ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI THEO HƯỚNG CHUYÊN NGHIỆP HÓA

Trải qua gần 80 năm lịch sử hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam từ khóa I năm 1946 đến nay đã không ngừng đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ của đất nước, đáp ứng niềm tin và mong đợi của Nhân dân, cử tri cả cả nước. Trước yêu cầu khách quan và định hướng phát triển đất nước giai đoạn mới, việc tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội đang được đặt ra.

Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, việc đổi mới về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội là một trong những nhiệm vụ luôn được quan tâm.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định nhiệm vụ “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng trâm của đổi mới hệ thống chính trị”.

“Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao”.

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội phụ thuộc chủ yếu vào 2 yếu tố cơ bản: Một là, đại biểu chuyên nghiệp (hoạt động chuyên trách). Hai là, công việc của Quốc hội phải mang đầy đủ tính chất chuyên môn nghiệp vụ chuyên lĩnh vực. Bởi vậy mức độ chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội một phần rất quan trọng phụ thuộc vào tổ chức bộ máy của Quốc hội và số lượng cùng chất lượng của đại biểu hoạt động chuyên trách.

Theo TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, sở dĩ các khóa Quốc hội thuộc thế kỷ XXI, ngày càng hoạt động có chất lượng, trong các nguyên nhân, có nguyên nhân quan trọng là số lượng và tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyển trách gồm cả ở trung ương và địa phương đầu mỗi nhiệm kỳ tăng lên liên tục. Cụ thể: Khóa XI có 119 đại biểu (chiếm 23,90% so với tổng số đại biểu); tương tự như vậy, khóa XII 144 đại biểu (29,21%); khóa XIII 155 đại biểu (31,00%); khóa XIV 167 đại biểu (33,80%). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, phải “Bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, nâng cao chất lượng ĐBQH, tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách”. Kết quả khóa XV bầu được 193 đại biểu chuyên trách, chiếm 38,7% so với tổng số đại biểu (ở trung ương 126, địa phương 67 đại biểu). Con số 38,7% và tiến tới 40% (bằng 200 ĐBQH khóa XV) hoạt động chuyên trách là một bước đi tích cực, hợp lý.

TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Để thực hiện đúng đắn sự chỉ đạo chiến lược của Đảng đối với đại biểu hoạt động chuyên trách, TS. Bùi Ngọc Thanh cho rằng trong tổ chức phải thực hiện một số giải pháp như: Tuyệt đại bộ phận số đại biểu này phải là đại biểu tái cử, nhất là những đại biểu đã từng hoạt động chuyên trách. Nếu là đại biểu chuyên trách mới, thì nên là những người đã làm việc lâu năm trong các cơ quan phục vụ Quốc hội. Vì các đại biểu này đã nắm được (đã thông thạo) quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội; đã “thiết kế” được mối quan hệ công tác trong và ngoài Quốc hội, đã có nhiều kinh nghiệm (có năng lực chuyên môn, có kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, thương lượng, nắm chắc nhiều vấn đề..).

Một số đại biểu chuyên trách mới phải là những đại biểu biết nhiều chuyên môn nghiệp vụ, có bề dày kiến thức, đã từng kinh qua công tác quản lý, lãnh đạo; những người đã từng làm công tác phân tích, tổng hợp, xây dựng chính sách ở tầm vĩ mô. Đồng thời, đã là đại biểu hoạt động chuyên trách trách thì phải làm được ít nhất hai nhiệm kỳ. Do đó, phải cơ cấu độ tuổi cho tương thích (phần lớn các đại biểu chuyên trách mới phải ở độ tuổi dưới 50 tuổi).

PGS. TS Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật

Nghiên cứu về nội dung này, PGS. TS Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật cho rằng, giai đoạn trước mắt cần đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng tiệm cận đến một Quốc hội chuyên nghiệp. Theo đó, PGS. TS Đinh Dũng Sỹ nêu một số đề xuất: Phấn đấu nâng dần tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách từ 40% hiện nay lên khoảng 60% vào năm 2031 (Quốc hội khóa XVII); Cải cách phương thức hoạt động của Quốc hội, không phải mỗi năm hai kỳ như hiện nay mà là thường xuyên hơn, có thể là mỗi quý một kỳ. Tùy thuộc vào khối lượng công việc nhưng mỗi kỳ có thể là 15 đến 20 ngày.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường đưa ra các sáng kiến luật cũng như tự soạn thảo, trình các dự án luật; Không nên quan niệm rằng một dự án luật phải có phạm vi và đối tượng điều chỉnh rộng, bao quát cả một lĩnh vực lớn như hiện nay mà có thể có những dự luật nhỏ, điều chỉnh một lĩnh vực hẹp hoặc một vấn đề rất cụ thể, rõ ràng và có tính cấp bách. Đồng thời, tăng cường năng lực, điều kiện làm việc đi đôi với tăng thẩm quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan và ủy ban chuyên môn của Quốc hội trong thẩm tra các đề án;…

Ngoài ra, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến, để tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, bảo đảm phát huy vị trí, vai trò của Quốc hội thật sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cần coi trọng tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa sâu hơn trong hoạt động lập pháp. Trong đó, cần bảo đảm tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án Luật ngay từ những công đoạn đầu tiên. Đồng thời, chú trọng việc phân tích, quyết định các chính sách trong dự án Luật trước khi tiến hành các bước tiếp theo của quy trình lập pháp. Trong quá trình thẩm tra cũng cần phải tăng cường tính phản biện và đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo luật, pháp lệnh./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80964