Đổi thay lớn ở vạn chài Mỹ Á

Bây giờ, vạn chài Mỹ Á đã khác. Nhờ luồng lạch được nạo vét, tàu bè ít khi có chuyện bị gãy chân vịt hay chìm trong mùa bão tố. Nhiều ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng mới tàu

Từ vạn chài Mỹ Á (phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), tôi theo con đường đất, ngược dốc dài tìm lên lăng Ông nằm ở bờ Bắc của cửa biển phường Phổ Quang.

Cầu cho biển yên, được mùa

Đang mùa biển yên nên những con tàu từ khơi xa tăng tốc chạy vào bờ để chuẩn bị sớm cho chuyến biển mới. Còn trong vũng neo đậu, những con tàu chất đá cây, gạo, mắm đầy khoang rồi nổ máy ra khơi. Tiếng máy nổ rộn vang cả vùng cửa biển.

Lăng Ông do ngư dân vạn chài Mỹ Á góp tiền xây dựng

Cụ Nguyễn Vương - 88 tuổi, người cao tuổi nhất của vạn chài - phân tích: Lăng (cá) Ông tọa lạc trên gò cao theo thế hổ ngồi. Bao mùa sóng gió, hết lở đến bồi nhưng khu vực quanh lăng có suy suyển gì đâu.

Ngày xưa, lăng Ông kết cấu theo kiểu nhà rường, mái lợp ngói âm dương. Cứ mỗi lần Ông lụy (chết) ngoài bờ biển, dân làng tổ chức lễ tang, đem chôn rồi sau 3 năm, hốt cốt đem bỏ vào quách gỗ để trong lăng thờ.

Cũng đã thành lệ, mỗi năm, ngoài tế xuân, tế thu, dân trong vạn còn có tổ chức tế giữa năm để cầu mong Ông phù hộ ngư dân ra khơi đánh bắt vượt qua sóng gió, tôm cá đầy khoang.

Ở vạn còn thành lập đội hát bả trạo biểu diễn trong ngày tế lễ và hình thành đội thuyền đua để thi thố với các vạn khác trong vùng.

Nhưng rồi chiến tranh, bom đạn làm cho tan nát…

Sau ngày thống nhất, cuộc sống khó khăn nhưng người dân vẫn góp tiền xây dựng lại lăng Ông và dinh Bà Thủy, mái lợp tôn.

Tôi gặp ngư dân Lê Trường, ngụ ở phường Phổ An. Nhà anh cách cửa biển chừng 3 km.

Trước khi đưa tàu ra khơi, anh Trường cùng vợ thắp hương ở ngoài lăng Ông và dinh Bà Thủy, cầu mong được phù hộ độ trì. Anh nói: "Tất cả ngư dân ở vùng biển phường Phổ An và Phổ Quang trước khi đưa tàu ra khơi đều tìm đến lăng Ông và dinh Bà thắp hương cầu nguyện".

Cá Ông cứu người

Ở Mỹ Á xưa, người dân mùa nối mùa trồng khoai trên trảng cát và ra biển đánh bắt con cá, con tôm đắp đổi qua ngày. Thế nhưng, biển cả mà. Hết bão năm Thân (1944) rồi đến lụt năm Thìn (1964), vùng cửa biển Mỹ Á chứng kiến không biết bao nhiêu lần thuyền bè bị đắm; người thân kẻ mất, người còn.

Chuyển đá cây lên tàu, chuẩn bị ra khơi

Đâu chỉ có thế. Năm nào cũng cứ đến tháng 9, tháng 10 là dân vùng biển Mỹ Á lại đối mặt với sóng to, gió lớn trên biển khơi.

Ông Đặng Phan chẳng bao giờ quên hơn 15 năm trước, khi tàu đang đánh cá ở vùng biển ngoài khơi đảo Lý Sơn thì nghe tin trời sắp bão, ông vội cùng bạn chài đưa tàu chạy vào đất liền. Nhưng rồi máy hỏng, con tàu bị sóng lớn đánh chìm. Ông bám vào chiếc can nhựa, rồi may mắn nhờ Ông cứu giúp nên thoát chết.

Ông Mai Tình đi câu bằng thúng chai ở vùng ngoài cửa biển, bị sóng lớn kéo thúng trôi vào vùng biển phía Nam. Lúc đó, ông đã nghĩ mười phần chết chắc luôn. Nhưng từ dưới biển, cá Ông trồi lên nâng nhẹ, rồi chiếc thúng tấp vô cửa biển Sa Huỳnh. Trong khi đó, người làng sau cơn bão đã kéo nhau ra biển để mong tìm được xác ông.

Ngư dân Nguyễn Mai nhớ năm 2003, cơn bão số 5 đổ bộ vào Quảng Ngãi. Từ khơi xa, tàu anh cùng tàu của ngư dân Nguyễn Dương, Huỳnh Tấn Sỹ mở máy hết tốc độ, cố gắng vào bên trong cửa biển. Nhưng nước chảy rợn người nên chẳng thể nào vào được. Nhưng rồi trong khoảnh khắc gió dừng, biển yên, anh đưa được con tàu vào bên trong cửa biển núp gió.

Cuộc sống thúc bách, người dân lại đóng tàu, ra khơi và dân vạn càng đặt niềm tin vào sự phù hộ độ trì của Ông nơi biển khơi sóng gió. Nhiều đời tiếp nối, việc thờ cá Ông trở thành tín ngưỡng, trở thành nét văn hóa đặt trưng của ngư dân miền biển - không chỉ ở vạn chài này mà còn nhiều nơi khác, dọc chiều dài ven biển nước ta.

Làm ăn khá, xây lăng thờ

Thấy vùng biển Mỹ Á nhiều khó khăn, năm 2008, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư 90 tỉ đồng xây dựng cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á; năm 2014, tiếp tục đầu tư xây dựng cảng cá giai đoạn 2 với số tiền 185 tỉ đồng.

Nhờ những công trình này mà hạn chế được việc cát bồi lấp ở vùng cửa biển. Nhà nước cũng chi tiền nạo vét luồng lạch, xây dựng vũng neo trú tàu thuyền, bến cá. Dân phường Phổ Quang và Phổ An mừng lắm.

Ngư dân Trần Trung Trứ bộc bạch: "Ngày xưa, đánh bắt hải sản ở vùng ven cửa biển giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn. Gặp khi bão tố, tàu thuyền bị chìm thì phải chắt bóp, vay mượn làm lại từ đầu. Còn bây giờ thì khác, nhờ luồng lạch được nạo vét, tàu bè ít khi bị gãy chân vịt hay chìm trong mùa bão tố. Nhiều ngư dân như tôi mạnh dạn vay vốn đóng mới tàu".

Bây giờ, anh Trứ đã làm chủ con tàu dài 21 m, máy có công suất 1.000 CV, đánh bắt ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm rồi làm ăn khá, tính ra mỗi bạn chài được 200 triệu đồng, chưa trừ chi phí.

Không chỉ anh Trứ, ở cửa biển này có nhiều ngư dân từ nghèo khó vươn lên khá giả, như Nguyễn Đức Thanh, Nguyễn Châu…

Cũng nhờ làm ăn khá dần lên nên ở vạn chài Mỹ Á lâu rồi không còn những ngôi nhà tạm bợ, mà hầu như đã xây dựng được nhà kiên cố. Riêng trong vạn Mỹ Á còn gây dựng được quỹ để giúp đỡ gia đình ngư dân bị nạn. Cứ sau mỗi chuyến ra khơi, trở về bán cá tôm xong, ngư dân lại tự nguyện đóng tiền cho quỹ để giúp đỡ những ngư dân gặp nạn.

Từ khi vũng neo đậu tàu thuyền Mỹ Á được nhà nước đầu tư xây dựng, việc đánh bắt và trú bão của ngư dân đã thêm nhiều thuận lợi

Riêng việc xây dựng lại lăng Ông cần số tiền lớn, những người trong ban vạn Mỹ Á cứ phải tính tới tính lui.

Mãi cho đến kỳ lệ xuân năm nay, cụ Nguyễn Vương mới bàn với ông Nguyễn Xết - Trưởng vạn chài Mỹ Á - rằng đã đến lúc phải quyên góp tiền xây dựng lăng Ông, vì đó không chỉ là chuyện của tín ngưỡng mà còn để những chuyện hiếu đễ trong đời sống không mai một theo thời gian. Nghề biển luôn đối mặt với hiểm nguy nên để bà con an tâm khi ra khơi thì ngoài tàu to, máy khỏe, còn có cả những câu chuyện tâm linh của nghề.

Câu chuyện được đưa ra bàn trong ngày lệ xuân của vạn. Tất cả ngư dân trong vạn nhất tề hưởng ứng, rồi đi đến thống nhất mỗi chủ tàu công suất lớn đóng 1 triệu đồng, tàu công suất nhỏ đóng 500.000 đồng.

Chuyện góp tiền xây dựng lăng Ông lan nhanh. Nhiều chủ tàu đánh bắt hải sản ở vùng biển Đà Nẵng, Phan Thiết, chưa về quê đã điện thoại bảo vợ con nhanh chóng nộp tiền quyên góp. Có trường hợp như ông Trần Đại giã từ biển khơi đã lâu, nay ở nước ngoài, nghe chuyện xây lăng cũng gửi tiền về cúng.

Riêng gia đình cô Nguyễn Thị Thanh làm nghề thu mua, buôn bán hải sản, góp ngay cho quỹ 50 triệu đồng. Cô cười bảo: "Tôi làm ăn phất lên là nhờ mua bán hải sản với bà con trong vạn và nhờ Ông phù hộ mà. Giờ xây dựng lăng Ông, tôi góp là đương nhiên".

Chỉ sau nửa tháng quyên góp, ban vạn Mỹ Á đã thu được 400 triệu đồng.

Trưởng vạn chài Mỹ Á Nguyễn Xết cho hay lăng có mặt bằng 57 m2, hơn lăng cũ 24 m2. Từ tháng 2 khởi công xây dựng đến tháng 5 đã hoàn thành. Riêng ông Xết, từ ngày xây dựng lăng thì luôn có mặt ngoài công trình. Ông cứ căn dặn cánh thợ xây lăng để thờ Ông: "Các chú xây cho chắc chắn, cho đẹp thì Ông phù hộ cho làm ăn tấn tới".

Rồi sau 3 tháng, lăng Ông đã hoàn thành trong niềm vui của dân trong vạn. Ông Xết khoe: "Ngày tổ chức khánh thành lăng Ông, ngoài việc cúng kiếng, chúng tôi còn rước đội hát tuồng ở Bình Định ra biểu diễn cho bà con xem. Riêng tôi, cả đời bám biển, rồi bà con bầu làm trưởng vạn. Mình cứ cúc cung tận tụy việc thờ cúng rồi phúc cũng đến với bà con trong vạn chài Mỹ Á đó thôi".

"Nỗ lực nhiều lắm, nhưng rồi sau những trận cuồng phong, trên nghĩa địa Đồng Đỏ lại có thêm những ngôi mộ gió của những người đi biển không về. Nước mắt lại rơi trên mặt những người mẹ, người vợ.

Bài và ảnh: Võ Quí Cầu

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/doi-thay-lon-o-van-chai-my-a-20230805191448382.htm