Đổi thay sau 15 năm sáp nhập Hà Nội của huyện Phúc Thọ

Phúc Thọ là một huyện nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội, thuộc hữu ngạn sông Hồng và sông Đáy, cách trung tâm Thủ đô khoảng hơn 30km, có diện tích tự nhiên 117,3km2, dân số 18,4 vạn người.

Sau khi đề án mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội được thông qua, huyện Phúc Thọ chính thức trở thành đơn vị hành chính của Thủ đô Hà Nội vào tháng 5-2008, điều này đã mang lại một diện mạo mới và đầy màu sắc cho huyện, xứng đáng là vành đai xanh của Thủ đô.

Xóa nghèo bằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Là một huyện thuần nông nên trước khi sáp nhập Thủ đô, Phúc Thọ là một huyện có cơ sở hạ tầng thiếu thốn, có nhiều làng nghề nhưng chưa thực sự tạo được đột phá, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn song trong 15 năm qua Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, có nhiều đổi mới.

Do đó, kinh tế của huyện phát triển khá, có nhiều mặt khởi sắc, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội nói chung đều hoàn thành hoặc vượt mức, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn một số ngành chủ yếu khá, trung bình đạt 9%; việc chuyển dịch cơ cấu trên các lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp theo hướng tích cực, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp (nông nghiệp chiếm 40,1% (năm 2008) sau giảm xuống 18% (năm 2022).

Từ khi sáp nhập về Hà Nội, nhờ nguồn vốn từ Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” cũng như nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên năng suất, nên chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng cao.

Dựa trên những thành quả đã đạt được, đời sống người dân có bước cải thiện đáng kể, mức thu nhập hiện đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm, tăng 430% so với năm 2007.

Lãnh đạo huyện Phúc Thọ đón nhận Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Chia sẻ về những thành quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại xã Võng Xuyên, Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Lê Đình Bình chia sẻ về những đổi thay trong sản xuất nông nghiệp ở nơi này. Xã đã lựa chọn đúng khâu đột phá, lấy kinh tế nông nghiệp là trọng tâm, xây dựng và tích cực triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, động lực phát triển.

Đồng thời, địa phương còn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; chuyển đổi 20ha từ đất trồng lúa sang trồng rau màu mang lại giá trị kinh tế cao; xây dựng các mô hình OCOP phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả.

Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Lê Đình Bình.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ, xã luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện, hỗ trợ từ huyện. Đặc biệt, năm 2010, xã được huyện Phúc Thọ và thành phố Hà Nội chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới; đầu năm 2022, tiếp tục được chọn là xã xây dựng nông thôn mới nâng cao trước một bước của huyện. Xã đẩy mạnh thu hút đầu tư, khởi công cụm công nghiệp Võng Xuyên góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân... huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó chủ tịch xã Sen Phương cho biết được sự quan tâm của thành phố, của huyện, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cùng với những giải pháp đồng bộ là động lực thúc đẩy các lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng của năm sau cao hơn năm trước. Xã tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu quả, áp dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất; tập trung sản xuất rau màu có chất lượng, an toàn.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ kết hợp phát triển nông thôn mới

Trong 15 năm qua, bên cạnh những cánh đồng lớn đã được quy hoạch với giống lúa mới cho năng suất cao. Nông dân huyện Phúc Thọ cũng đang chuyển hướng chuyên canh các cây trồng khác mang lại giá trị cao như mô hình trồng rau an toàn tập trung: Giá trị canh tác 600-800 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 300-500 triệu đồng/ha. Mô hình chuyển đổi cây ăn quả có giá trị từ 50-700 triệu đồng/ha; mô hình chuyển đổi trồng hoa có giá trị từ 480-960 triệu đồng/ha, có những mô hình cá biệt như hoa lily cho giá trị 4-5 tỷ đồng/ha.

Chú trọng ứng dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật đưa giống cây, con giống có giá trị, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như mô hình liên kết trồng dưa chuột bao tử; mô hình ứng dụng công nghệ cao nho sữa Hàn Quốc tại xã Phúc Hòa; nho Hạ Đen tại xã Thượng Cốc, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, giá trị ước đạt 250 triệu đồng/1000m2...

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đã được tập trung chỉ đạo, quan tâm tới việc đào tạo nghề, nhân cấy nghề, phát triển làng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho phát triển kinh tế được chú trọng, xây dựng các công trình, hệ thống giao thông nông thôn. Ngoài 5 làng nghề đã được công nhận, trong năm 2022 huyện Phúc Thọ có thêm 2 làng nghề được UBND thành phố công nhận là làng nghề Hoa cây cảnh xã Tích Giang, làng nghề Mộc Phú An xã Thanh Đa. Năm 2022, tổng mức lưu chuyển hàng hóa đạt 5.960 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 5.450 tỷ đồng (năm 2007 đạt 507 tỷ đồng).

Ngoài ra, huyện còn thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, huyện hiện có 11 chuỗi liên kết sản xuất: Thịt lợn sinh học Thọ Lộc, bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, rau an toàn Thanh Đa, rau an toàn Xuân Đình, rau an toàn Vân Phúc, thịt lợn rừng Cẩm Đình, chăn nuôi gia cầm sinh học Tích Giang, trồng dưa bao tử xuất khẩu, chuỗi thịt lợn Organic Green, chuỗi sản xuất trứng vịt....

Đáng chú ý, công tác xây dựng nông thôn mới được huyện ủy, UBND huyện tập chung chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Đến hết năm 2018 có 20/20 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2020 huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, huyện tiếp tục tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, các xã Hát Môn, Võng Xuyên đã đạt 14/19 tiêu chí và đang phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, các xã còn lại đạt từ 9 đến 11 tiêu chí.

Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Lê Đình Bình tiếp nhân dân.

Chia sẻ quá trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Lê Đình Bình cho biết: Ngay sau khi xã được chọn làm điểm triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội Võng Xuyên đã ban hành các văn bản lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới để đồng thuận, nỗ lực, quyết tâm xây dựng thành công bằng những bước đi phù hợp; tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện theo các nhóm tiêu chí, phấn đấu cuối năm 2023 về đích nông thôn mới nâng cao.

Cùng với việc hoàn thiện và nỗ lực để nâng cao đời sống về mặt kinh tế, lãnh đạo và nhân dân huyện cũng rất chú trọng việc củng cố các thiết chế văn hóa, nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các phong trào xây dựng nông thôn mới và thi đua “người tốt, việc tốt”.

Hiện tại, phong trào đang được triển khai đồng bộ, rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt nhấn mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là giáo dục thế hệ trẻ trong thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh. Bởi lãnh đạo huyện nhận định, nếu thế hệ trẻ nhiệt huyết thì sẽ thực hiện tốt mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Trung ương, thành phố cũng như huyện đề ra để đưa Phúc Thọ ngày càng phát triển giàu mạnh, đúng hướng.

PHẠM LANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/doi-thay-sau-15-nam-sap-nhap-ha-noi-cua-huyen-phuc-tho-741336