Đội tàu sông Dnieper được trang bị tổ hợp pháo A-222 Bereg độc nhất vô nhị

Việc thành lập Đội tàu sông Dnieper có liên quan đến nhu cầu tăng cường lực lượng của Nga ở hướng Tây Nam, đơn vị mới sẽ cần những vũ khí chuyên dụng.

Hiện tại Đội tàu sông Dnieper vẫn còn trong giai đoạn đầu hình thành, và do vậy Bộ Quốc phòng Nga cần phải lấy thiết bị và vũ khí từ đâu đó để biên chế cho đơn vị mới.

Truyền thông Nga cho biết, để tăng cường sức mạnh cho Đội tàu sông Dnieper, tổ hợp pháo phòng thủ bờ biển A-222 Bereg cỡ 130 mm của Hạm đội Biển Đen sẽ được giao cho đơn vị này.

Cho đến nay, về cơ bản không có đề cập nào đến A-222 Bereg trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, vì vậy ở đây cần nói riêng về hệ thống pháo đặc biệt này.

Trước hết, cần nhấn mạnh rằng A-222 Bereg rất hiếm đối với Lực lượng Vũ trang Nga, theo một số thông tin, chỉ có 36 khẩu đang hoạt động và tất cả đều tập trung ở Hạm đội Biển Đen.

Đối với hệ thống này, một biến thể của pháo hạm AK-130 cỡ nòng 130 mm đã được sử dụng, nó có chiều dài nòng lớn gấp 54 lần đường kính (L/54), cho tầm bắn lên tới 23 km, tốc độ tác xạ được công bố là 10 - 12 phát mỗi phút, cơ số đạn 40 viên.

Tổ hợp A-222 Bereg được thiết kế từ thời Liên Xô để bao phủ "vùng chết" mà các hệ thống tên lửa phòng thủ ven biển không thể quản lý hết được.

Mặc dù hệ thống này đã được thử nghiệm vào năm 1988, nhưng trên thực tế nó chỉ được đưa vào thành phần trực chiến từ năm 1996 và tổ hợp sản xuất hàng loạt đầu tiên chỉ được giao vào năm 2003.

Có lẽ khối lượng sản xuất và giao hàng nhỏ có liên quan đến thực tế là Liên bang Nga không thể tìm được khác hàng nước ngoài cho một hệ thống vũ khí như vậy, mặc dù họ vẫn đang tích cực tìm kiếm.

Nếu chúng ta nói về những cơ hội thực tế mà việc sử dụng A-222 Bereg có thể mang lại cho Nga, thì ở đây nên chú ý đến những khía cạnh sau: Trên xe chiến đấu, không có dấu hiệu nào cho thấy sự hiện diện của ít nhất mức độ bảo vệ tối thiểu.

Việc khai hỏa đối với tổ hợp A-222 Bereg ở chế độ thông thường được cung cấp bởi một khẩu đội gồm 2 hệ thống (theo một số dữ liệu - thậm chí là 6 đơn vị), điều khiển hỏa lực được thực hiện từ xe chỉ huy trang bị radar riêng và trạm định vị quang học.

Nghĩa là ở đây chúng ta đang nói về một loại pháo tự hành không được bảo vệ trên thực tế, có khả năng sống sót rất kém trên chiến trường.

Có thể khắc phục nhược điểm cồng kềnh và bảo vệ kém bằng cách sử dụng chiến thuật "bắn và chạy", không yêu cầu xe chỉ huy điều phối khẩu đội, nhưng điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy giảm độ chính xác khi bắn.

Nhưng rõ ràng, chính người Nga coi hỏa lực của A-222 Bereg là chỉ số quan trọng nhất ở đây khi trang bị cho đơn vị mới được thành lập, bởi nó có thể "đóng cửa" eo biển.

Hơn nữa, người Nga tuyên bố rằng hệ thống này cũng có thể tấn công các mục tiêu trên bộ thông qua hai loại chính - đạn phân mảnh sức nổ cao F-44 và đạn phòng không ZS-44.

A-222 Bereg dù sao đi nữa vẫn là một vũ khí chưa trải qua thực chiến, và rất có thể năng lực của nó phải khi được biên chế cho Đội tàu sông Dnieper mới được thể hiện rõ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/doi-tau-song-dnieper-duoc-trang-bi-to-hop-phao-a-222-bereg-doc-nhat-vo-nhi-post572086.antd