Đổi mới trên vùng cao Co Mạ

Những năm gần đây, xã Co Mạ của huyện Thuận Châu đã phát huy tiềm năng, lợi thế, đa dạng các mô hình phát triển kinh tế, điển hình, như: Mô hình trồng rừng, trồng cây ăn quả, trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc... từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Là xã vùng cao địa hình nhiều đồi núi, để bảo vệ các cánh rừng và môi trường sống, UBND xã đã thành lập các tổ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định của Nhà nước không phá rừng làm nương và tổ chức các hộ ký cam kết chấp hành việc phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô hanh; phân công cho từng thành viên BCĐ xã theo dõi chỉ đạo các bản quản lý và bảo vệ tốt diện tích 7.273 ha rừng hiện còn; khoanh nuôi 4.133,64 ha rừng tái sinh. Ngoài bảo vệ diện tích rừng phòng hộ, nhiều diện tích đất lâm nghiệp ở đây đã được người dân trồng cây ăn quả, với tổng diện tích lên tới hơn 444 ha cây xoài, nhãn và sơn tra.

Diện tích trồng sơn tra của một hộ dân ở bản Pha Khuông, xã Co Mạ.

Diện tích trồng sơn tra của một hộ dân ở bản Pha Khuông, xã Co Mạ.

Phát huy lợi thế miền rừng núi, phù hợp phát triển chăn nuôi, người dân xã Co Mạ đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, đem lại nguồn thu chính cho các hộ gia đình. Xã luôn tạo điều kiện để người dân được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do các đơn vị chuyên môn trong huyện tổ chức, triển khai công tác tiêm phòng dịch bệnh theo đúng kế hoạch đề ra. Nhờ đó, ngày càng có nhiều hộ chăn nuôi đại gia súc theo mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại với đàn trâu bò từ 20-50 con. Hiện, tổng đàn trâu của xã đạt 750 con; đàn bò 2.000 con; lợn 3.500 con, gia cầm 23.000 con. Để đàn vật nuôi phát triển ổn định, ngoài tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, việc phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng được xã quan tâm chỉ đạo kịp thời. Riêng năm 2020, xã đã tổ chức tiêm phòng trên 700 liều vắc xin phòng dịch bệnh lở mồm, long móng và trên 2.200 liều phòng bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò, lợn; đồng thời, phun thuốc tiêu độc, khử trùng... Vài năm gần đây, đàn vật nuôi phát triển ổn định, không xảy ra ổ dịch lớn.

Trong trồng trọt, tuy diện tích trồng lúa nước của xã không lớn nhưng những năm gần đây, nhiều giống lúa mới cao sản đã được bà con trồng thay cho các giống lúa cũ, mỗi năm toàn xã gieo cấy được 51,3 ha diện tích lúa mùa, năng suất đạt 30 tạ/ha; 8,5 ha lúa chiêm xuân, năng suất bình quân 52 tạ/ha. Bên cạnh đó, bà con còn gieo 649 ha ngô xuân hè, 49 ha sắn, 477,5 ha lúa nương, 15 ha diện tích rau, 13,5 ha cỏ voi; nuôi thả cá trên diện tích 5 ha.

Về thăm bản Cát, anh Vì Văn So, Bí thư chi bộ, Trưởng bản cho biết: Bản có 70 hộ sinh sống. Chi bộ lãnh đạo nhân dân trồng 54 ha cây ăn quả gồm nhãn, xoài, mận và 2ha dứa phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy Doveco. Duy trì tốt diện tích lúa nước hơn 7 ha; tích cực phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa với hơn 1.200 con trâu, bò, ngựa; trên 400 con lợn; 1.200 con gia cầm; diện tích ao thả cá hơn 2 ha.

Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp - xây dựng - thương mại và dịch vụ của xã có bước phát triển. Hiện, toàn xã có gần 100 hộ kinh doanh dịch vụ, hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, như: Hàng khô, thực phẩm tươi sống, quần áo; hàng tiêu dùng, tạp hóa; dịch vụ xay sát, sửa chữa xe máy, xây dựng, nhà hàng, tập trung chủ yếu tại khu vực ngã 3 bản Pha Khuông, bản Mớ, dọc tỉnh lộ 108, góp phần quan trọng cho xã tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Năm 2020, thu ngân sách trên địa bàn xã đạt 234 triệu đồng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có nhiều cải thiện.

Ông Vì A Sềnh, Chủ tịch UBND xã Co Mạ, cho biết: Xã đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn quả tập trung, vùng cây xoài, cây nhãn, cây dứa phục vụ nguyên liệu cho nhà máy Doveco. Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo hướng trồng cỏ, nuôi nhốt; triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh... Phát triển mô hình nông lâm kết hợp, thu hút, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển rừng theo quy hoạch. Phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh...

Với những mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương đã thúc đẩy kinh tế ở vùng cao Co Mạ từng bước phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/doi-moi-tren-vung-cao-co-ma-43674