Đổi mới công tác vận động nhân dân phát triển kinh tế

'Tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là phát triển thủy sản, trồng cây ăn quả trên đất dốc, cây dược liệu dưới tán rừng, tán cây ăn quả' được huyện Quỳnh Nhai xác định là một trong những khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, từ rà soát, điều chỉnh quy hoạch, huy động lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, huyện đã và đang đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế từng địa phương, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà của người dân xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai).

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà của người dân xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai).

Ảnh: Ngọc Thuấn

Bà Vì Thị Tiến, Trưởng ban Dân vận huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Do nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nên việc tuyên truyền chủ trương, nghị quyết, chương trình, đề án lĩnh vực phát triển nông nghiệp của tỉnh và huyện được đổi mới bằng cách xây dựng các mô hình điểm, từ kết quả thực tế sẽ giúp người dân làm theo. Đây là cách Ban Dân vận huyện ủy triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, mỗi xã, bản lựa chọn đăng ký một mô hình dân vận khéo phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến cách làm hay, bài học kinh nghiệm tốt, nhằm cổ vũ, khích lệ và nhân rộng điển hình. Đồng thời, phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên. Từ đó, tạo sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự tham gia của cán bộ, đảng viên và người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả của gia đình, anh Lường Văn Lệ, bản Nong (Nậm Ét), cho biết: “Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, tôi và một số cán bộ xã đã tham quan, học tập mô hình trồng cây ăn quả ở xã Chiềng Ban (Mai Sơn), sau đó chuyển đổi diện tích đất trồng sắn sang trồng cây ăn quả. Mô hình được thực hiện với mục đích làm điểm để các hộ dân trong bản và trong xã học tập, làm theo. Với 200 gốc cam Vinh, đường canh và bưởi da xanh, vụ đầu ước thu 7-8 tạ cam, thu gần 20 triệu đồng”. Thấy mô hình này hiệu quả, nhiều hộ dân đã đăng ký chuyển đổi đất trồng ngô, sắn sang trồng cây ăn quả, đến nay, toàn xã có trên 100 ha cây ăn quả các loại.

Cán bộ Ban Dân vận huyện ủy Quỳnh Nhai tham quan mô hình trồng cây ăn quả tại xã Nậm Ét.

Cán bộ Ban Dân vận huyện ủy Quỳnh Nhai tham quan mô hình trồng cây ăn quả tại xã Nậm Ét.

Nhờ đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, đã giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX. Đến nay, toàn huyện có khoảng 1.250 ha cây ăn quả, sản lượng quả trên 15.500 tấn. Chăn nuôi gia súc phát triển cả quy mô và chất lượng đàn vật nuôi, với khoảng 60.000 con gia súc. Huyện đã thành lập 46 HTX thủy sản, với gần 7.000 lồng cá, sản lượng khai thác, đánh bắt, nuôi trồng hàng năm ước đạt 3.000 tấn, giá trị thu nhập bình quân từ 20-30 triệu đồng/lồng/năm. Đầu năm 2019, có 10 HTX và 1 doanh nghiệp được trao quyền sử dụng Giấy chứng nhận thương hiệu “Cá sông Đà”. Đồng thời, triển khai thành công mô hình sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt lòng hồ, quy mô 2.000 lít/năm; tổ chức chế biến các sản phẩm từ tôm, cá lòng hồ, tạo thêm nhiều việc làm mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Tiêu biểu như mô hình trồng cây sa nhân bản Phiêng Ban (xã Mường Giàng); trồng cây ăn quả trên đất dốc, nuôi cá lồng ở xã Chiềng Bằng; chăn nuôi đại gia súc ở xã Chiềng Khoang... Huyện phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện trồng mới tập trung 4.000 ha cây ăn quả trên đất dốc; 1.400 ha cây dược liệu dưới tán rừng; hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt, kết hợp với mô hình chăn thả tập trung; sản lượng khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đạt 5.000 tấn.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, đội ngũ những người làm công tác dân vận của huyện Quỳnh Nhai tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh, xen canh, tăng vụ, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, hữu cơ, phát triển bền vững.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/doi-moi-cong-tac-van-dong-nhan-dan-phat-trien-kinh-te-34713