Đổi thay ở huyện đảo Phú Quý

Đảo Phú Quý nằm cách thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận khoảng 56 hải lý (120km). Huyện đảo có 3 xã là Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải, diện tích khoảng 18 km2 bao quanh đảo, dân số đến cuối năm 2023 là khoảng 29 ngàn người.

Tuyên truyền phòng, chống vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) cho ngư dân ở Phú Quý. Ảnh: N.Trinh

Là một trong những đảo tiền tiêu của Tổ quốc với mênh mông 4 mùa sóng vỗ, đảo Phú Quý gánh nặng 2 nhiệm vụ là phát triển kinh tế gắn với củng cố vững chắc quốc phòng và an ninh. Đây là địa bàn chiến lược về tiềm năng kinh tế biển đảo, với những thắng cảnh hữu tình, di tích lịch sử văn hóa, đền thờ, dinh miếu đa dạng.

* Vị trí tiền tiêu

Đảo Phú Quý hiện còn nhiều dấu tích của 4 miệng núi lửa dưới nước cùng 2 chóp núi lửa trên đảo là núi Cấm và núi Ông Đụn. Núi Cao Cát là phần còn sót lại của chùy núi lửa còn được bảo tồn khá tốt nằm sườn phía Đông, tạo thành vách dốc đứng hùng vĩ; trên đỉnh có những khối đá trầm tích phun trào núi lửa với những hình dáng kỳ vĩ do thiên nhiên hàng ngàn năm ban tặng mà ít nơi có được.

Ông Lê Quang Vinh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho hay, theo các tài liệu lịch sử, đảo Phú Quý có nhiều tên gọi như Cổ Long, Thuận Tịnh, cù lao Khoai Xứ, cù lao Thu… Từ năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), vì tiềm năng kinh tế dồi dào và số lượng đặc sản đáng kể nên đảo được đổi tên từ Tổng Hạ sang Tổng Phú Quý, trực thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận.

Ngư dân và đội tàu sầm uất tại Bến Phủ, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý. Ảnh: N.Trinh

Tuy là đảo nằm biệt lập giữa trùng khơi nhưng dấu tích phát hiện được cho thấy đảo đã được khai phá, tạo nên cuộc sống từ rất sớm. Trong quá trình khai thác đá quánh, nhân dân đã tìm thấy những mộ vò lớn. Trong mộ có chôn theo một số công cụ lao động như rìu, bôn và cả những chiếc vòng đeo tay bằng đá với kỹ thuật chế tác rất tinh xảo.

Điều này phù hợp với những giai thoại được lưu truyền rằng trước khi có sự khai phá thiên nhiên của những con người từ lục địa, ở đây đã có một giống người Thượng sống bằng nghề hái lượm, bắt cá ven biển. Trải qua nhiều biến thiêng của lịch sử, Phú Quý là nơi hội tụ của nhiều luôn dân di cư từ lục địa ra với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, trong đó, người Kinh đóng vai trò chủ thể.

Trong thời gian dài, người dân Phú Quý sống trong điều kiện khép kín, tự cấp, tự túc với những hoạt động kinh tế như trồng trọt, đánh bắt hải sản, một số ngành nghề thủ công như dệt vải, đan võng, ép dầu mà ngư nghiệp đóng vai trò chủ đạo.

Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quý Ngô Tấn Lực cho hay, với tiềm năng lợi thế của Phú Quý nên nơi đây phát triển mạnh ngành kinh tế biển. Năng lực tàu thuyền và sản lượng khai thác hải sản hàng năm đều tăng, giao thông vận tải tuyến biển về chất lượng được nâng lên rõ nét. Tổng số tàu thuyền hiện có của huyện là 1.560 chiếc, sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt 30 ngàn tấn. Toàn huyện có 80 tổ thuyền đoàn kết với 530 tàu thuyền tham gia khai thác hải sản trên vùng biển xa, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong khai thác hải sản và các sự cố, rủi ro, bão trên biển và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo…

* Đổi thay mạnh mẽ

Là huyện đảo giữa trùng khơi xa, Phú Quý không chỉ có sự hữu tình, thơ mộng mà còn được biển cả tạo điều kiện thuận lợi được về tự nhiên để ngày một phát triển hơn về kinh tế - xã hội, trở thành huyện đảo tiền tiêu bảo vệ Tổ quốc. Bí thư Huyện ủy Phú Quý Lê Quang Vinh vui mừng thông báo: “Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng ở Phú Quý được đầu tư hoàn thiện, không chỉ tạo diện mạo khang trang cho huyện đảo mà còn đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân”.

Người dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ tại các tuyến đường trên huyện đảo. Ảnh: N.Trinh

Đến cuối năm 2023, Phú Quý đã khai thác các tiềm năng kinh tế biển với nhiều lợi thế tích cực. Đã có trên 36 ngàn tấn hải sản được khai thác trong năm, đạt hơn 110% kế hoạch; thu hút khoảng 225 ngàn lượt khách tăng hơn 72 ngàn lượt so cùng kỳ năm 2022. Kinh tế tăng trưởng ổn định, thu ngân sách đạt hơn 25 tỷ đồng, đạt trên 107% kế hoạch được giao; công tác an sinh xã hội được đảm bảo: khoảng 75% hộ dân sử dụng nước sạch, 99% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% hộ dân có điện thắp sáng…

Công tác quốc phòng an ninh được đảm bảo; đặc biệt cấp ủy chính quyền quan tâm triển khai nghiệm túc việc tuyên truyền để ngư dân khai thác thủy, hải sản hợp pháp có hiệu quả. Trong năm 2023, huyện đảo Phú Quý và tỉnh Bình Thuận không phát hiện tàu cá ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU)…

Toàn cảnh huyện đảo Phú Quý. Ảnh: Huyện ủy Phú Quý cung cấp

Ông Hai Thọ (62 tuổi, ngụ thôn Triều Dương, xã Tam Thanh), một người dân sống lâu năm trên huyện đảo Phú Quý bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên gắn bó với đảo hơn 60 năm qua, đi đâu cũng nhanh chóng muốn về lại hòn đảo xinh đẹp nơi mình sinh sống. So với 20 năm về trước, sự đổi thay của Phú Quý ngày nay khác một trời một vực. Cấp ủy, chính quyền và toàn dân đoàn kết, quyết tâm xây dựng huyện đảo ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng với tên gọi Phú Quý”.

Bà Nguyễn Thị Ca, vợ liệt sĩ Nguyễn Thanh Sơn có thời gian sinh sống lâu năm trên huyện đảo cho rằng, đổi thay của Phú Quý hôm nay khẳng định truyền thống quyết tâm vượt khó, kế thừa xứng đáng sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông, trong đó có cả chồng của bà và sự nỗ lực đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên huyện đảo, phấn đấu vì một điểm đảo tiền tiêu xứng tầm.

Huyện đảo Phú Quý nhìn từ trên cao. Ảnh: Huyện ủy Phú Quý cung cấp

“Chúng tôi tự hào vì sự hy sinh xương máu của các liệt sĩ, gia đình người có công đã và đang góp sức để xây dựng Phú Quý phồn vinh, hạnh phúc”- bà Ca nhấn mạnh.

Nguyệt Trinh

Ảnh: Huyện ủy Phú Quý cung cấp

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202403/doi-thay-o-huyen-dao-phu-quy-bf64a44/