Đổi thay ở khu căn cứ cách mạng Thạch Yên

Tôi trở lại khu căn cứ Thạch Yên (Cao Phong) vào một ngày đầu thu. Người đồng hành cùng tôi quê ở xã Yên Thượng cũ. Anh tâm sự: Từ ngày nghe tin sáp nhập 2 xã Yên Thượng và Yên Lập thành Thạch Yên tôi mừng lắm. Tôi thích cái tên này. Cái tên thể hiện hào khí của vùng đất anh hùng. Rồi anh kể cho tôi từng chi tiết lịch sử vùng đất quê mình.

Nhiều gia đình xã Thạch Yên (Cao Phong) chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều gia đình xã Thạch Yên (Cao Phong) chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong thời kỳ Tiền khởi nghĩa, các chiến sỹ cách mạng đã dựa vào thế núi rừng để xây dựng căn cứ địa cách mạng (1 trong 4 khu căn cứ địa của tỉnh). Ở đây có địa thế gần quốc lộ 6, dốc Cun, nên có thể uy hiếp trực tiếp quân đầu não của địch tại tỉnh lỵ Hòa Bình. Cuối năm 1944, Xứ ủy Bắc kỳ phân công đồng chí Vũ Thơ - nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh đến tuyên truyền giác ngộ cách mạng đồng bào các dân tộc ở các xã trong vùng, mở đầu cho thành lập khu căn cứ địa Cao Phong - Thạch Yên. Đến tháng 7/1945, đồng chí Vũ Thơ tuyển chọn 30 tự vệ trẻ, khỏe, hăng hái ở thị xã Hòa Bình vào vùng Cao Phong - Thạch Yên để mở lớp huấn luyện quân sự. Lúc đầu, lớp học được đặt tại xóm Ngái, do điều kiện địa hình sau đó chuyển về đồi chùa Khánh. Cùng phụ trách lớp huấn luyện, ngoài đồng chí Vũ Thơ còn có các đồng chí: Nguyễn Hòa, Hà Tư Bình trong Ban cán sự Đảng tỉnh. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, thiếu thốn, gian khổ, nhưng lực lượng cách mạng đi đến đâu cũng được Nhân dân đùm bọc, chở che. Nhiều gia đình đã trở thành cơ sở cách mạng như: Bùi Văn Y ở xóm Đai, Bùi Văn Hoảnh ở xóm Trang... Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng cách mạng tại đây đã phát triển mạnh mẽ, làm chủ hoàn toàn khu căn cứ, chờ đợi thời cơ khởi nghĩa. Sáng 23/8/1945, đoàn khởi nghĩa của căn cứ địa Cao Phong - Thạch Yên phối hợp cùng cánh quân ở Lạc Sơn xuôi dốc Cun tiến vào Phương Lâm, vượt sông Đà sang phố Đúng, cùng các lực lượng cách mạng trong toàn tỉnh chiếm tỉnh lỵ, giành chính quyền về tay Nhân dân. Năm 1996, khu căn cứ Thạch Yên - Cao Phong được Bộ VH-TT công nhận khu di tích cách mạng cấp quốc gia.

Đồng chí Bùi Đức Chung, Chủ tịch UBND xã Thạch Yên cho biết: Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vùng căn cứ xưa đã thay đổi từng ngày. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cả xã đạt trên 596 ha, với những cây trồng chủ lực như lúa, ngô, khoai, sắn, mía. Ngoài ra, một số hộ đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, diện tích 174 ha, nuôi 581 đàn ong mật cho hiệu quả kinh tế cao. Địa hình rộng, dân cư thưa thớt, bà con đã tận dụng nuôi lợn bản địa. Trước đây, việc nuôi lợn bản địa chỉ để dùng trong gia đình vào dịp lễ, Tết, nhưng nay đã trở thành hàng hóa và ngày càng được nhân rộng. Bà con còn nuôi trâu, bò, có hàng chục hộ nuôi trâu quy mô từ 8 - 10 con. Đàn gia súc của xã hiện đạt gần 4.200 con. Phát huy lợi thế của địa phương với ruộng bậc thang, nhà sàn cổ, nếp sống xưa…, 7 hộ ở xóm Rớm Khánh đầu tư kinh doanh homestay đón khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan. Xã hiện đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đạt trên 18 triệu đồng/người/năm. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư, tạo diện mạo mới cho vùng đất căn cứ xưa.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/144619/doi-thay-o-khu-can-cu-cach-mang-thach-yen-.htm