Đổi mới thi THPT: Quá cập rập!

Nhiều giáo viên và nhà trường bày tỏ sự lúng túng trước thông tin về kỳ thi THPT 2017, khi thời gian để chuẩn bị đã quá cận kề.

Nhiều giáo viên cho rằng phương án của Bộ GD&ĐT vừa đưa ra nếu thực hiện ngay trong năm 2017 là quá vội vàng, cập rập, nhất là với các em cuối cấp. Với những em đã xác định xét tuyển ĐH, nhất là những trường tốp trên như y dược, ngoại thương… thì các em phải chú tâm học và luyện từ năm lớp 10, trễ nhất cũng từ lớp 11, Vì vậy, sự thay đổi vào năm cuối cấp sẽ rất khó cho các em.

Thầy trò trở tay không kịp

Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ phương án thi năm 2017 có lợi cho những thí sinh học khối D vì môn toán, văn và ngoại ngữ được tách là ba môn riêng biệt. Khi có đề thi minh họa, những băn khoăn của thí sinh có thể sẽ được giảm bớt. Tuy nhiên, bà Thu Anh cũng lo ngại thời gian áp dụng kỳ thi năm 2017 tương đối ngắn, vì vậy Bộ cần có hướng dẫn cụ thể hơn để nhà trường có sự định hướng.

Ông Nguyễn Văn Cải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, Củ Chi (TP.HCM), cho rằng trừ môn văn làm bài tự luận, các bài thi còn lại là trắc nghiệm khách quan sẽ nhẹ nhàng hơn cho thí sinh nhưng nên cân nhắc việc ra đề trắc nghiệm môn toán. Vì với môn toán, các bước suy luận mới quan trọng chứ không chỉ là đáp số cuối cùng. “Hơn nữa, bài tổng hợp ba môn sẽ khó cho các trường trong việc đánh giá được chất lượng từng bộ môn sau kết quả thi. Và nỗi lo lớn nhất của cả thầy và trò là số bài thi tuy ít nhưng số môn thi quá nhiều trong khi chương trình nội dung từng môn học còn rất nặng, e rằng học sinh (HS) sẽ đuối ở năm cuối cấp” - ông Cải băn khoăn.

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Theo bà Hà Thị Kim Liên, cựu giáo viên hóa Trường THPT chuyên Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), có thể phương án này sẽ đòi hỏi HS phải học toàn diện, các em sẽ không học lệch được nhưng học trò sẽ “chết” vì kiến thức các môn quá nhiều, dù chọn khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên. Chương trình học lại chưa cải cách khiến việc học của các em sẽ áp lực hơn. “Chưa kể, như kinh nghiệm dạy của tôi, với mỗi tổ hợp liên môn, các em không thể học đều các môn. Em nào giỏi lý, hóa thì sinh sẽ rất dở, hoặc giỏi sinh và hóa thì lý sẽ rất dở nên nếu thi như vậy thì điểm các em sẽ rất thấp, các em cạnh tranh vào những trường tốp trên càng gặp khó khăn hơn” - bà Kim Liên nói.

Khuyến khích học kiểu... đối phó

Ông Lê Đức Vĩnh, nguyên Trưởng bộ môn toán - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ tổ chức thi trắc nghiệm sẽ làm thui chột khả năng viết, tăng tính lười học của HS. Phương án thi năm 2017 là chỉ dùng kết quả thi để chọn sinh viên vào trường. Nếu chỉ thi trắc nghiệm, với xác suất khác 0 sẽ có người có kiến thức lớp 1 cũng có khả năng được nhận vào học ĐH. “Nếu tất cả các môn, trừ văn đều thi trắc nghiệm, tôi dám chắc rằng giáo viên sẽ dạy theo kiểu trắc nghiệm, học sinh sẽ học theo kiểu trắc nghiệm” - ông Vĩnh nói.

Theo ông Vĩnh, toán học là môn học dạy cho học trò tư duy logic, tư duy hệ thống và tư duy chính xác. Toán học không phải là môn học dạy học trò tìm cái đúng trong những cái chưa đúng, tìm điều rõ trong những điều mập mờ. Trước khi đưa ra quyết định để môn toán thi theo hình thức trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT nên tổ chức lấy ý kiến của giới chuyên môn: Môn nào nên thi trắc nghiệm, môn nào không nên thi.

Còn TS Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng với việc thi trắc nghiệm môn toán, đòi hỏi công tác làm ngân hàng đề thi phải hết sức công phu, đảm bảo chất lượng và kiến thức phổ quát. Mặt khác, lâu nay HS đã lập trình môn toán dĩ nhiên là tự luận, vì vậy ngay từ bây giờ giáo viên cần có phương pháp để HS làm quen, thay vì khi ôn thi mới tập trung cho HS làm bài sẽ rất bị động.

Khó kiểm tra năng lực tư duy

Phương án năm bài thi gồm văn, toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là một phương án hợp lý. Qua đó, một mặt kỳ thi sẽ đánh giá được kiến thức phổ thông nền của HS, tránh học tủ, học lệch. Tuy nhiên, điều khiến tôi lo lắng là ở chất lượng và cách thức ra câu hỏi trắc nghiệm. Theo dõi đề thi trắc nghiệm lý, hóa các năm và đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, tôi thấy nhiều câu hỏi còn quá khó so với định mức 1,5 phút/câu hỏi. Các câu hỏi về toán chủ yếu thiên về tính toán, ít câu hỏi lý thuyết và hầu như không có câu hỏi nào kiểm tra năng lực tư duy của HS.

Tôi nghĩ rằng hình thức trắc nghiệm tuy có nhiều ưu điểm như chấm nhanh, khách quan, bao quát được nhiều kiến thức vẫn chứa đựng những hạn chế như dễ bị quay cóp, tuồn đáp án, thí sinh có thể thử và sai… Theo tôi, bên cạnh trắc nghiệm nên sử dụng phương pháp điền khuyết (đáp án mở) sẽ giảm được rất nhiều những hạn chế kể trên mà vẫn giữ được các ưu điểm.

TS TRẦN NAM DŨNG, giảng viên toán Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM

________________________________

Đề thi cho mỗi bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội có 60 câu hỏi trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn với duy nhất một phương án trả lời đúng (gọi chung là câu hỏi trắc nghiệm); bài thi toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm; bài thi ngoại ngữ có 40 câu hỏi trắc nghiệm. Đề thi các bài thi trắc nghiệm do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được cập nhật, bổ sung trên cơ sở ngân hàng đề thi đã được ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng nhiều năm qua.

(Dự thảo phương án thi năm 2017 - Bộ GD&ĐT)

PHẠM ANH - PHI HÙNG

loading...

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/doi-moi-thi-thpt-qua-cap-rap-651630.html