần trước, kết thúc khoảng thời gian vị trí này bị “bỏ trống” từ hồi tháng 1. Phát biểu khi đến Mỹ, ông hy vọng Mỹ sẽ đi cùng hướng, hợp tác với TQ để tăng cường đối thoại, quản lý sự khác biệt để mối quan hệ của chúng tôi sẽ trở lại đúng hướng.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/doi-thoai-shangri-la-2023-cang-thang-my-trung-va-cau-truc-an-ninh-khu-vuc-post736128.html