Đổi thay trên quê hương Thạnh Mỹ

Từng là xã thuần nông còn nhiều khó khăn của huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang), nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, từ khi xây dựng thành công xã nông thôn mới (NTM), đến nay bộ mặt của xã Thạnh Mỹ (huyện Tân Phước) đã thay đổi rất nhiều.

Hạ tầng giao thông là một trong những điểm sáng trong xây dựng NTM ở xã Thạnh Mỹ. Theo đó, Thạnh Mỹ có 2 tuyến đường xã với chiều dài 8,8 km được nhựa hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 2 tuyến đường ấp với chiều dài gần 11 km được cứng hóa và 15 tuyến ngõ, xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa. Chưa kể, đến với Thạnh Mỹ hôm nay, chúng ta dễ dàng nhìn thấy các trục đường chính đa phần đã được phủ xanh với các bờ hoa, cây xanh đẹp mắt.

Xã Thạnh Mỹ hôm nay đã “thay da đổi thịt”.

Ông Nguyễn Minh Phước (ấp Mỹ Lộc) cho biết: “Bà con chúng tôi đều là những nông dân nghèo từ khắp nơi hưởng ứng chủ trương của Nhà nước vào vùng đất mới Đồng Tháp Mười khai hoang, lập nghiệp. So với những năm mới thành lập, Thạnh Mỹ đã đổi thay rất nhiều, xã không còn các tuyến đường sình bùn, lầy lội, giao thông đã thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, buôn bán”.

Diện mạo kinh tế của xã cũng có nhiều đổi mới khi xây dựng NTM, với một số kết quả phấn khởi. Xác định nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong xây dựng NTM, xã Thạnh Mỹ đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác.

Trong đó, nổi bật là liên kết với cơ quan Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh thực hiện Dự án QSEAP hỗ trợ giống khóm Queen, xây dựng dự án cải tạo vườn khóm theo dự án đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với các cơ quan tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật như: Vận hành trạm bơm điện, lớp nhân giống và trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng nấm bào ngư, kỹ thuật trồng thanh long, kỹ thuật trồng khóm...

Trên địa bàn xã có Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Phước hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, gồm 52 thành viên, cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, dịch vụ bơm tát chống úng, cung ứng bò giống sinh sản, các dịch vụ khác… Ngoài ra, trên địa bàn xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực như chăn nuôi heo an toàn sinh học, liên kết thu mua khóm, thanh long, khoai mỡ được sản xuất theo quy trình và chất lượng thống nhất giữa các bên tham gia liên kết. Bên cạnh đó, xã còn có chợ Bắc Đông được xây dựng theo quy định với diện tích trên 1.100 m2, với 63 sạp và ki ốt để kinh doanh.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 54 triệu đồng/năm, hộ nghèo trên địa bàn xã được kéo giảm chỉ còn khoảng 1,7%. Toàn xã có trên 90,33% người dân tham gia lao động, chủ yếu là nông nghiệp và kinh doanh.

Không dừng lại ở đó, xã còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng môi trường an toàn, xanh - sạch - đẹp và thoáng mát. Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định. Ngoài ra, người dân xã Thạnh Mỹ cũng quan tâm tham gia bảo hiểm y tế. Cơ sở vật chất văn hóa trên địa bàn cũng được tăng cường đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ Lê Thị Út Tiền, Thạnh Mỹ có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ vào sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và sự chung tay của các tầng lớp nhân dân. Trong xây dựng NTM, lãnh đạo xã đã quán triệt và làm đúng theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, từ đó tạo được sức mạnh, cộng đồng trách nhiệm từ cán bộ, lãnh đạo xã cho đến nhân dân.

“Trong thời gian tới, Thạnh Mỹ sẽ tập trung nâng chất các tiêu chí NTM, tận dụng tối đa mọi nguồn lực và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân” - đồng chí Lê Thị Út Tiền cho biết thêm.

MINH PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202304/doi-thay-tren-que-huong-thanh-my-975384/