Đội quân cách mạng, trung thành của Đảng và nhân dân Lào

QĐND - Trải qua 64 năm ra đời, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Quân đội nhân dân Lào luôn là lực lượng trung thành tuyệt đối của Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, sự nghiệp lao động sáng tạo của nhân dân, phát huy truyền thống tốt đẹp là quân đội nhân dân, vừa chiến đấu giỏi, vừa tích cực tham gia xây dựng kinh tế. Song song với chặng đường ấy là một liên minh chiến đấu Việt-Lào khăng khít và bền chặt, mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào gắn bó thủy chung “sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”.

QĐND - Trải qua 64 năm ra đời, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Quân đội nhân dân Lào luôn là lực lượng trung thành tuyệt đối của Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, sự nghiệp lao động sáng tạo của nhân dân, phát huy truyền thống tốt đẹp là quân đội nhân dân, vừa chiến đấu giỏi, vừa tích cực tham gia xây dựng kinh tế. Song song với chặng đường ấy là một liên minh chiến đấu Việt-Lào khăng khít và bền chặt, mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào gắn bó thủy chung “sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”.

Từng bước trưởng thành và phát triển

Theo chỉ thị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng NDCM Lào), ngày 20-1-1949, Quân đội nhân dân Lào chính thức thành lập tại Xiềng Khọ (Sầm Nưa), lấy đơn vị vũ trang Lát-xa-vông (Sầm Nưa) làm nòng cốt. Sau đó, các đội vũ trang cách mạng trong cả nước hợp nhất thành Quân đội Lào Ít-xa-la (Quân đội Lào tự do). Khi Lào thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc (năm 1957), Quân đội Lào Ít-xa-la được gọi là Quân đội Pa-thét Lào và đổi tên thành Quân đội Giải phóng nhân dân (QĐGPND) Lào vào ngày 20-1-1966.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ ba, từ trái sang), Hoàng thân Xu-pha-nu-vông (người thứ tư, từ trái sang) và các cán bộ quân đội Việt - Lào bàn kế hoạch mở Chiến dịch Thượng Lào năm 1953. Ảnh tư liệu

Năm 1975, đất nước Lào phải đối phó với sự phá hoại và mưu toan lật đổ chính quyền của tàn quân ngụy trong nước câu kết với các thế lực phản động ở nước ngoài. Trước tình thế đó, ngày 5-5-1975, Đảng NDCM Lào phát động toàn quân, toàn dân nổi dậy đồng loạt và tiến công toàn diện. Với thế trận bố trí sẵn, QĐGPND Lào đã tạo sức ép mạnh về quân sự để hỗ trợ đắc lực cho các tầng lớp nhân dân nổi dậy đấu tranh, đập tan hệ thống ngụy quân, ngụy quyền. Năm 1982, để phù hợp với nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đảng và Nhà nước Lào đã đổi tên QĐGPND Lào thành Quân đội nhân dân (QĐND) Lào.

QĐND Lào hiện gồm có quân đội thường trực và lực lượng dự bị động viên. Quân đội thường trực là lực lượng chính quy trong lực lượng vũ trang của đất nước, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là sự lãnh đạo và chỉ huy của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Hội đồng Quốc phòng an ninh. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thông qua Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần trực tiếp chỉ huy tác chiến và lãnh đạo xây dựng toàn quân. Lực lượng dự bị động viên của QĐND Lào là lực lượng quân sự mà thời bình phân tán ở trong dân, được đăng ký động viên vào quân đội trong thời chiến theo biên chế đã chuẩn bị trước. Lực lượng này gồm số hạ sĩ quan, chiến sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, còn độ tuổi làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và được đăng ký phục vụ trong quân đội khi có lệnh tổng động viên.

Hiện nay, cùng với việc coi trọng xây dựng và phát triển lực lượng bộ đội chủ lực, Bộ Quốc phòng Lào cũng rất quan tâm tới việc xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích, đồng thời củng cố và triển khai hệ thống nhà trường, các trung tâm huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội.

Một mối quan hệ ví như “viên ngọc quý”

Trong một bài viết mang tên “Quân đội nhân dân Lào và mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào”, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cho biết, sau khi Chính phủ Lào Ít-xa-la được thành lập ngày 12-10-1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lào Ít-xa-la đã kí Hiệp định về quân sự giữa hai bên, thành lập liên quân Lào-Việt để thống nhất lãnh đạo và chỉ huy tác chiến, bảo vệ nền độc lập của hai dân tộc mới giành được. Nhờ quan hệ máu thịt giữa Chính phủ hai nước, đoàn kết chiến đấu, giúp nhau trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giữa hai dân tộc, lực lượng vũ trang hai nước cũng gắn bó keo sơn, phối hợp chiến đấu cùng giành chiến thắng. Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) là một thắng lợi quan trọng của sự nghiệp đoàn kết kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương nói chung, của hai nước Việt Nam, Lào nói riêng trong cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Thắng lợi đó tạo nền móng vững chắc cho sự phối hợp, liên minh chiến đấu giữa Việt Nam và Lào ngày càng nâng cao trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong giai đoạn 1969-1972, Việt Nam và Lào tích cực đẩy mạnh các hoạt động phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt. Với sự nỗ lực vượt bậc của bản thân và cùng với sự đoàn kết, giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam, cách mạng Lào đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Ngày 2-12-1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời, đưa nước Lào bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược (1945-1975) thể hiện nghị lực và quyết tâm của cả hai dân tộc Việt Nam – Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung để giành độc lập, tự do, kết tinh sức mạnh đoàn kết của quan hệ đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào. Đánh giá về tình cảm chân thành nhất mực, sắt son của Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Lào, trong cuộc hội đàm giữa Đảng Nhân dân Lào và Đảng Lao động Việt Nam (12-1968), Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản (Kaysone Phomvihane) đã từng nhấn mạnh:

“Sự giúp đỡ của Việt Nam cho cách mạng Lào hết sức tận tình và vô tư. Việt Nam đã giúp Lào cả vật chất và xương máu. Xương máu của nhân dân Việt Nam đã nhuộm đỏ khắp nơi trên đất nước Lào vì nền độc lập của Lào”.

Hiện nay, mặc dù tình hình quốc tế và khu vực có diễn biến phức tạp, thế nhưng, như lời khẳng định của Phó chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vô-la-chít (Bounnhang Vorachith) tại lễ mít tinh kỷ niệm truyền thống liên minh chiến đấu, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào ngày 12-12-2012, mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam vẫn tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào bảo vệ, giữ gìn, nâng niu, làm cho mối quan hệ đặc biệt đó mãi mãi trường tồn và được chuyển tiếp cho các thế hệ con cháu muôn đời sau. “Chúng tôi trước sau như một thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản kính yêu, coi “Tình hữu nghị anh em và tình đoàn kết liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam là viên ngọc quý và là tài sản vô giá”, đồng chí Bun-nhăng Vô-la-chít nói.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/3/398/398/225169/Default.aspx