Đổi mới thực chất, vì mục tiêu kiến tạo phát triển

HOÀNG THỊ LAN PHƯƠNG - Trưởng phòng Tổng hợp, Thông tin, Dân nguyện, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa

Đánh giá cao các ý kiến tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa với Thường trực HĐND các huyện, thị, thành phố lần thứ 2 diễn ra sáng qua, 18.10, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam nhấn mạnh: HĐND 2 cấp cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng “thực chất, toàn diện, đồng bộ”. Trong đó, việc tổ chức các kỳ họp cần được chuẩn bị “từ sớm, từ xa”; đổi mới hoạt động giám sát theo hướng thực chất, xác định rõ trách nhiệm, vì mục tiêu kiến tạo phát triển…

Đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam, sau thành công của Hội nghị Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thị, thành phố lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026, hoạt động của HĐND tỉnh và HĐND cấp huyện tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả.

Báo cáo bằng hình ảnh về các hoạt động nổi bật của HĐND tỉnh và HĐND các huyện, thị, thành phố tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thị, thành phố lần thứ Hai, nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho thấy, từ tháng 5.2022 đến nay, HĐND 2 cấp đã thông qua 2.444 nghị quyết về các nội dung quan trọng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo đảm đúng thẩm quyền của pháp luật, phù hợp với điều kiện mới của tỉnh. Hoạt động giám sát được đổi mới theo hướng trọng tâm, thực chất, nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế, bức xúc đã được các cấp, ngành tổ chức khắc phục và có chuyển biến tích cực. Hoạt động TXC, việc tổng hợp, đôn đốc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và đơn khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc, đáp ứng ngày càng tốt hơn tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Tuy vậy, công tác chuẩn bị tài liệu phục vụ kỳ họp HĐND một số nội dung vẫn còn chậm, chất lượng chưa cao; công tác giám sát, tái giám sát thực hiện các kết luận giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND vẫn còn những việc chưa “đi đến cùng”; còn những kiến nghị cụ thể của cử tri chưa được giải quyết dứt điểm; có kiến nghị trả lời chưa đúng trọng tâm, thực tế để cử tri tiếp tục kiến nghị nhiều lần.

Chuẩn bị “từ sớm, từ xa”

Trên cơ sở kết quả đạt được và những khó khăn, bất cập, tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đưa ra những đề xuất, cách làm hay để hoạt động HĐND ngày càng đổi mới, thực chất, hiệu quả hơn. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoằng Hóa Lê Xuân Thu cho rằng: HĐND cấp huyện cần đổi mới hơn nữa hoạt động chất vấn. Bởi, thời gian qua, số ý kiến chất vấn của đại biểu còn ít, có câu hỏi chưa đề cập sâu sát tới những vấn đề nóng, bức xúc; một số câu trả lời chưa cụ thể, chưa xác định rõ được trách nhiệm, nguyên nhân, chưa đi thẳng vào vấn đề. Việc thực hiện chất vấn của đại biểu HĐND huyện thời gian giữa 2 kỳ họp hầu như chưa có.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc lựa chọn nội dung và tổ chức phiên họp Thường trực HĐND huyện, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quan Hóa Hà Thị Hương nhấn mạnh: để tổ chức phiên họp Thường trực HĐND huyện hiệu quả và chất lượng cần nhiều yếu tố. Trong đó, trọng tâm là làm tốt 3 giai đoạn: công tác chuẩn bị phiên họp; tiến hành phiên họp; giám sát thực hiện các nội dung kết luận phiên họp.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng: HĐND 2 cấp cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND các cấp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam trong hoạt động TXCT của đại biểu HĐND các cấp; tăng cường giám sát, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Bởi, tiếp xúc và giải quyết kiến nghị của cử tri là sự thể hiện rõ nhất vai trò người đại biểu Nhân dân trong lòng cử tri.

Đánh giá cao các ý kiến tham luận, thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam nhấn mạnh: HĐND 2 cấp cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng “thực chất, toàn diện, đồng bộ”, vừa bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa bám sát yêu cầu thực tiễn, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Trong đó, việc tổ chức các kỳ họp cần được chuẩn bị “từ sớm, từ xa”; hoạt động giám sát cần đổi mới theo hướng thực chất, xác định rõ trách nhiệm, vì mục tiêu kiến tạo phát triển; cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu trong giám sát, TXCT, kịp thời lắng nghe, phản ánh và đề nghị giải quyết đối với những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri, gắn với việc thường xuyên giám sát chặt chẽ tiến độ giải quyết của các cơ quan chức năng liên quan.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/doi-moi-thuc-chat-vi-muc-tieu-kien-tao-phat-trien-i346830/