Đổi mới về tư duy, cách tiếp cận

Theo Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp, hướng tới mục tiêu coi người dân là trung tâm, chủ thể hưởng thụ chính sách, đến nay, công tác PBGDPL đã có nhiều đổi mới cả về tư duy và cách tiếp cận, đáp ứng yêu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, từ đó, tác động trực tiếp tới việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.

Hiệu quả hơn nhờ công nghệ thông tin

Đại diện Vụ PBGDPL cho biết, các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã đa dạng hóa hình thức, mô hình, biện pháp PBGDPL, bảo đảm sát thực hơn với thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh việc duy trì các hình thức truyền thống, đã có nhiều mô hình PBGDPL hiệu quả, cách làm sáng tạo tại cơ sở. Đặc biệt, thông qua áp dụng công nghệ thông tin, công tác PBGDPL đã có nhiều đổi mới, linh hoạt hơn.

Đẩy mạnh giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn: ITN

Đẩy mạnh giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn: ITN

Đơn cử như ở Tuyên Quang, đã đẩy mạnh các hình thức PBGDPL trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện. Trang fanpage “PBGDPL Tuyên Quang” thường xuyên đăng tải các tài liệu đã được biên soạn ngắn gọn dưới hình thức: hỏi - đáp pháp luật; tờ gấp pháp luật hoặc lựa chọn tài liệu tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang… để tuyên truyền.

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết: nhằm đổi mới công tác PBGDPL, song song với việc triển khai nhiều mô hình hay, sáng tạo trong công tác PBGDPL, TP. Hà Nội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trên kênh thông tin đại chúng. Điển hình như xây dựng Trang thông tin điện tử PBGDPL với nhiều chuyên mục, thông tin về nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp; tích cực đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, góp phần hình thành đa chiều, đa dạng hóa trong công tác PBGDPL. Hay hàng năm, đều tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng như thi viết trên mạng, thi trực tuyến, thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tham gia.

Trong đó phải kể tới cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” năm 2019 với 867.000 lượt người tham gia; cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu phòng, chống dịch bệnh Covid-19” năm 2021, với trên 1 triệu lượt người tham gia. Ngoài ra, TP. Hà Nội còn đổi mới hình thức thi xây dựng video; nhiều sản phẩm video trở thành sản phẩm truyền thông rộng rãi, có giá trị sử dụng lâu dài, mở ra hướng mới trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL.

Thực chất hơn với những nội dung phù hợp

Để công tác PBGDPL thực chất hơn, hiệu quả hơn, việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật cũng được nhiều địa phương đặc biệt chú trọng.

Theo ông Trần Thái, Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 155 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các phòng, đơn vị trực thuộc. Các báo cáo viên đều có trình độ đại học và trên đại học (chuyên ngành Luật và chuyên ngành khác), am hiểu pháp luật, có kỹ năng truyền đạt, thường xuyên tự học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện công tác PBGDPL. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật và đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL thường xuyên được củng cố, kiện toàn.

Đặc biệt, từ năm 2022, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 136 báo cáo viên pháp luật và hơn 200 công chức, viên chức phụ trách làm công tác PBGDPL tại các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện; cấp xã, phường, thị trấn cũng có 1.129 người làm tuyên truyền viên pháp luật, bảo đảm yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác PBGDPL còn có sự tham gia của các chức sắc thuộc các tổ chức tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư và trưởng khóm, ấp; 512 “nhóm tiêu biểu” ở 512 khu dân cư và 3.266 hòa giải viên ở cơ sở, trên 139 người có uy tín ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và cán bộ làm công tác PBGDPL đến nay đều phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, đã tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và người dân. Để giúp công tác PBGDPL đạt hiệu quả, phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, Hội đồng PBGDPL các tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai trên nhiều lĩnh vực.

Xác định việc lựa chọn nội dung phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn là ưu tiên hàng đầu; Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An đã thành lập các tổ tuyên truyền và sử dụng hình thức “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tiếp cận tuyên truyền trực tiếp cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bộ đội biên phòng tỉnh cũng phối hợp các ngành thành lập tổ lưu động lắp loa trên các phương tiện xe máy hoặc ô tô đi đến các thôn, bản, cụm dân cư chưa có hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyền với thời lượng 60 phút/ngày bằng tiếng Thái và tiếng Mông cho đồng bào thôn bản. Nội dung tuyên truyền chú trọng tới các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, các vấn đề mà người dân đang vi phạm như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Đỗ Quyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/doi-moi-ve-tu-duy-cach-tiep-can-i316126/