Đối thoại hay đối đầu: Kịch bản nào cho Catalonia?

Catalonia và Madrid đang cho nhau cơ hội trước khi tình hình đi tới giai đoạn không thể cứu vãn nổi.

Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 11/10 theo giờ địa phương, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy yêu cầu giới lãnh đạo Catalonia xác nhận lại lần cuối cùng về tuyên bố độc lập của mình, trước khi ông thẳng tay tước đoạt quyền tự trị và áp đặt sự điều hành trực tiếp của Madrid lên khu vực này.

Thủ tướng Rajoy nói rằng, Madrid sẽ không loại trừ việc kích hoạt Điều 155 trong Hiến pháp Tây Ban Nha nhằm giành lại quyền kiểm soát của Catalonia.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy ngày 11/10 đã ra tối hậu thư cho xứ Catalan.

Ông muốn nghe câu trả lời chắc chắn từ nhà lãnh đạo Carles Puigdemont trong vài ngày tới về việc Catalonia chính thức tuyên bố độc lập hay chưa trước khi đưa ra biện pháp cuối cùng.

“Nếu ông Puigdemont chứng tỏ sự sẵn sàng tôn trọng luật pháp và thiết lập lại trạng thái bình thường về thể chế, chúng ta có thể cùng bước qua giai đoạn căng thẳng và tránh mọi thứ cùng tan vỡ”, ông Rajoy cảnh báo.

Theo Điều 155, chính quyền Trung ương Tây Ban Nha có thể tước đoạt quyền kiểm soát chính quyền các vùng tự trị, xóa bỏ quyền lực của giới lãnh đạo khu vực và tiến hành bầu cử mới.

Điều này cho phép Thủ tướng Rajoy ngăn cản quá trình độc lập diễn ra và thu lại Catalonia đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Madrid.

Nếu thực hiện, ông Rajoy sẽ là người đầu tiên kích hoạt điều khoản này trong lịch sử Hiến pháp Tây Ban Nha. Ông Rajoy đã nhiều lần chỉ ra, trưng cầu dân ý đòi ly khai ở Catalonia là hành động vi hiến.

Trước đó một ngày, người đứng đầu chính quyền xứ Catalan Carles Puigdemont vẫn khẳng định sẽ tiến hành các nỗ lực để biến Catalonia thành một nước cộng hòa có chủ quyền, ly khai khỏi Tây Ban Nha.

Lãnh đạo xứ Catalan đã ký một tuyên bố độc lập vào ngày 10/10 tại cơ quan nghị viện nhưng hoãn thi hành trong một vài tuần để đối thoại với Chính phủ Tây Ban Nha.

Một phát ngôn viên của chính quyền Catalonia cho biết, ông Puigdemont yêu cầu dừng thực hiện kế hoạch ban đầu do cân nhắc một số lời can gián hòa giải từ cộng đồng quốc tế.

Theo đó, một số nỗ lực ngoại giao đang được tiến hành và xứ Catalan sẽ suy nghĩ trước khi đi đến quyết định cuối.

Trong khi đó, cảnh sát Tây Ban Nha đã được ra lệnh sẵn sàng bắt giữ ông Puigdemont ngay lập tức nếu ông này tuyên bố trước cơ quan lập pháp rằng Catalonia độc lập.

Động thái hoãn thi hành các thủ tục độc lập của người đứng đầu chính quyền xứ Catalan để chủ động đối thoại với Madrid được đánh giá là bước đi giảm leo thang trước khi khủng hoảng lên đến cao trào.

Thủ hiến xứ Catalonia Carles Puigdemont

Mặc dù vậy, quyết định trên đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhà lãnh đạo của phe đối lập trong nghị viện xứ Catalan và một số các chính khách ủng hộ độc lập khác.

Những người chỉ trích cho rằng ông Puigdemont đã tỏ ra nhụt chí trước sự cứng rắn của chính quyền trung ương Tây Ban Nha và bỏ lỡ cơ hội thi hành độc lập ngay trong ngày 10/10.

Trước đó, nhân vật này từng hứa hẹn sẽ đơn phương tuyên bố độc lập trong vòng 48 giờ sau khi cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10 diễn ra.

Theo giới phân tích, cả hai bên đang cho nhau cơ hội trước khi tình hình đi tới giai đoạn không thể cứu vãn nổi.

Phía Catalonia chờ đợi một sự nhượng bộ từ phía chính quyền Trung ương Madrid đối với các yêu cầu của mình. Trong khi Chính phủ Tây Ban Nha muốn khu tự trị này dừng lại hành động tự phát gây bất ổn đất nước trước khi phải dùng đến các biện pháp mạnh tay.

Tờ Financial Times đánh giá, thế giằng co hiện tại sẽ còn kéo dài từ vài ngày cho đến một tuần trước khi một trong hai bên cho thấy thiện chí muốn hòa giải.

Nhiều người lo ngại rằng, một khi Madrid kích hoạt Điều 155, tiến hành cưỡng chế tiến trình thi hành độc lập của Catalonia, khu tự trị vùng Đông Bắc Tây Ban Nha sẽ rơi vào tình trạng bạo lực đầy hỗn loạn.

Đây được coi là quyết định đầy rủi ro của Thủ tướng Rajoy, bởi việc sử dụng lực lượng an ninh đàn áp không chỉ vấp phải chống cự từ dân chúng xứ Catalan mà hành vi này còn kích động một phản ứng dữ dội trong cộng đồng quốc tế.

Đối với giới lãnh đạo Catalonia, hòa giải quốc tế là yếu tố rất quan trọng. Chính quyền của ông Puigdemont hiểu rằng, nếu không nhận được sự công nhận quốc tế, bất kỳ tuyên bố độc lập nào cũng đều trở thành vô nghĩa.

Tuy nhiên, châu Âu cho đến nay vẫn đứng về lập trường của Madrid ngay từ đầu. Các quốc gia trong khu vực khẳng định tính thượng tôn pháp luật cần phải được tôn trọng và hành vi của xứ Catalan là không nên khuyến khích.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 10/10 kêu gọi Liên minh châu Âu không nên đóng vai trò trung gian trong cuộc khủng hoảng Catalonia vì lo ngại sự trỗi dậy của phong trào độc lập ở các khu vực khác.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/doi-thoai-hay-doi-dau-kich-ban-nao-cho-catalonia--a342322.html