Đổi mới phương pháp dạy học gắn với hoạt động trải nghiệm

Mỗi hoạt động trải nghiệm theo chủ đề gắn liền với nội dung, kiến thức trong sách giáo khoa đã đem đến cho học sinh cách tiếp cận, giải quyết vấn đề nhanh, sáng tạo và tiếp thu bài học kỹ hơn. Kinh nghiệm học tập gắn với hoạt động trải nghiệm theo nhóm sở thích và mô hình câu lạc bộ ở Trường THCS Độc Lập (T.P Thái Nguyên) đã tạo động lực thi đua học tốt, dạy tốt và sáng tạo trong toàn trường.

Nguyễn Nhã Thanh và Nguyễn Lê Diệu Hà cùng giáo viên thực hành tại phòng thí nghiệm Vật lí của Trường.

Nguyễn Nhã Thanh và Nguyễn Lê Diệu Hà cùng giáo viên thực hành tại phòng thí nghiệm Vật lí của Trường.

Giải quyết vấn đề bằng trải nghiệm thực tiễn

Những ngày đầu Xuân, trời nồm, sàn nhà ướt nhẹp, không khí ẩm thấp khiến nhiều người mở cả cửa sổ lẫn cửa chính để đón gió nhằm giúp nhà thoáng và nhanh khô hơn. Nhưng các phòng học của Trường THCS Độc Lập nền nhà lại khô ráo, sạch sẽ. Nhà giáo ưu tú Trịnh Đức Thảo, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Nhiều người hiểu sai về hiện tượng nồm, nên mở cửa cho thông thoáng, không biết gió mang độ ẩm cao thổi vào nhà chỉ khiến nơi ở thêm ẩm ướt. Tốt nhất, mọi người nên hạn chế mở cửa, đồng thời tìm cách bịt các lỗ hổng trong nhà, hạn chế tối đa sự trao đổi khí ẩm để nền nhà không bị ướt. Nhà trường đã tổ chức cho học sinh cắt bìa cứng và xốp chắn các ô thoáng trên cửa sổ, hạn chế mở cửa và dùng bìa lót lối đi trong lớp, vừa để hút ẩm và chống trơn trượt, hết buổi học lại dọn và thay thế. Thực chất đấy là hiện tượng khí hậu mà trong môn học Địa lý, học sinh đã được học. Cách hướng dẫn này chủ yếu để các em hiểu sâu, nắm chắc kiến thức và có thể áp dụng ngay tại gia đình. Trong tất cả các môn học, Trường đều có phần thực hành, trải nghiệm. Đây cũng là những chủ đề về sáng kiến lao động sáng tạo của giáo viên hàng năm phải báo cáo tại Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Trường. Quan điểm của Trường là học phải đi đôi với thực hành, hạn chế tình trạng dạy “chay” và thuộc lòng mà học sinh không hiểu biết bản chất vấn đề.

Cô giáo Nguyễn Thanh Loan dạy môn Vật lí chia sẻ: “Trường tổ chức thành 9 câu lạc bộ (CLB) theo từng nhóm khoa học và môn học, trong đó, có các nhóm liên môn thực hành và ứng dụng. Mô hình CLB thu hút hàng nghìn học sinh tham gia. Chính vì vậy, học sinh rất hào hứng, có sự tương tác lẫn nhau, rất bổ ích cho việc học tập hàng ngày trên lớp”.

Năm 2019, khi cô Loan phụ trách CLB Vật lí đã phát hiện hai học sinh là Nguyễn Nhã Thanh, lớp 9A1 và Nguyễn Lê Diệu Hà, học sinh lớp 8A1 đam mê các thí nghiệm. Đặc biệt, các em có nhiều ý tưởng sáng tạo được vận dụng trong quá trình thực hành và trải nghiệm. Ví dụ: Tận dụng ánh sáng và nhiệt độ mặt trời làm ấm hệ thống nước sinh hoạt; điều chỉnh tốc độ chong chóng lợi dụng sức gió qua việc điều chỉnh cánh quạt gió… Những trải nghiệm này có thể vận dụng vào chế tạo bình ác quy, điện gió, chạy mô bin máy bơm tưới nước. Trong một lần thí nghiệm, hai bạn đã tìm ra cách hạn chế tia hồng ngoại của mặt trời vừa bảo vệ sức khỏe, vừa tạo phản ứng hóa học, không phải lau bụi mà vẫn lấy được ánh sáng tự nhiên cho không gian nhà ở, phòng học, tiết kiệm điện… Chính từ ý tưởng sáng tạo này, hai học sinh đã mạnh dạn đăng ký thực hiện đề tài dự thi Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh phổ thông năm 2019 với tên là “Nghiên cứu chế tạo vật liệu cho cửa sổ thông minh phản xạ hồng ngoại và tự làm sạch trong môi trường không khí”... Vượt qua gần 100 đề tài, trong đó, chủ yếu là của học sinh bậc THPT, đề tài của Nguyễn Nhã Thanh và Nguyễn Lê Diệu Hà đã đạt giải Nhất.

Em Nguyễn Lê Diệu Hà tâm sự: “Trên thực tế, chúng em cũng chỉ nghĩ ra và tra cứu tài liệu thấy hướng đi là đúng, cách xử lý dữ liệu và các phép tính về phản ứng hóa học, vật lí đều phù hợp với ý tưởng. Nhưng để có được vật chất cụ thể làm nên chất liệu theo đề tài thì chúng em cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia. Chúng em đã đem ý tưởng này đến hỏi các nhà khoa học, các thầy, cô giáo và nhận được sự động viên, ủng hộ, nên đã theo đuổi gần 1 năm. Em nghĩ xung quanh ta còn nhiều đề tài hấp dẫn, nhưng không đam mê thì khó thành công. Kinh nghiệm của chúng em là: Luôn đặt ra câu hỏi và tự đi tìm câu trả lời thỏa đáng, bên cạnh đó, cần tìm lời giải từ những phản biện, thì mới có lời giải đầy đủ”.

Chơi mà học

Cô giáo Bùi Thị Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội cho chúng tôi biết: “Giờ học sinh đều có thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính, nên dạy các môn khoa học xã hội mà cứ thao thao trên bục thì giáo viên trở thành độc thoại. Bắt học sinh học thuộc lòng thì như “nước đổ lá mon”. Chúng tôi thường xuyên cho học sinh tham gia trải nghiệm theo chuyên đề và kể cả diễn hoạt cảnh theo hình thức sân khấu hóa. Như vậy người diễn phải nhập tâm, người xem phải có đánh giá, cảm nhận. Cuối cùng là giá trị mỗi bài học Văn, Sử… để lại cho các em cái gì trong tâm hồn?”. Em Nguyễn Mai Chi, lớp 9A2, cho rằng: “Theo em, sân khấu hóa các tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học là một cách học hay, lôi cuốn người học. Bởi khi được hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm văn học, chúng em tự phân tích, đánh giá, suy nghĩ về tâm lý nhân vật, bối cảnh, diễn biến câu chuyện, qua đó cảm nhận sâu sắc về tác phẩm văn học nói chung và từng nhân vật nói riêng”.

Hầu hết các tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học trong chương trình như Chí Phèo, Vợ Nhặt, Nỗi oan Thị Mầu, Số đỏ... đã được các giáo viên bộ môn của Nhà trường sân khấu hóa với những góc nhìn, cách tiếp cận phong phú, sinh động. Từ thực tế hoạt động trải nghiệm các môn học, hàng năm, Trường THCS Độc Lập luôn đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh Giỏi cấp thành phố và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật từ cấp thành phố đến cấp tỉnh và là một trong những trường điểm của ngành Giáo dục T.P Thái Nguyên.

Trinh An

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/doi-moi-phuong-phap-day-hoc-gan-voi-hoat-dong-trai-nghiem-268866-113.html