Đời sống mới của thổ cẩm Tây Nguyên

Thổ cẩm không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa đặc trưng của từng dân tộc, mà còn là sợi dây gắn tình thân. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại, các sản phẩm thổ cẩm mất dần vị trí và đứng trước nguy cơ mai một. Cùng với nhiều hoạt động tôn vinh thổ cẩm, trợ lực về chính sách và sự nỗ lực nghệ nhân, thổ cẩm hồi sinh kể những câu chuyện mới.

Các thành viên Câu lạc bộ dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê xã Hòa Xuân tham gia lớp truyền dạy nghề dệt. Ảnh: Phúc An

Kiến tạo giá trị mới cho thổ cẩm

Ngày nay không khó để bắt gặp hoa văn thổ cẩm từ váy áo, giày dép, túi xách đến đồ lưu niệm, trang phục áo cưới và trong các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, các cuộc thi, buổi trình diễn thời gian kiến tạo giá trị mới cho thổ cẩm trong bối cảnh hiện đại và hội nhập.

Với mong muốn thông qua chương trình góp phần giữ gìn, tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên; đồng thời, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mới đây nhất là chương trình thời trang nghệ thuật thổ cẩm các dân tộc Đắk Lắk với tên gọi “Ban Mê ơi” do Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk và Ban Dân vận Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức vào giữa tháng 7 vừa qua.

Tại đây, những bộ sưu tập thời trang thổ cẩm của các nhà thiết kế Lê Kyo, Công Huân, Cao Duy, Trung Beret, Nguyễn Thúy, Minh Hạnh được các nhóm nhạc Cồng chiêng và các ca sĩ, diễn viên, người mẫu, nghệ sĩ múa đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đắk Lắk trình diễn nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Bên cạnh đó, chương trình còn tái hiện đời sống sinh hoạt của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên với các hoạt cảnh dệt thổ cẩm, làm gốm, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, các điệu múa dân gian...

Trước đó, cuối năm 2020, Lễ hội Văn hóa thổ cẩm lần thứ II được tổ chức tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông thu hút đông đảo các đoàn nghệ nhân, diễn viên trong cả nước tham gia. Sắp tới đây, trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông, Lễ hội Văn hóa thổ cẩm lần thứ III là một trong những hoạt động chính với các nội dung gồm: Chương trình nghệ thuật và trình diễn thời trang thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam; triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm, thực nghiệm dệt thổ cẩm...

Trợ lực mới cho thổ cẩm

Tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống trong giai đoạn mới, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với UBND xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê buôn Drai H’ling. Câu lạc bộ có 15 thành viên là phụ nữ dân tộc Ê Đê ở 3 buôn trên địa bàn xã Hòa Xuân.

Bà H'Nga Byă, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê ở buôn Drai Hling chia sẻ: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê đang từng ngày mai một trong các buôn làng. Để tham mưu kịp thời cho các cấp lãnh đạo, chúng tôi tập hợp nhóm người có cùng sở thích để thành lập Câu lạc bộ dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê trên địa bàn. Hoạt động của câu lạc bộ hướng tới mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, đây cũng là nơi các thành viên có cơ hội giao lưu, học hỏi và trao đổi, chia sẻ cho nhau các phương pháp hoàn thiện sản phẩm, cùng nhau tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống từ di sản văn hóa.

Việc xây dựng câu lạc bộ không chỉ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Ê Đê, mà còn là hoạt động nhằm động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa, phát huy vai trò chủ thể trong việc nhân rộng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống.

Ngay sau khi ra mắt câu lạc bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã khai giảng lớp hướng dẫn, truyền dạy dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê ở buôn Drai Hling cho thành viên tham gia câu lạc bộ. Ngoài việc được nghệ nhân truyền dạy các kỹ năng dệt cơ bản, cách lên khung, xếp sợi để tạo hình hoa văn và tạo khổ dệt một sản phẩm cụ thể, các học viên được hỗ trợ khung dệt, máy vắt sổ, máy khâu... để thực hành dệt thổ cẩm.

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Các lớp truyền dạy sẽ mở ra cơ hội phát triển cho nghề truyền thống. Sau hơn 1 tháng, với tinh thần tận tình, trách nhiệm của nghệ nhân truyền dạy và sự chăm chỉ, cần cù của học viên, lớp học đã thành công. Các học viên trở thành những nghệ nhân trẻ, dệt ra những tấm vải, tạo ra sản phẩm đẹp, có thể bán ra thị trường. Lớp truyền dạy dệt thổ cẩm giúp chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ tự hào, tự tôn dân tộc và nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề nghề dệt của dân tộc mình. Bên cạnh đó, góp phần phát triển dệt thổ cẩm gắn với du lịch, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh.

“Để phát huy giá trị thổ cẩm, người dân không chỉ biết làm ra sản phẩm, mà còn phải tìm đầu ra, gắn phát triển du lịch, kết nối với các tour trình diễn dệt thổ cẩm và bán sản phẩm cho du khách” - ông Lại Đức Đại chia sẻ.

Phúc An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-song-moi-cua-tho-cam-tay-nguyen-post470926.html