'Đối ngoại' bằng sân khấu: Cần quan tâm thấu đáo hơn

Sân khấu là một kênh có thể nâng hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, đồng thời cũng giúp cho sự liên kết cộng đồng người Việt ở nước ngoài bền chặt hơn.

Các diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam tập vở "Hồng Lâu Mộng". Ảnh: Báo Tin Tức

Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, trong các hoạt động giao lưu văn hóa tầm quốc gia như các tuần lễ văn hóa, chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam… loại hình nghệ thuật sân khấu hầu như chưa được chú trọng.

Ông Vinh cho biết, trong năm 2017, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng có nhiều chuyến đi lưu diễn quốc tế.

Trong đó, riêng Trung Quốc là 6 lần, gồm 4 lần tham dự Tuần lễ sân khấu Trung Quốc-ASEAN và 2 lần đi theo lời mời của Sở Văn hóa Hà Nam và Sở Văn hóa Quý Châu-Trung Quốc. Bên cạnh đó, là tham dự các LH Quốc tế ở Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Monaco…

Tuy nhiên, những lần “đem chuông đi đánh xứ người” này đều là do lời mời của ban tổ chức liên hoan, hoặc là sự liên hệ cá nhân của một số nghệ sĩ Nhà hát với các đơn vị nước ngoài.

“Hiện nay Ngân sách của Nhà nước dành cho hoạt động sân khấu rất eo hẹp và càng ngày càng khó khăn hơn trong việc giới thiệu các tác phẩm của chúng ta ra nước ngoài. Các tháng văn hóa, tuần lễ văn hóa quốc tế ở nước ngoài chỉ có các đoàn ca nhạc, cùng lắm là các nghệ sĩ giao hưởng tham gia; mà không có chỗ cho kịch nói”, ông Nguyễn Thế Vinh chia sẻ.

Được biết, năm 2016, vở Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam, với sự hỗ trợ của một doanh nghiệp, đã có cơ hội tới với các khán giả Singapore. Và như nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Singapore, vở diễn đã góp phần nâng tầm con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế tại Singapore.

“Sân khấu là một kênh có thể nâng hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, đồng thời cũng giúp cho sự liên kết cộng đồng người Việt ở nước ngoài tốt hơn. Đơn cử như mới đây, khi Nhà hát mang vở ‘Bệnh sĩ’ đi diễn ở châu Âu, rất nhiều người Việt Nam đã từng sinh sống 30-40 năm ở châu Âu xem xong rất xúc động, mong muốn có nhiều cơ hội được xem nhiều vở diễn như vậy nữa. Với những tác động tốt như thế, kịch nói cần nhận được sự quan tâm thấu đáo hơn của các đơn vị quản lý trong việc đưa ra làm công tác đối ngoại, giao lưu văn hóa”, ông Nguyễn Thế Vinh cho biết.

Không chỉ với hoạt động “xuất ngoại”, mà việc hoạt động “nhập nội” của sân khấu cũng còn nhiều khó khăn. Như vừa rồi, khi Nhà hát mời đạo diễn người Singapore, ông Chua Soo Pong, sang hợp tác dàn dựng vở “Hồng Lâu Mộng”, cũng gặp không ít trở ngại.

Do quy định, tất cả các tác phẩm nghệ thuật đặt hàng chỉ trả tiền đạo diễn chứ không trả tiền ăn ở cho đạo diễn người nước ngoài, Nhà hát đã phải liên hệ và xin hỗ trợ của Quỹ Văn hóa Quốc tế Singapore. Quỹ này đã đồng ý hỗ trợ ông Chua Soo Pong tiền vé máy bay đi về, tiền ăn, tiền ở trong thời gian làm việc tại Việt Nam, cho tới khi kết thúc vở diễn.

“Nếu không, chúng tôi cũng sẽ không đủ sức để chi trả toàn bộ chi phí mời đạo diễn nước ngoài, trong khi đây là một điều rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tác phẩm sân khấu, đưa sân khấu Việt Nam hội nhập với thế giới”, đại diện Nhà hát cho biết.

Nguyễn Thế Vinh bày tỏ: “Hy vọng những tác phẩm sân khấu mà Nhà hát đang dàn dựng (“Romeo & Juliet”, “Hồng Lâu Mộng”) sẽ có thể vừa mang đến cho công chúng những tác phẩm nghệ thuật có giá trị; nhưng đồng thời cũng nhắc nhở những người làm công tác quản lý văn hóa chú trọng, quan tâm hơn đến lĩnh vực sân khấu, phát triển loại hình này thành thế mạnh trong các hoạt động giao lưu văn hóa với thế giới”.

(theo Báo Tin tức)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/doi-ngoai-bang-san-khau-can-quan-tam-thau-dao-hon/317991.vgp