Đối mặt với hiểm nguy, mang lại bình yên cho người dân

Giữa khoảng sân rộng, Thượng úy Nguyễn Duy Tuấn, cán bộ Đội Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CC & CNCH) khu vực số 5, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP Hà Nội cùng đồng đội hăng say luyện tập. Họ đeo bình thở, sử dụng phương tiện CNCH cá nhân leo từng bậc cầu thang để nâng cao sức chiến đấu…

Năm 2009, anh Nguyễn Duy Tuấn tốt nghiệp phổ thông trung học rồi nộp đơn thi tuyển vào Trường Đại học PCCC. Khi biết anh lựa chọn chuyên ngành PCCC, người thân trong gia đình đều ủng hộ nhưng cũng có chút lo lắng, bởi công việc của một người lính PCCC thường trực đối mặt hiểm nguy. "Năm thứ hai nhận công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh, tôi cùng đồng đội đã tham gia CNCH tại vụ sập giàn giáo xảy tại Khu Công nghiệp Formusa (Hà Tĩnh), làm 13 người tử vong, 29 người bị thương… Đây cũng là vụ CNCH đầu tiên tôi tham gia, vụ việc đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó quên"- Thượng úy Tuấn nhớ lại.

Hôm đó, cũng vào một ngày cuối tháng 3, khi anh Tuấn và đồng đội đang tổ chức một buổi tọa đàm về công tác thanh niên thì nhận được tin báo về vụ sập giàn giáo tại khu công nghiệp Formusa.

"Khi có mặt tại hiện trường, tôi không khỏi bàng hoàng trước những gì được chứng kiến… Xen lẫn giữa tiếng bê tông và sắt thép vẫn tiếp tục đổ xuống là tiếng còi xe cấp cứu inh ỏi, tiếng khóc lóc và la hét tìm người thân. Theo sự phân công của lãnh đạo đơn vị, tôi cùng đồng đội bắt đầu tìm kiếm người trong đống đổ nát, tất cả như "chạy đua" với thời gian để giành lại sự sống cho các nạn nhân"- Thượng úy Tuấn cho biết.

"Chúng tôi sử dụng máy hàn cắt từng thanh sắt. Trong quá trình này đồng thời phải tiến hành chèn, chống ở nhiều vị trí. Có nhiều nạn nhân bị thương nằm sâu ở phía trong nên các lực lượng buộc phải tiến vào bên trong để hỗ trợ…", anh cho biết. Trong quá trình này, có một trường hợp nạn nhân khiến Thượng úy Tuấn đặc biệt ấn tượng, đó là một người đàn ông bị một thanh sắt phi 10 đâm vào phần đùi dưới, tay bị gẫy, một mảng da dầu bị bong ra…

Sau khoảng 3 giờ tìm kiếm, anh và đồng đội đã tìm thấy người đàn ông trong đống đổ nát. Trong quá trình đưa nạn nhân ra bên ngoài, một tay họ phải giữ lấy thanh sắt ở chân, tránh việc cắt vào động mạch, một người phải giữ lấy miếng da ở phần đầu để tránh không bị lật ra bên ngoài.

Thượng úy Nguyễn Duy Tuấn cùng đồng đội trong một buổi luyện tập.

Sau ba năm công tác tại Hà Tĩnh, năm 2018, Thượng úy Nguyễn Duy Tuấn chuyển về công tác tại Sở Cảnh sát PCCC Công an TP Hà Nội. Thời gian đầu, anh Tuấn làm việc lại Đội CNCH chuyên nghiệp, Phòng Cảnh sát PCCC số 8… Nhận công tác tại một địa bàn mới, Tuấn vừa làm, vừa học. Địa bàn Phòng Cảnh sát PCCC số 8 phụ trách bấy giờ phần lớn là các chung cư cao tầng, cách quản lý khác nhiều so với khu dân cư mặt đất… Vì thế, ngay khi nhận công tác, anh đã bắt tay vào việc tập luyện để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

"Chúng tôi phải tập leo cầu thang, sử dụng phương tiện CNCH cá nhân để nâng cao sức khỏe nhằm duy trì khả năng chiến đầu lâu dài", anh Tuấn cho biết.

Cùng với việc luyện tập, anh còn học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Anh cho biết: Trước hiện trường một vụ cháy, cùng với việc tập trung người và phương tiện nhanh chóng cứu người và tài sản cho nhân dân…, người lính cứu hỏa còn phải có đủ sự bình tĩnh và tĩnh táo để nhanh chóng nắm bắt tình hình. Từ đó, lựa chọn phương án chữa cháy hợp lý để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho người dân nhưng đồng thời phải đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho lực lượng tham gia CNCH.

"Khi một vụ cháy xảy ra, người lính cứu hỏa phải xác định được thời gian xảy ra vụ cháy để quyết định có hay không việc đưa người vào bên trong thực hiện nhiệm vụ. Các đám cháy xảy ra trong một thời gian dài, các cố kiện bên trong tòa nhà bị nung nóng trong nhiều giờ có thể bị đổ sập xuống bất cứ lúc nào…", anh tiếp lời.

Năm 2023, Thượng úy Nguyễn Duy Tuấn tham gia một nhiệm vụ đặc biệt, thực hiện nghĩa cử nghĩa cử quốc tế cao đẹp trong thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. "Vào thời điểm đó, tôi là một trong 5 cán bộ của Công an TP Hà Nội được lựa chọn tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các cán bộ tham gia đều phải đảm bảo sức khỏe, có kinh nghiệm chiến đấu"- Thượng úy Nguyễn Duy Tuấn cho biết. Lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tại một đất nước xa lạ, anh và các đồng đội vừa mừng vừa lo. Chuyến bay bắt đầu từ 22h30 hôm trước thì đến khoảng 9h ngày hôm sau, cả đoàn đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ … Sau đó, chúng tôi phải tiếp tục di chuyển thêm khoảng 9 giờ đồng hồ mới đến được nơi xảy ra thảm họa"- Thượng úy Tuấn kể lại.

Khi đó, dù đã có sự chuẩn bị trước về tâm lý; biết thông tin vụ việc qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng anh Tuấn và đồng đội vẫn không khỏi bàng hoàng, trước những gì mắt thấy tai nghe.

"Tôi có cảm giác như đang xem một bộ phim về ngày tận thế, bởi cảnh hoang tàn và đổ nát. Thật sự xúc động và thương cảm khi nhìn thấy những người dân Thổ Nhĩ Kỳ đứng bên ngoài đống đổ nát, mong tìm một phép nhiệm màu…", anh Tuấn cho biết. Thời tiết ở Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó rất lạnh; đồng thời sau khoảng 24 giờ đồng hồ không ngủ, anh Tuấn và đồng đội đều thấm mệt nhưng tất cả vẫn nhanh chóng bắt tay vào việc thực hiện nhiệm vụ. Tổ công tác chia làm hai nhóm, một nhóm thực hiện công tác hậu cần như dựng lều dã chiến và nấu ăn; tổ còn lại phối hợp với các lực lượng tiến hành việc tìm kiếm…

Trong thời gian công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thượng úy Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ Công an đã thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở 3 địa điểm tại thành phố Adiyaman và phối hợp cứu được 1 người còn sống ra khỏi khu vực sập đổ; đưa được 14 thi thể nạn nhân ra ngoài giao cho cơ quan y tế. Ngoài việc CNCH, anh còn cùng các thành viên của đoàn công tác tích cực thực hiện công tác hỗ trợ y tế. Cụ thể, đã tham gia chuyển gần 2 tấn thiết bị y tế của Bộ Công an cho cơ quan điều phối quốc gia AFAD và Sở y tế thành phố Adiyaman; tổ chức thăm hỏi, tặng quà và động viên tinh thần người dân là nạn nhân của sự cố động đất; giúp đỡ người dân dựng lều bạt, chế tạo bếp sưởi, chia sẻ đồ ăn, nước uống. Có một kỷ niệm đã để lại ấn tượng đặc biệt với anh Tuấn và đồng đội trong chuyến công tác đặc biệt này, đó là tình cảm của những người dân Thổ Nhĩ Kỳ dành cho tổ công tác của Bộ Công an.

Anh Tuấn cho biết: "Hôm đó, sau khi hoàn tất nhiệm vụ, cả đoàn ra sân bay để trở về nước. Trong lúc chờ tại sân bay, đoàn có vào một nhà hàng để ăn uống và nghỉ ngơi. Trong lúc thanh toán tiền, ông chủ người Thổ Nhĩ Kỳ đã hỏi thăm về đoàn công tác. Khi biết đó là những cán bộ Công an Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ làm công tác CNCH, người đàn ông quay ra nói với mọi người trong quán… Khi đó, tất cả các vị khách đang có mặt đều dừng lại, vỗ tay cảm ơn, họ hô vang Việt Nam! Khi ấy, sự bất đồng và những rào cản về ngôn ngữ dường như không còn nữa. Mỗi cán bộ như tôi đều cảm thấy tự hào về quê hương, đất nước và với công việc được giao".

Trở về với công việc thường ngày, cùng với công tác chuyên môn, Bí thư chi đoàn Đội CC & CNCH khu vực số 5 Nguyễn Duy Tuấn còn tham gia nhiệt tình các hoạt động phong trào của đoàn; có nhiều sáng kiến, cải tiến trong lao động, trong công tác, trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật; mưu trí dũng cảm trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Gần đây, anh tham gia vụ chữa cháy và CNCH xảy ra vào hồi 15h34 ngày 29/11/2023, tại xưởng sản xuất thuốc thú y thuộc Cụm công nghiệp Liên Phương, huyện Thường Tín, TP Hà Nội; giải cứu thành công 3 nạn nhân, hướng dẫn 1 người mắc kẹt ra vị trí an toàn và trực tiếp thực hiện các biện pháp sơ, cấp cứu cứu sống 2 nạn nhân bị ngạt khói…

Với những đóng góp và nỗ lực của bản thân, Thượng úy Nguyễn Duy Tuấn đã vinh dự được Bộ Công an, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. Mới đây, anh đã được lựa chọn là một trong 10 Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu năm 2023 vừa được Công an TP Hà Nội vinh danh.

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/guong-sang/doi-mat-voi-hiem-nguy-mang-lai-binh-yen-cho-nguoi-dan-i726243/