Đời Năm Hổ đỏ au vì 'vàng trắng'

Mỗi sớm, khi mặt trời còn chưa lên, ông Năm Hổ da đỏ au vì nắng đã ra đồng cào muối. Công việc là truyền thống gia đình và ông đã duy trì nó gần 60 năm nay. Thứ 'vàng trắng' thu về từ biển giúp ông nuôi nấng những đứa con khôn lớn.

Đồng muối Đông Hải vào mùa.

Đồng muối Đông Hải vào mùa.

Ông Hổ thích làm muối!

Làng Đông Hải, phường Ninh Hải, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) cách thành phố Nha Trang khoảng hơn 40km về phía Bắc. Ông Trần Hổ là bậc cao niên làm muối truyền thống. Gần 80 tuổi, ông còn có tên Năm Hổ. Nước da đỏ au của ông là kết quả cả cuộc đời phơi mình trên cánh đồng.

Ông khiến người ta liên tưởng tới từ “dãi nắng” trong câu ca dao: “Vốn là hạt nước biển xanh/ Lên bờ dãi nắng mới thành tấm thân/ Nhỏ xinh lòng dạ trắng ngần/ Đem tình nồng mặn hiến dâng cho đời”

Để làm nên hạt muối, cả nước biển xanh và con người nơi đây đã cùng nhau dãi nắng qua ngày, qua tháng, qua năm, qua cả cuộc đời.

Theo trí nhớ của những bậc cao niên, nghề làm muối có từ thời thực dân Pháp. Các kỹ sư người Pháp tới đây đo đạc, vẽ sơ đồ rồi chỉ cho người dân cách làm, sau đó thu thuế muối với giá cao.

Người Pháp cũng đã cho đào kênh Taluy kiên cố nối Cảng Hòn Khói để phục vụ sản xuất, giao thương nghề muối. Con kênh đào này được cho là dài gần 10km, chạy qua nhiều địa danh như: Ninh Hải, Ninh Diêm, Ninh Thủy để đưa nước biển tới các cánh đồng.

Các cụ già cũng kể lại rằng thời xưa thực dân Pháp có sẵn ba-rem tính theo chiều cao nhân vòng tròn đáy của đống muối hình nón để ra khối lượng tấn muối. Sau khi đo xong, họ còn in những con dấu dày trên đống muối, khi bán, thuế quan kiểm tra, nếu mất dấu thì người dân sẽ bị phạt nặng.

Trên đường từ nhà ra đồng muối của ông Năm Hổ hiện vẫn còn lại di tích là một cái chòi canh của lính Pháp nằm trên một đỉnh núi thấp. Nay chỉ còn thấy chỏm tháp nhô lên khỏi đám cây cỏ um tùm.

Từ đó tới nay, diêm dân nơi đây đã ăn ngủ, sống chết với muối. Nơi đây tạo nên vựa muối tới hàng trăm héc-ta, lớn nhất Khánh Hòa và hàng đầu cả nước.

Ông Năm Hổ cho biết, khâu vất vả nhất của diêm dân đó là lúc khai hoang. Trước tiên phải cuốc đất làm ruộng. Sau đó là “đầm da” nhiều lần cho đến khi mặt ruộng trở nên phẳng lì. Diêm dân có làm vậy khi muối sắc nước mới không bị lấm bùn và cho hạt trắng tinh. Riêng khâu này tốn thời gian khoảng nửa tháng mới làm xong.

“Còn lại, những việc khác thì nhẹ nhàng hơn, bơm nước biển vào, cho sang hồ giang chứa. Chờ đến khoảng 25 độ, muối kết tinh, mình ‘tha’ khỏi da đất ruộng. Chiều đến thuê người ta gánh lên bờ. Làm muối không phải lo phân, giống, sâu bệnh như lúa. Năm Hổ thích làm muối!”, ông cười sang sảng và nói.

“Đồng nghiệp” của diêm dân

Cuối tháng 4 là bắt đầu cao điểm làm muối của diêm dân Ninh Hòa. Đi khắp thôn Đông Hải và dọc khu vực Hòn Khói, nơi đâu cũng thấy những núi muối cao thấp xen lẫn. Những chiếc xe đẩy mạnh mẽ giúp sức cho những đôi quang gánh nhấp nhô.

Buổi sáng, người ta í ới nhau đi thu hoạch muối từ lúc 5 - 6 giờ, tranh thủ lúc nắng còn chưa gắt. Buổi chiều thì không thể tránh cái nắng bởi nếu đi muộn quá sẽ không kịp thu hoạch. Từ 2 - 3 giờ chiều đã nghe lao xao ngoài ruộng.

Tôi quyết định trải nghiệm cùng người dân đi cào và gánh muối vào lúc vất vả nhất trong ngày, đó là buổi trưa. Mặt trời đổ xuống như làn nước nóng xối vào người. Bởi vậy, nam giới thường khoác thêm áo dài tay. Phụ nữ nai nịt kín với nón, mặt che chỉ hở mắt, mấy lớp áo choàng khắp thân, tay đeo găng và chân đeo tất dày sụ.

Ông Nguyễn Ngọc Trung (thôn Đông Hải, Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã làm muối trên cánh đồng này được khoảng 15 năm. Đó là từ khi hợp tác xã giao đồng cho xã viên.

Thấy tôi thích thú với công việc - ông Trung giải thích - ruộng muối khi thu hoạch vẫn phải để lại lớp nước cao vài phân chứ không tháo hết nước đi. Bởi vì như thế thì cào muối sẽ dễ hơn. Cào muối cũng có kỹ thuật. Làm sao vừa đủ sức để muối vun thành đống lại vừa không quá mạnh. Bởi quá mạnh sẽ kéo cả đất lên khiến cho muối bị đen.

Trên ruộng nhà ông Trung, những người đàn ông đảm nhận việc cào muối. Còn ba người phụ nữ thì dùng rổ xúc vào thúng rồi tong tả gánh lên ụ muối trên bờ.

“Đồng nghiệp” thân thiết nhất của diêm dân chính là cái bóng của họ. Họ làm việc dưới nắng gần như suốt thời gian lao động. Sáng bóng nghiêng, trưa bóng đứng, chiều bóng liêu xiêu. Giờ nào trong ngày thì “bạn đồng hành” với họ cũng là cái bóng. Diêm dân khổ nhưng cũng biết ơn nắng.

Nếu mưa thì mọi việc đều “đổ xuống sông, xuống bể” theo cả nghĩa đen (phải tháo nước từ ruộng trả lại biển, chờ làm lứa mới) và nghĩa bóng (không có muối để thu hoạch).

Nghề làm muối vất vả đến nỗi, trong ca dao cũng phải than rằng: “Nậu nại dại lắm ai ơi!/ Trời nắng không núp đứng phơi ngoài đồng”. Theo dân gian thì từ “nại” chỉ việc liên quan đến làm muối, còn nậu nại là người làm muối.

Sách “Đại Nam quấc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Của có giải thích: Nại muối = chỗ làm muối. Tại Sông Cầu, Phú Yên có địa danh Đèo Nại, tương truyền do xưa kia những người gánh muối thường nghỉ chân tại đây.

Tuy vất vả nhưng không phải vì thế mà diêm dân không giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan. Đổ xong thúng muối lên núi, chị Nguyễn Thu bảo mình là người đi gánh thuê. “Một ngày được 200 nghìn đồng, cũng vất vả lắm, làm từ sáng tới đêm, không có ruộng thì làm thuê cho người ta để kiếm cơm thôi chứ”, chị tâm sự.

Những núi muối cứ nhanh chóng cao vút lên rồi lại gần như bay hơi không còn dấu tích mỗi khi xe tải thu mua tới bốc đi. Núi muối có lẽ nên được coi là biểu tượng của diêm xứ. Bởi chúng là mồ hôi công sức của diêm dân, tạo nên cả một ngành nghề đặc thù, giúp nuôi sống bao thế hệ người dân nơi đây.

Trang phục đặc trưng của người phụ nữ gánh muối.

Diêm dân luôn làm việc dưới nắng gắt

Ông Năm Hổ tự hào vì muối của ông trắng bung như bạc.

Mạch nguồn truyền thống

Cách không xa Đông Hải là đồng muối Ninh Diêm, nơi có diện tích làm muối lớn của tỉnh Khánh Hòa, với hạ tầng tốt và ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất. Nhiều hộ gia đình và hợp tác xã đã đầu tư tấm màng bạc lót đáy, có nơi làm cả ruộng xi măng.

“Tôi cũng không trông được mùa quá. Vì được mùa lại mất giá, có khi chỉ 2 - 3 trăm nghìn đồng/tấn. Năm nào mưa nhiều, sản lượng thấp thì giá lại cao. Thương lái trả cả triệu một tấn”, ông Năm Hổ nói. Cái lý của ông Năm Hổ nghe chừng không sai. Như năm ngoái giá muối được tới 700 - 800 nghìn/tấn. Năm nay rớt xuống còn có 400 nghìn đồng. Ông Năm Hổ có một cuốn sổ to hơn bàn tay một chút. Nhưng đối với ông thì rất “bự”. Vì nó có những dòng ghi chép chi tiết tất cả các loại chi phí và tiền thu được từ muối. Tiền thuê người làm da ruộng. Tiền thuê gánh muối. Tiền bán lứa muối đầu tiên của năm… Tất cả gia sản nhà ông nằm trong cuốn sổ be bé và mộc mạc đó.

Còn đồng ruộng nhà ông Năm Hổ vẫn được làm theo cách truyền thống. Ngoại trừ máy bơm dẫn nước từ biển vào, hầu như tất cả các công đoạn đều dùng sức người và công cụ thủ công.

Theo kinh nghiệm dân gian, nền đất mới chính là nơi tạo ra độ mát lý tưởng để muối kết tinh chậm. Muối cũng hấp thụ năng lượng và khoáng chất từ đất kết hợp khoáng chất có sẵn trong nước biển. Từ đó tạo nên một loại muối biển có hàm lượng khoáng chất cao.

Ông Năm Hổ kể rằng, ngày xưa các bọng nước (ống dẫn nước từ biển vào ruộng) được làm từ một loại cây rừng có tên là cây sơn.

Người ta mua cây sơn rồi chặt khúc, sau đó xẻ đôi khúc sơn, đục ruột, để lại bìa 3 phân, ụp hai miếng tạo thành hình tròn rỗng ở bên trong… dùng làm bọng nước, không bao giờ mục. Đến nay ruộng của ông vẫn còn một bọng, tính ra đã tồn tại cả trăm năm.

Thế nhưng bây giờ cây này gần như không còn tìm thấy nữa, bọng nước cũng đã được thay thế bằng ống nhựa. Đi quanh các cánh đồng trong làng, tôi có hỏi thêm mấy người khác, nhưng hầu như họ không còn biết gì về loại bọng nước cổ xưa này.

Tất cả các câu trả lời đều quay về ông Năm Hổ - người già hiếm hoi còn lại nơi đây vẫn nhớ được những câu chuyện thuở đầu khai hoang làm muối.

Ông Trung cho biết: “Muối ruộng đất được người tiêu dùng thông thường yêu thích hơn. Bởi họ có thể dùng làm cá, mực muối và dùng để ăn... Còn muối ruộng bạc thường dùng cho công nghiệp. Thế nên dù muối ruộng bạc được giá hơn ruộng đất nhưng tôi vẫn làm theo cách truyền thống”.

Những người tinh tế trong nghề muối cũng sẽ nhận ra, chất đất tạo nên vị ngon đặc trưng của muối biển. Nó giúp muối ruộng đất mặn dịu và thơm tự nhiên.

Xét ở khía cạnh môi trường, muối biển nền đất không gây ô nhiễm, làm hại đến các vi sinh vật cũng như sự đa dạng của ruộng muối. Có lẽ bởi vậy, muối vùng Hòn Khói nói chung và Đông Hải nói riêng được xuất đi khắp cả nước, tạo nên một thương hiệu không thể trộn lẫn.

Muối Ninh Hòa, nhất là vùng Hòn Khói, được cho là nguyên chất và trắng đẹp hơn nơi khác. Đó là do chất đất cũng như điều kiện tự nhiên nơi đây. Ở Hòn Khói không có cửa sông nên không bị lẫn tạp chất. Đó chính là món quà mà thiên nhiên đã ban cho nơi này. Nó tạo nên một loại muối trắng bung như bạc - niềm tự hào của diêm dân trong vùng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/doi-nam-ho-do-au-vi-vang-trang-20200525164426941.html