Đổi thay trên quê hương Mường Và

Cách trung tâm huyện Sốp Cộp khoảng 10km, vài năm trước, xã Mường Và còn nhiều khó khăn. Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, vùng đất biên giới này đang từng ngày đổi thay.

Trung tâm xã Mường Và, huyện Sốp Cộp.

Mường Và có 21 bản, với gần 2.700 hộ dân. Là địa phương có thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng cây ăn quả và các loại giống lúa nếp tan. Tận dụng lợi thế này, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng bền vững. Đến nay, nhân dân trong xã đã cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng 564 cây ăn quả, với các loại cây cam, quýt, nhãn, xoài, bưởi..., mang lại thu nhập cho người dân.

Ông Lò Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ đầu năm đến nay, xã đã chỉ đạo nhân dân gieo trồng gần 300 ha lúa ruộng, 267 ha lúa nương, 280 ha sắn, 607 ha ngô. Là xã có diện tích lúa nước lớn nhất huyện và được nhân dân sản xuất các giống lúa nếp tan hin, tan nhe và tan đỏ, trồng chủ yếu ở các bản Mường Và, Nà Lừa, Huổi Ca, Huổi Niếng... chiếm gần 80% diện tích ruộng toàn xã, sản lượng trên 1.000 tấn thóc/năm.

Năm 2018, lúa nếp tan của xã được cấp chứng nhận bảo hộ, thương hiệu “Nếp Mường Và - Sốp Cộp” và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, được chọn là một trong 20 sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2019. Đến nay, đã có gần 300 hộ gia đình, đơn vị đăng ký nộp hồ sơ xin sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và - Sốp Cộp”. Sản phẩm này được bày bán tại các siêu thị trong, ngoài tỉnh và một số sàn thương mại điện tử.

Hiện nay, Mường Và có trên 120 ha cam, năng suất khoảng 10 tấn/ha, tập trung ở các bản: Nà Mòn, Nà Một, Nghè Vèn, chủ yếu là giống cam địa phương và cam V2. Xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vận động các hộ liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP. Xã đang xây dựng thương hiệu cam Nà Mòn.

Nhân dân bản Nà Mòn chăm sóc vườn cam.

Bản Nà Mòn có trên 90 hộ, hầu hết các hộ đều trồng cam, với hơn 40 ha cam, năng suất trung bình đạt 10 tấn quả/ha. Nhờ loại cây này mà nhiều hộ trong bản đã thoát nghèo. Ông Lò Văn Hoàn, một trong những hộ thoát nghèo từ trồng cam, chia sẻ: Gia đình trồng gần 600 gốc cam đang cho thu hoạch, sản lượng ước đạt gần 6 tấn. Năm nay, cam được giá, với 30 nghìn đồng/kg, thương lái vào tận vườn thu mua.

Nhân dân Mường Và còn đầu tư nuôi gần 5.000 con trâu, bò, gần 2.000 con lợn, trên 40.000 con gia cầm. Đến nay, xã đã thành lập 4 HTX, triển khai chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp thông qua tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường. Đồng thời, là cầu nối hoặc đại diện cho nông dân ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm địa phương tại Lễ hội Khẩu Hó, xã Mường Và, năm 2023.

Mường Và còn phát huy tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên để phát triển mô hình du lịch nông thôn. Đó là những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Lào ở bản Mường Và, với hai lễ hội Xên Mường, Khảu Hó và các nghề, như: Thêu, dệt thổ cẩm truyền thống được duy trì, phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho số hộ dân trong bản. Hiện nay, bản Mường Và vẫn giữ được khoảng 90% số ngôi nhà sàn kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Lào. Văn hóa ẩm thực mang đậm hương vị dân tộc Lào và dân tộc Thái Sơn La. Nơi đây, còn có tháp Mường Và được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Năm nay, có gần 2.000 lượt khách tham quan trải nghiệm khu vực này.

Một góc bản Mường Và.

Phát huy những kết quả đạt được, Mường Và tiếp tục sử dụng các nguồn lực và thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị, phát triển mô hình du lịch nông thôn..., nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Huyền Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/doi-thay-tren-que-huong-muong-va-4ZVfnhHIR.html