Đổi thay trong lao động sản xuất của người dân biên giới

BHG - Ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, cùng nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ người dân khu vực biên giới trong sản xuất nông nghiệp được tỉnh ta chú trọng, qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và hộ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giúp đồng bào có công việc, thu nhập ổn định và từng bước nâng cao đời sống.

Người dân xã Thanh Đức (Vị Xuyên) nuôi dê theo hình thức nuôi nhốt.

Người dân xã Thanh Đức (Vị Xuyên) nuôi dê theo hình thức nuôi nhốt.

Khu vực biên giới đa số là đồng bào dân tộc thiểu số như: Pu Péo, Cờ Lao, Lô Lô, Mông, Dao, Giáy… còn nhiều hạn chế trong tư duy lao động sản xuất (LĐSX), cùng với địa hình đồi núi dốc, khí hậu khắc nghiệt dẫn đến hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa tạo nhiều nguồn hàng hóa đa dạng, sản lượng cao và quy mô còn nhỏ lẻ, chưa mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Nhận thấy điều đó, tỉnh ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào khu vực biên giới thay đổi tư duy cách nghĩ, cách làm trong LĐSX, ứng dụng KHKT, thâm canh tăng vụ, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, sản lượng cao, chất lượng tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương vào canh tác và chăn nuôi. Đồng thời, thực hiện nhiều mô hình thí điểm sản xuất mới để đồng bào tin tưởng, học tập và làm theo, giúp người dân biên giới giảm nghèo nhanh, bền vững.

Người dân vùng biên đã thay đổi tập quán canh tác, từ việc trồng lúa, ngô theo phương thức quảng canh, nhỏ lẻ, sử dụng giống địa phương nay đã đưa giống mới vào gieo cấy, chuyển diện tích đất một vụ sang hai vụ. Tận dụng những mảnh đất đồi bỏ hoang trồng thêm rau màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao giá trị kinh tế cho gia đình.

Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với HTX, THT và hộ dân phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất nguyên liệu tới chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của khu vực biên giới với các sản phẩm đạt tiêu chí OCOP như: Mật ong Bạc hà, thịt bò khô, bánh Tam giác mạch... Thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các HTX, THT nông nghiệp và nhân rộng các mô hình kinh doanh có hiệu quả; thực hiện giao đất, giao rừng cho người dân để phát triển kinh tế lâm nghiệp...

Người dân biên giới được tiếp cận với kiến thức hữu ích trong sản xuất nông nghiệp, cùng sự thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức trong phát triển kinh tế, đã gắng sức vươn lên khắc phục những khó khăn của địa hình, khí hậu và đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương, tạo việc làm, thu nhập ổn định.

Bài, ảnh: THÁI KHANG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202210/doi-thay-trong-lao-dong-san-xuat-cua-nguoi-dan-bien-gioi-f17586f/