Đổi mới chương trình giáo dục mầm non

'Giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mĩ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp một. Hình thành và phát triển ở trẻ những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời'. Đó là mục tiêu chương trình giáo dục mầm non (GDMN) sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 51 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giờ học vẽ ngoài trời của cô và trò Trường mầm non Chiềng Lề (Thành phố).

Giờ học vẽ ngoài trời của cô và trò Trường mầm non Chiềng Lề (Thành phố).

Ngành GD&ĐT tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở GDMN thực hiện tốt công tác tổ chức bán trú cho học sinh mầm non; có giải pháp can thiệp đối với trẻ suy dinh dưỡng, nguy cơ đe dọa suy dinh dưỡng. Các trường thực hiện tốt tích hợp hiệu quả lồng ghép các nội dung giáo dục, gắn văn hóa truyền thống địa phương; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phù hợp với phong tục, tập quán, như: Sưu tầm các trò chơi dân gian, hát dân ca, đọc thơ, kể chuyện, tổ chức cho trẻ đi tham quan các di tích lịch sử, hoặc tìm hiểu văn hóa địa phương. Mở rộng quy mô, số lượng trẻ mầm non được làm quen với ngoại ngữ, với 49 trường mầm non (đạt 21,3%) và 6.540/81.715 trẻ tham gia. Các cơ sở GDMN ở vùng có điều kiện phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh, đảm bảo các nội dung quy định tại Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh.

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 3.719 nhóm, lớp, với 96.841 trẻ. Đa số các trường mầm non trong tỉnh được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, xanh, sạch, đẹp, an toàn, kiên cố, đạt chuẩn, có khu phát triển thể chất ngoài trời, khu vui chơi, phát triển vận động, nhà vệ sinh đảm bảo yêu cầu... Toàn tỉnh có 3.602 phòng học cho trẻ mầm non; trong đó, có 2.263 phòng học kiên cố, 836 phòng bán kiên cố, 503 phòng học tạm; 100% trường mầm non có nguồn nước sạch.

Bà Điêu Thị Dân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Từ năm học 2021-2022, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo đưa chương trình GDMN sau sửa đổi, bổ sung vào thực hiện theo lộ trình. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”; dạy học lồng ghép, tích hợp các nội dung đảm bảo an toàn, thân thiện, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai, dịch bệnh, nhất là ứng phó với dịch Covid-19. Tích hợp nội dung giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe, an toàn, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh do Covid-19. Đảm bảo 100% đồ dùng, đồ chơi, tài liệu, học liệu an toàn, thân thiện, đúng quy định và được kiểm tra, vệ sinh định kỳ, sửa chữa kịp thời nếu có hiện tượng hư hỏng, xuống cấp.

Sau khi chương trình GDMN sửa đổi, bổ sung được ban hành, các sở, ban, ngành các huyện, thành phố đề ra các giải pháp bảo đảm các điều kiện về cơ cấu tổ chức bộ máy và hoạt động của cơ sở GDMN; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, học liệu, thiết bị dạy học... Ông Nguyễn Văn Phát, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mai Sơn, thông tin: Các cơ sở GDMN đã quán triệt nội dung, yêu cầu mới trong chương trình GDMN sửa đổi, bổ sung. Đối với khối mẫu giáo 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng học đọc, học viết theo hướng liên thông với chương trình lớp 1 tiểu học. Các nhà trường quan tâm đến tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong cơ sở GDMN, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Chỉ đạo các trường làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để huy động đa dạng các nguồn lực, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất tại các trường vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.

Tại Thành phố có điều kiện thuận lợi, các trường đã và đang triển khai tốt chương trình GDMN, như: Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang, chất lượng đội ngũ năng lực giáo viên được chuẩn hóa, số lượng bé được làm quen với ngoại ngữ; công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thảo, Hiệu trưởng Trường mầm non Chiềng Lề, chia sẻ: Năm học 2021-2022, nhà trường có 15 lớp, gần 500 trẻ. Trường đã đẩy mạnh hoạt động nuôi dạy, gắn với đổi mới GDMN; giáo viên đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ qua các hoạt động hàng ngày, hoạt động lễ hội, tham quan, trẻ hứng thú trong từng hoạt động; tăng cường tính chủ động, tích cực của trẻ, bảo đảm trẻ “học mà chơi, chơi mà học”. Chú trọng hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, tạo ra cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực, phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của từng trẻ.

Chương trình GDMN sau sửa đổi, bổ sung với nhiều nội dung mới được áp dụng, tạo sự linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ mầm non. Các địa phương trong tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện chương trình, bổ sung theo chỉ đạo, hướng dẫn cấp trên về GDMN đối với 100% cán bộ quản lý, giáo viên ở các cơ sở GDMN trên địa bàn; đưa nội dung hướng dẫn thực hiện chương trình GDMN sau sửa đổi, bổ sung vào sinh hoạt chuyên môn; hướng dẫn việc lựa chọn và sử dụng tài liệu, đồ chơi, học liệu trong các cơ sở GDMN.

Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/doi-moi-chuong-trinh-giao-duc-mam-non-44691