Đối thoại cởi mở

Nhiều kiến nghị về đời sống, việc làm của công nhân đã được ghi nhận, giải đáp thỏa đáng tại chương trình đối thoại

"Trung bình công ty tăng ca 800 đến 900 giờ/năm nên công nhân (CN) không có thời gian tham gia hoạt động Công đoàn (CĐ). CN làm ca tối từ 19 giờ đến 6 giờ hôm sau hết ca nhưng nếu không có hàng thì làm đến 3 giờ CN phải ra về. Công ty không bố trí chỗ nghỉ lại nên rất nguy hiểm cho CN khi ra về vào giờ này" - ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch CĐ Công ty Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, quận 9, TP HCM), chia sẻ tại chương trình đối thoại giữa lãnh đạo LĐLĐ TP HCM, Đảng ủy và Ban Quản lý các KCX-KCN TP với cán bộ CĐ cơ sở do CĐ các KCX-KCN TP vừa tổ chức.

"Tăng ca thì đỡ được bữa cơm chiều"

Ông Hồng phản ánh thêm sở dĩ CN đồng ý tăng ca nhiều là do lương tối thiểu không đủ sống. Với thu nhập 5,5 triệu đồng/tháng hiện nay, CN lo cho bản thân họ đã khó khăn nói gì đến người thân, gửi về quê cho gia đình. Tăng ca nhiều sẽ giúp CN cải thiện thu nhập nhưng đời sống tinh thần cực kỳ nghèo nàn. Trong khi đó, tại Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý và CĐ cấp trên chưa tổ chức được hoạt động thể thao, văn hóa nào định kỳ hằng năm.

Cán bộ Công đoàn các KCX-KCN TP HCM nêu ý kiến tại chương trình đối thoại

Cùng suy nghĩ ấy, ông Đinh Văn Giai, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Toàn Thắng (KCN Bình Chiểu), cho biết CN và doanh nghiệp (DN) đều muốn tăng ca. CN tăng ca do thu nhập không đủ sống trong khi DN thì bị áp lực về đơn hàng. "Tiếp xúc với anh, chị em CN, nghe họ tâm sự mà thương lắm. Họ nói tăng ca thì đỡ được bữa cơm chiều và ké được máy lạnh ở công ty. Trong khi đó, nếu về nhà thì vừa phải tốn tiền đi chợ vừa tốn điện sinh hoạt. Nếu phải cày bừa liên tục, kéo dài từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác thì sức khỏe của CN sẽ kiệt quệ" - ông Giai bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Nidec Copal (Khu Công nghệ cao), phản ánh thực trạng nhiều DN tại các KCX-KCN, Khu Công nghệ cao TP rất thích sử dụng lao động thời vụ không phải đóng các loại bảo hiểm, cũng như không phải chịu trách nhiệm gì với người lao động (NLĐ). "Tôi rất lo khi NLĐ cũng có suy nghĩ không muốn làm việc chính thức vì bị quản lý, ràng buộc trách nhiệm với DN, lương thời vụ cũng cao hơn. Đây là thực trạng đáng báo động đối với CN, nhất là CN lớn tuổi khi DN tìm cách thải loại họ để tuyển lao động thời vụ" - ông Bình chia sẻ.

Không biết gửi con ở đâu

Vấn đề nhà trẻ, chỗ gửi con cũng gây bức xúc cho CN hiện nay. Ông Nguyễn Văn Phê, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Domex (KCX Linh Trung 1), nêu: "Nhiều nơi đã xây dựng được nhà trẻ cho con CN nhưng bố trí người giữ trẻ chưa hợp lý với giờ tăng ca của CN. Rất nhiều CN sau giờ làm phải chạy về rước con để ở nhà trọ hoặc gửi hàng xóm rồi trở lại công ty tăng ca. Việc này vô cùng nguy hiểm vì các cháu nhỏ ở nhà trọ một mình hoặc ở nhà hàng xóm không biết chuyện gì sẽ xảy ra".

Tương tự, bà Kiều Ngọc Hoa, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (Khu Công nghệ cao), phản ánh: "Trong Khu Công nghệ cao có nhà trẻ cho con CN nhưng tiền gửi trẻ cao hơn bên ngoài. Nhà trẻ cũng chỉ nhận giữ đến 17 giờ, do đó nếu CN tăng ca thì không biết gửi con ở đâu". Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch CĐ Công ty Sonion (Khu Công nghệ cao), cho biết nhiều CN nữ phải nghỉ việc sau khi hết thời gian thai sản 6 tháng vì không có người giữ con. Trong khi đó, các nhà trẻ thì không giữ trẻ dưới 12 tháng tuổi. Do đó, cần có nhà trẻ giữ trẻ dưới 12 tháng để cho CN yên tâm làm việc.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng TP HCM có đông đảo lực lượng lao động nhập cư, nhu cầu nhà ở đối với CN là rất lớn nhưng việc xây nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhất là CN, thời gian qua là chưa tương xứng với đóng góp của CN và tiềm năng của TP. Từ đó, các ý kiến đề nghị TP HCM cần chú trọng đầu tư, phát triển chương trình xây dựng nhà ở cho CN.

Ông NGUYỄN HOÀNG NĂNG, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP:

Tháo gỡ khó khăn về nhà ở, tăng ca

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã phối hợp thanh tra lao động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính, nhắc nhở các DN không được tăng ca quá quy định. Về vấn đề nhà trẻ dành cho con CN, giáo viên cũng là NLĐ, phải tuân thủ các quy định của pháp luật lao động, nếu tăng ca phải trả tiền thêm cho giáo viên giữ trẻ. Ban Quản lý các KCX-KCN TP đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo 3 lần về vấn đề này để có cách tháo gỡ, giải quyết.

Hiện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đang triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho CN. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có 7 block nhà dành cho CN. Thời gian tới, Ban Quản lý các KCX-KCN TP sẽ phối hợp các đoàn thể, DN tìm nhiều giải pháp để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CN sau giờ làm việc.

Bài và ảnh: NGÂN HÀ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/doi-thoai-coi-mo-20190613213550184.htm