Đội thanh niên xung phong 105 thời chống Mỹ, cứu nước

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết định, mặt trận phía nam mở ra nhiều trận đánh lớn. Ở miền bắc, bao nhiêu lực lượng lao động tinh nhuệ, kể cả sinh viên các trường đại học cũng xếp bút nghiên ra mặt trận cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Lúc đó, chỉ còn lại phần lớn là những nữ thanh niên và một số học sinh mới tốt nghiệp phổ thông các cấp.

Các thành viên Đội TNXP N105-P21 phục vụ cơ quan sơ tán của Báo Nhân Dân năm 1967. Ảnh tư liệu

Các thành viên Đội TNXP N105-P21 phục vụ cơ quan sơ tán của Báo Nhân Dân năm 1967. Ảnh tư liệu

Trước tình hình đó, T.Ư Đảng và Bác Hồ giao cho Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam tổ chức và chỉ đạo lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ, cứu nước ở miền bắc. Thực hiện chủ trương của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy, kế thừa truyền thống vẻ vang của TNXP thời chống thực dân Pháp, ngày 21-6-1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 71/TTg - CN thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước tập trung.

Sau khi có Chỉ thị 71, Bộ Lao động lúc đó giao chỉ tiêu cho 12 tỉnh ở miền bắc, tuyển 50 nghìn TNXP, trong đó có tỉnh Hà Tây (trước đây). Năm 1966, 500 thanh niên từ các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín, mỗi huyện 100 người, tổ chức thành lập đội TNXP mang phiên hiệu 105. Ngày 25-11 là ngày lên đường, lễ ra quân được tổ chức ở sân vận động huyện Hoài Đức. Đêm ấy, đèn đuốc không được thắp vì phải phòng tránh máy bay của giặc Mỹ đánh phá, cả sân vận động đông nghịt người, tất cả đều háo hức, hân hoan, hòa trong không khí buổi lễ xuất quân chuẩn bị xa quê hương, đến những tuyến đường, những mặt trận kinh tế mà Tổ quốc đang cần.

Đêm hành quân thật yên tĩnh, kỷ luật hành quân không cho hút thuốc lá, không hò hát dọc đường, gần 20 chiếc xe đều phải bật đèn gầm. Trời về khuya, sương giăng lạnh trên đầu, chúng tôi nằm lăn lóc đè cả lên nhau trong thùng xe, những lúc đường êm mới có dịp được ngửa mặt lên trời tìm sao Bắc Đẩu để đoán hướng hành quân mà mình đang đi tới. Xe tới bến phà Thia trên sông Đà. Sông Đà đúng mùa cạn nước cho nên không hung dữ giống như nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả trong Ký sự sông Đà của ông, mà chỉ thấy loang loáng ánh bạc lúc ẩn, lúc hiện sau mạn phà. Cuộc sang sông an toàn nhưng mất nhiều thời gian vì chỉ có một con phà. Đầu phà bên kia, hai bên đường là vách núi và cây rừng chìm trong bóng đêm đen đặc.

Sáng sớm hôm sau, mỗi đại đội đi về một ngả vào sâu trong rừng, các đại đội ở cách xa nhau tới hơn mười cây số. Nhiệm vụ của toàn đội bây giờ là khai thác gỗ, củi, sửa chữa, duy tu các tuyến đường, vừa để phục vụ vận chuyển gỗ, vừa để cho các đoàn xe kết nối với đường 6, đường 15A. Khi vừa mới đặt chân đến đây đúng vào dịp Tết Nguyên đán, để đáp ứng nhu cầu về chất đốt của nhân dân Thủ đô, Đội 105, hằng ngày cứ hết giờ làm việc lại vào rừng lấy củi và chỉ trong vòng một tháng trời, hơn hai nghìn xi-te củi được chuyển về tặng nhân dân Hà Nội. Tết năm ấy, mỗi người dân Thủ đô rất phấn khởi vì được phân phối thêm 0,5 kg chất đốt để nấu bánh chưng. Tại Hội nghị TNXP miền bắc họp ở Hà Nội cuối năm 1967, Bác Hồ đã nhắc tới thành tích này và có lời biểu dương cán bộ, chiến sĩ Đội 105.

Đội 105 cũng như tất cả lực lượng TNXP tập trung bấy giờ đều có hai nhiệm vụ chính là lao động và học tập. Bởi vậy, việc học văn hóa được tổ chức vào hai buổi chiều ngày thứ hai và thứ năm trong tuần. Phần lớn các TNXP có nhiều người hoàn cảnh khó khăn, cho nên trình độ văn hóa còn thấp, phần đông là cấp I và chưa hết cấp II. Bây giờ được học hành thêm cho nên ai cũng phấn khởi, cố gắng học. Người học đã có tâm, có chí cho nên các giáo viên cũng rất nỗ lực trong việc giảng dạy. Sau này, do tình hình thay đổi, việc học văn hóa không có buổi riêng nữa mà phải tổ chức học vào các buổi tối, sau những giờ lao động ban ngày. Dầu thắp cũng không có, phải đốt củi, đốt nứa thay đèn mà dạy, mà học. Khó khăn là vậy nhưng đội ngũ giáo viên không bao giờ bỏ lớp, bỏ giờ hay dạy thiếu chương trình. Nhờ vậy, ba năm sau, khi đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, hầu hết anh chị em đều tốt nghiệp cấp II, rất nhiều người đã có đủ trình độ văn hóa, chuyển ngành về các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước.

Đội 105 còn có một vinh dự được phục vụ Báo Nhân Dân, đó là năm 1968 khi Báo Nhân Dân sơ tán xưởng in từ Hà Nội lên vùng núi huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Hai đại đội được điều động đến mở đường, khai phá rừng hoang và mở cửa hang đá để xưởng in chuyển máy vào hoạt động. Hang đá ấy ngày nay vẫn còn. Thấm thoát nửa thế kỷ đã qua, 500 con người hừng hực khí thế ba sẵn sàng năm nào, nay kẻ còn người mất. Nhưng những cống hiến của cán bộ, chiến sĩ Đội 105 đã góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Những người đang sống hôm nay thay mặt cho những người đã khuất mà tự hào rằng: Tất cả đã sống, làm việc đúng như lời Bác Hồ dạy.

Nguyễn Văn Bảo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31254002-doi-thanh-nien-xung-phong-105-thoi-chong-my-cuu-nuoc.html