Đội ngũ cán bộ chuyên môn về công tác phục hồi chức năng còn thiếu

Tỉnh Đồng Tháp là một tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với dân số gần 1,7 triệu người. Trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thực hiện Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ) với nhiều kết quả tích cực.

Đồng Tháp

Bác sĩ Bệnh viện PHCN tỉnh Đồng Tháp khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi. Ảnh: M.N

12/12 huyện thực hiện việc khám sàng lọc, phát hiện sớm các dạng khuyết tật cho trẻ

Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Tỉnh với số giường bệnh kế hoạch 110 giường, công suất sử dụng giường bệnh hàng năm từ 110% với 27 bác sĩ (chuyên ngành PHCN: 10), 20 CN và KTV chuyên ngành PHCN, là đơn vị chuyên môn được Sở Y tế giao nhiệm vụ tham mưu công tác về chuyên ngành PHCN.

Ngoài ra, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đều có khoa PHCN để thực hiện việc khám chữa bệnh, cung cấp dịch vụ kỹ thuật PHCN cho người bệnh.

Tại các huyện, Trung tâm y tế có giường bệnh có thành lập tổ phục hồi chức năng lồng ghép khoa Y học cổ truyền, trong đó có bác sĩ và KTV PHCN thực hiện cung cấp dịch vụ kỹ thuật về PHCN đáp ứng nhu cầu khám điều trị bệnh cho người dân, đồng thời cử cán bộ phụ trách theo dõi quản lý công tác PHCNDVCĐ tại các trạm y tế.

Ngày 8/7/2013, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND Kế hoạch triển khai Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2013 - 2020; Căn cứ vào đó, Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 57/KH-SYT ngày 11/9/2013 Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2013 – 2020.

Để thực hiện đề án này, Sở cũng triển khai nhiều những hoạt động truyền thông, phối hợp cùng Đài truyền thanh huyện, trạm truyền thanh xã phổ biến các nội dung nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng đối với công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm, sàng lọc khuyết tật trước sinh, phòng ngừa khuyết tật; nâng cao nhận thức của người khuyết tật, gia đình, cộng đồng về khuyết tật như giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa giảm thiểu khuyết tật; Phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật:

Đồng thời triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ phát hiện sớm khiếm khuyết ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh phối hợp với Chi cục Dân số tỉnh. Đào tạo, tập huấn nâng cao các kỹ năng phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trợ giúp người khuyết tật.

Trong công tác phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp người khuyết tật đã có 12/12 huyện thực hiện công tác khám sàng lọc phát hiện sớm các dạng khuyết tật cho trẻ, đồng thời hướng dẫn địa phương khi phát hiện các trường hợp cần chỉnh hình sẽ chuyển người bệnh đến bệnh viện chuyên khoa chỉnh hình tuyến trên.

Theo Sở Y tế Đồng Tháp, về cung cấp dụng cụ trợ giúp người khuyết tật, đa phần người khuyết tật được hỗ trợ dụng cụ trợ giúp phù hợp với nhu cầu, bao gồm các dụng cụ như: nạng, gậy, khung tập đi, máy trợ thính. Kết quả đã cung cấp cho NKT tại các địa phương một số dụng cụ cơ bản, gồm: 547 nạng, 723 gậy, 466 khung tập đi và 507 máy trợ thính kinh phí từ nguồn Dự án 3 – Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số và kinh phí địa phương.

Sở cũng chú trọng tổ chức tập huấn chuyên môn cho NVYT tại các Trạm y tế xã về nội dung PHCNDVCĐ và hướng dẫn thực hiện các phương pháp đơn giản tập luyện nhằm giúp người khuyết tật có cuộc sống ngày càng tốt hơn, giảm gánh nặng gia đình thông qua các tài liệu do Bô Y tế ban hành.

Đặc biệt, năm 2018, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai Quyết định số 3815/QĐ-BYT ngày 21 tháng 8 năm 2017 của Bộ Y tế về việc triển khai hệ thống thông tin Quản lý sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật, trong đó giao Bệnh việc phục hồi chức năng làm đầu mối để theo dõi, giám sát hệ thống. Qua đó đánh giá công tác quản lý, hỗ trợ người khuyết tật tại cộng đồng cần được hướng dẫn và hỗ trợ các dụng cụ thiết yếu.

Nhận thức của gia đình người khuyết tật còn hạn chế

Tuy nhiên, cũng theo Sở Y tế Đồng Tháp, công tác PHCN của tỉnh cũng gặp những khó khăn. Theo đó, dù cố gắng, nhưng vẫn chưa vận động khám sàng lọc, theo dõi sức khỏe được cho 100% người khuyết tật. Tỷ lệ người nhà người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc cho người khuyết tật còn thấp.

Bên cạnh đó, trạm Y tế khám bệnh quá đông, nhân lực hạn chế nên việc quản lý chưa thật tốt. Chưa có kỹ năng hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng và dụng cụ hỗ trợ vật lý trị liệu cho người khuyết tật.

Ngoài ra, công tác thống kê gặp khó khăn do địa bàn rộng, cộng tác viên chương trình thiếu, thay đổi nhân sự quản lý chương trình. Và quan trọng nhất, kinh phí mỗi năm cho đề án đều cắt giảm so với kế hoạch ban đầu.

Nhìn nhận về vấn đề này, Sở Y tế cho rằng, đó là đơn vị còn hạn chế về vật lực và nhân lực, đội ngũ cán bộ chuyên môn có đầy đủ chứng nhận về công tác PHCN còn thiếu, có nhiều bệnh nhân khó khăn cần hỗ trợ mà nguồn kinh phí còn hạn chế.

Công tác tuyên truyền của Đề án chỉ dưới hình thức thông tin đại chúng chưa tập trung vào nhóm người khuyết tật, Người khuyết tật thiếu kiến thức trong việc tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân và hòa nhập vào cộng đồng.

Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp nhận định, một số cơ quan, ban ngành, đoàn thể chưa quan tâm đầy đủ đến người khuyết tật như: chưa rà soát kỹ đối tượng người khuyết tật đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội, hướng dẫn người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật làm thủ tục hưởng trợ cấp còn chậm nên đời sống vật chất, tinh thần của một số đối tượng người khuyết tật còn gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt là nhận thức của gia đình người khuyết tật còn hạn chế. Họ không đưa con đi điều trị, phục hồi chức năng... một số đối tượng người khuyết tật còn chưa được hưởng các dịch vụ về phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ chỉnh hình; Sự phối hợp liên ngành trong các hoạt động chăm sóc và tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia vào các hoạt động xã hội có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức…

Vì vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác PHCNDVCĐ tại tỉnh Đồng Tháp, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai các nội dung, như: Tuyên truyền giáo dục cho người dân về khuyết tật, phát hiện sớm – can thiệp sớm trẻ khuyết tật; Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý các tuyến: đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ phụ trách chương trình phục hồi chức năng dựa vào công đồng tại các trạm y tế xã; Tổ chức khám sàng lọc cho trẻ em dưới 6 tuổi để phát hiện sớm – can thiệp sớm khuyết tật; Xây dựng hệ thống thông tin, báo cáo về khuyết tật; Hỗ trợ dụng cụ cho người khuyết tật; Xây dựng nâng cấp cơ sở điều trị chuyên sâu cho người khuyết tật tại tuyến tỉnh: xưởng dụng cụ chỉnh hình, phẫu thuật chỉnh hình tại tỉnh.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/doi-ngu-can-bo-chuyen-mon-ve-cong-tac-phuc-hoi-chuc-nang-con-thieu-363966.html