Đổi mới hoạt động hỗ trợ nông dân

Năm qua, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề cho nông dân tiếp tục được các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đổi mới, sát với nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, giúp hội viên nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và đời sống.

Nhiều hình thức hỗ trợ

Ông Lê Duy Vũ - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp - HND tỉnh cho biết, năm qua, các cấp hội đã tập trung hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tại thị xã Ninh Hòa, nông dân Nguyễn Hữu Lộc ở phường Ninh Diêm được HND hỗ trợ vốn 150 triệu đồng để khởi nghiệp với mô hình trồng nấm bào ngư và sản xuất snack nấm. Mô hình này cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 6 lao động có thu nhập ổn định. HND huyện Khánh Sơn triển khai các mô hình nông dân khởi nghiệp trồng sầu riêng theo hình thức hỗ trợ dùng phân bón hữu cơ vi sinh. Mô hình này đã giúp cây trồng phát triển nhanh, nâng cao năng suất, sản lượng, góp phần cải tạo đất, giảm sâu bệnh gây hại trên cây trồng, được nông dân tích cực hưởng ứng, nhân rộng. Trong khi đó, HND huyện Khánh Vĩnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ vốn cho nông dân có nhu cầu để mua giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi...

Nông dân xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh) nuôi gà dưới tán bưởi.

Theo bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch HND tỉnh, trong năm, cùng với việc tập trung dạy nghề theo nhu cầu gắn với việc làm ổn định, các cấp HND đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Tại những địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như: TP. Nha Trang, huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh…, các mô hình nông nghiệp được định hướng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị. Trong công tác hỗ trợ nông dân, việc đa dạng hóa xúc tiến thương mại gắn với chuyển đổi số; nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm, tạo thương hiệu bền vững bằng cách đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng mô hình kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng các tiêu chí của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…

Không chỉ giúp hội viên nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, quá trình lao động sáng tạo của mỗi hội viên cũng kịp thời được phát hiện, nhân rộng. Năm qua, có 93 hồ sơ của cán bộ, hội viên, nông dân tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ X (2022 - 2023). Trong đó, có 32 sáng kiến được áp dụng trong lao động, sản xuất và 9 sáng chế được công nhận hoặc áp dụng hiệu quả. HND tỉnh còn phối hợp tổ chức tập huấn về mã vạch, truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản cho sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng OCOP, VietGAP cho hàng nghìn hội viên nông dân. Qua đó đã vận động xây dựng được 48 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP, hữu cơ và hàng chục mô hình ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, trồng rau thủy canh…

Đồng hành với nông dân ra thị trường

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) là một hoạt động tương đối mới đối với phần lớn nông dân. Nắm bắt được thực tế đó, các cấp HND đã phối hợp, liên kết với đội ngũ chuyên môn tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn TMĐT. Theo lãnh đạo HND tỉnh, đến nay 125/125 cơ sở hội đã có sản phẩm, hộ sản xuất, chế biến nông, thủy sản đưa lên sàn TMĐT. Riêng trong năm 2023 có 2.460 hộ nông dân được hướng dẫn đưa nông sản lên sàn TMĐT; 1.160 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn TMĐT để giới thiệu, tiêu thụ như: Postmart.vn, Voso.vn với các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu, đạt chất lượng của tỉnh như: Xoài Úc, xoài sấy Cam Lâm, sầu riêng Khánh Sơn, dừa xiêm Ninh Đa, rong nho Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa); chả cá Vạn Giã, chả cá Thuận - Vạn Phú, tỏi sẻ Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh); táo VietGAP Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh); sầu riêng Sơn Bình (Khánh Sơn)… Hội cũng phối hợp với bưu điện các huyện mở 3 lớp tập huấn về kỹ năng bán hàng trên sàn TMĐT cho 400 hội viên, nông dân; tổ chức hội nghị tuyên truyền quy chế quản lý, sử dụng thương hiệu nông sản sử dụng tên địa danh của tỉnh, chỉ dẫn địa lý do các cấp HND là chủ sở hữu nhãn hiệu.

Ngoài ra, nông sản và các sản phẩm nổi bật của Khánh Hòa như: Trầm hương, yến sào, sầu riêng, bưởi, xoài, rong nho, tỏi, nước mắm, chả cá… đều được giới thiệu, hỗ trợ tham gia trưng bày, quảng bá và kinh doanh tại các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường, kết nối cung cầu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk… và một số nước trên thế giới.

Ông Lê Duy Vũ cho biết, năm 2024, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp sẽ mở 15 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phấn đấu có trên 90% số nông dân có việc làm ổn định theo đúng nghề đã học. Đồng thời, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, nhất là nông sản có thương hiệu, đặc trưng của địa phương. Các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ nông dân tập trung vào nông nghiệp an toàn, xanh, hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp gắn với du lịch, sản xuất kinh doanh trên nền TMĐT từng bước giúp nông dân tiếp cận với kinh tế số, thích ứng với quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202312/doi-moi-hoat-dong-ho-tro-nong-dan-26f1dc0/