Đôi mắt và cảnh đời người dũng sĩ

QĐND - Trong số mấy trăm chàng trai Nam Định nhập ngũ tháng 8-1970, Bùi Công Chiến có lẽ nhiều thiệt thòi nhất. Anh Phạm Văn Hạnh, Phó trưởng ban liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8-1970 tỉnh Nam Định đưa tôi vượt qua những con đường còn nhão nhoẹt bùn lầy ở xã Yên Lộc, huyện ý Yên tới ngôi nhà nhỏ ven sông mang dòng chữ “Nhà đồng đội”. Anh nói: “Nhà cậu Chiến đó. Thương tật, ốm yếu, may nhờ có anh trưởng thôn tốt bụng vay tiền ngân hàng mua đất rồi lại vay mua cho con bò cái năm nào cũng đẻ con nên đã trả hết nợ 10 triệu đồng. Còn nhà thì đồng đội góp tiền dựng lên...”.

Đôi mắt rực lửa trên điểm cao 619

Sinh năm 1952 nhưng bệnh tật và những vết thương tái phát cộng với cái nghèo, cái khổ đeo đẳng, nên anh Bùi Công Chiến trông già nua, khắc khổ. Kỷ vật của thời trận mạc chỉ còn lại hai thứ: “Quyết định xuất ngũ và chiếc hăng -gô”. Run run lấy ra cho chúng tôi xem chiếc hăng -gô đã có tuổi đời hơn 40 năm, nay vẫn đựng mỡ để rang cơm ăn, anh chậm rãi kể lại một thời quân ngũ.

Quyết định phục viên do Thiếu tá Bùi Văn Đẩu ký là giấy tờ duy nhất anh Chiến còn lưu giữ được khi mang từ chiến trường về.

Năm 1970, Chiến tròn 18 tuổi, từ biệt bố mẹ già, Chiến viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện, anh được điều về đại đội bộ binh 5 thuộc Binh trạm 41, Sư đoàn 473, Đoàn 559. Năm 1971, tại Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Chiến cùng 5 chiến sĩ được giao đóng quân, giữ chốt tại điểm cao 619 ở Khe Sanh (Quảng Trị). Gõ trán hồi lâu, anh hồi tưởng: “Tôi còn nhớ Đại đội trưởng là anh Nông Đức Giỏng, đại úy, quê Cao Bằng, Chính trị viên là anh Nguyễn Văn Chiêm, người Lý Nhân, Hà Nam nhưng không rõ hai anh giờ còn sống hay đã hy sinh. Khi đó, tôi là chiến sĩ trinh sát của đại đội, chỉ huy giữ chốt là anh Cối, tiểu đội trưởng, người Hà Tây”.

Một ngày, vào khoảng tháng 2 năm 1971, quân địch tiến công điểm cao 619. Tổ giữ chốt đã kiên cường đáp trả. Anh Giỏng từ vị trí chỉ huy đại đội liên tục điện lên, lệnh: “Phải giữ chốt đến cùng”. Sau mấy ngày cầm cự, tổ giữ chốt có 6 người thì đã hy sinh 3, chỉ còn anh Cối, anh Chi và Chiến. Địch đã áp sát gần cao điểm, chúng liên tục quăng lựu đạn lên.

Anh Phạm Văn Chi, một trong 3 chiến sĩ còn sống sót sau trận đánh ấy, nay sống tại xã Yên Chính, huyện ý Yên nhớ lại: “Lúc đó, anh Chiến chiến đấu rất dũng cảm. ở phía anh, địch ném lựu đạn lên như mưa. Tôi ở bên này, thầm nghĩ chắc anh khó thoát. Thế mà địch cứ ném quả nào, anh lại nhặt ngay quả đó ném lại, không để quả nào nổ trên trận địa. Giữa lúc chỉ còn 3 anh em cầm cự thì một mảnh đạn cối văng tới, chỉ nghe Chiến kêu khẽ: “Anh Cối ơi, em bị thương rồi!”. Anh Cối chạy lại thấy máu tràn đầy mặt Chiến. Vậy mà Chiến không hề nao núng, chỉ nói: “Anh băng cho em để chiến đấu tiếp!”. Chúng tôi cầm cự giữ chốt cho đến ngày hôm sau, được tin cấp trên cho đơn vị bạn phản kích, lấy lại trận địa.

Lúc này, cả ta và địch đều đã mệt nhoài sau nhiều ngày giằng co. Một tình huống bất ngờ xảy ra. Giữa lúc đơn vị bạn đang phản kích phía ngoài, Chiến bất ngờ ôm AK lao xuống phía bọn địch đang co cụm trong một giao thông hào. Anh quát to:

- Đứng im! Tất cả giơ tay lên!

Quân địch lúc này tinh thần cũng hoảng loạn khi nghe tiếng AK vòng ngoài nên răm rắp làm theo lệnh Chiến, tự trói tay nhau và cùng với sự trợ giúp của hai đồng đội, Chiến bắt sống 12 tên. Chiến tiếp tục được điều về chốt giữ điểm cao 863, vẫn của đại đội 5.

Tấm gương chiến đấu anh dũng của Chiến được tuyên dương. Anh được tặng Huy hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” hạng nhì. Chiến dịch Nam Lào kết thúc, cuối năm 1971, nhà báo quân đội Duy Khán, khi vào làm việc đã được cấp trên giới thiệu xuống tìm hiểu, viết bài về tấm gương Bùi Công Chiến. Sau khi phỏng vấn, Duy Khán đã tặng Chiến một bài thơ mà đến nay anh vẫn thuộc, có đoạn: “Điểm cao của ta / Sáu trăm mười chín / Giặc đánh dưới lên / Ta trên đầu nó / Đứa nghiêng thằng ngó / Tiến lên xông lên / Căn hầm của Chiến / Chúng đã thấy rồi / Vội tung lựu đạn / Quả lựu xám xịt / Mỏ vịt đã tung / Trước mặt lăn tròn / Chiến quăng trả luôn / Chẵn hơn chục quả...”.

Thương binh Phạm Xuân Biên sinh năm 1947, người cùng xã và cùng nhập ngũ với anh Chiến, cho biết: “Năm 1973, Đoàn 559 tổ chức Đại hội mừng công trong rừng. Tôi là Chiến sĩ Quyết thắng nên được tham dự, không ngờ được gặp Chiến là dũng sĩ với thành tích xuất sắc. Chúng tôi ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi, tự hào. Mãi đến năm 1990, tôi mới phục viên về quê, nào ngờ tình cảnh của Chiến cơ cực quá”.

Đôi mắt và cảnh đời sau chiến tranh

Đơn vị giải thể, Chiến được điều về làm chiến sĩ công vụ cho Thượng tá Nguyễn Văn Kỷ, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 473. ít lâu sau, thấy anh sức khỏe yếu, gia đình khó khăn, ông Kỷ nói: “Thôi, cho cậu về phục viên, giúp bố mẹ già”. Đầu tháng 3-1974, anh trở về quê. Lúc ra đi, bố mẹ, anh em còn cả, giờ trở về thì cả bố và mẹ đều đã mất do tuổi cao sức yếu. Cô em gái vào bộ đội cũng đã hy sinh, hai em còn lại lấy chồng, sống rất cơ cực. Người anh cả sống trong ngôi nhà 2 gian lụp xụp với 5 đứa con nheo nhóc.

Đúng lúc này, vết thương cũ trên mặt lại tái phát, con mắt phải bỗng dưng như bị “nổ”, máu và dịch chảy nhầy nhụa, không nhìn thấy gì. Em nghèo, anh cũng nghèo, giá như chưa xuất ngũ, ở đơn vị thì còn có đồng đội. Một mình Chiến bắt ca nô theo đường sông lên Bệnh viện 1 ở thành phố Nam Định nằm viện. Bác sĩ nói anh bị “loét mặt sàng và ảm khói mặt” do vết thương cũ. Điều trị vài tháng thì vết thương dần lành, nhưng mắt phải thì hỏng hẳn, phải bỏ đi, đeo con mắt giả. Mắt trái dần hồi phục nhưng cũng chỉ đủ nhìn gần gần. ông Bùi Công Tuân, anh trai Chiến ngậm ngùi kể lại với chúng tôi: “Lúc chú ấy nằm viện, vợ tôi lại sắp sinh, nên cũng chẳng ai thăm nuôi được. Chú về thấy nhà anh chật chội nên xin tôi ra bờ sông làm cái vó bè kiếm sống qua ngày. Người lành lặn làm ăn còn khó, khốn nỗi chú chỉ còn một mắt, một mắt mờ, cộng với nhiều lần bị sức ép bom đạn”. Nhiều lần ra vó bè, nhìn người em nhỏ thó gầy guộc còng lưng kéo vó, nước mắt ông Tuân cứ trào ra. Nhưng ông cũng nghèo, giúp gì được cho em. Nhiều khi, Chiến chán nản, bỏ cả vó bè đi lang thang dọc bờ sông cả tháng, ông lại phải đi tìm về. Cũng chính trong những ngày này, toàn bộ giấy tờ chứng thương, bằng chứng nhận dũng sĩ diệt Mỹ cùng nhiều giấy tờ tùy thân của Chiến đã bị mất hết sau một cơn bão lớn.

Rồi cũng có người con gái mang lòng thương người lính ấy. Đó là chị Nguyễn Thị Lan, bằng tuổi anh, người cùng làng. Họ nên duyên vợ chồng năm 1975. Họ mua được miếng đất nhỏ, đóng gạch xỉ dựng tạm túp lều gọi là "nhà" và tiếp tục cất vó bè cạnh bến đò Đống Cao, có với nhau được 4 người con. Năm 2001, cậu con trai lớn lấy vợ, họ nhường "nhà" cho con, thuê tạm ngôi nhà bỏ hoang của anh Trí người cùng xóm với giá 150 nghìn đồng /năm. Nhưng cũng chỉ được hơn 3 năm thì anh Trí đòi lại nhà để ở, hai vợ chồng chưa biết đi đâu, ở đâu.

Nhờ con bò do anh Vinh trưởng thôn vay ngân hàng mua giùm, vợ chồng anh Chiến đã mua được đất làm nhà.

Cùng thời điểm này, vào cuối năm 2004, Ban liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8-1970 tỉnh Nam Định họp liên hoan, mọi người đã nhắc đến người lính - dũng sĩ Bùi Công Chiến. Gặp lại anh bên vó bè ở bến đò Đống Cao, anh Hạnh, anh Kiền, Trưởng ban và Phó ban liên lạc hội đồng ngũ không cầm được nước mắt vì thương đồng đội. Người đồng ngũ ít tuổi hơn các anh mà giờ già nua, tóc bạc trắng, hai mắt hõm sâu, thân thể tiều tụy không ai còn nhận ra. Ban liên lạc bàn nhau, phải giúp anh Chiến có một ngôi nhà. Nhưng nan giải là lấy đất đâu để làm nhà. Thật xúc động khi lòng tốt gặp nhau, ý tưởng của các anh được anh Đỗ Tiến Vinh, Bí thư chi bộ thôn Hòa Bình, lúc đó là trưởng thôn rất ủng hộ. Xem lại những lá đơn mà anh Chiến còn lưu được, chúng tôi lặng người trước tấm lòng tốt hiếm có của một trưởng thôn. Anh Chiến nghèo, mắt mờ không viết nổi đơn nên trong nhiều lá đơn xin vay tiền ngân hàng, xin làm thủ tục chế độ chất độc da cam, cả phần đơn và xác nhận của thôn, đều do anh Vinh viết. Cũng chính anh Vinh đi tìm khắp xã, thuyết phục người dân trong làng để lại cho anh Chiến mảnh đất giá rẻ chỉ 10 triệu đồng. Số tiền làm nhà còn lại, anh em Ban liên lạc Hội đồng ngũ cùng nhau mỗi người một tay quyên góp. Năm 2005, họ đã làm xong ngôi nhà nhỏ mang tên “Nhà đồng đội” giúp anh Chiến. Thiếu tướng Hoàng Kiền, người đồng ngũ duy nhất còn đang công tác đã tặng thêm gia đình anh một chiếc ti -vi. Còn số tiền mua đất, anh Vinh tiếp tục làm đơn, giúp anh Chiến vay ngân hàng mua một con bò cái. Bảy năm nay, năm nào nó cũng đẻ con, nhờ thế anh đã có tiền trả xong nợ.

Đã có ngôi nhà chui ra chui vào nhưng hoàn cảnh anh Bùi Công Chiến hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn. Mặc dù là dũng sĩ diệt Mỹ được tuyên dương, có nhiều thành tích trong 3 năm 7 tháng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị - Nam Lào nhưng đến nay, anh Chiến vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách gì. Do ảnh hưởng vết thương tái phát, sức khỏe anh hiện nay giảm sút, một mắt hỏng hoàn toàn, một mắt hỏng nặng, lại mắc thêm bệnh tiểu đường phải thường xuyên nằm bệnh viện. Hiện chỉ có hai vợ chồng ở với nhau và vẫn phải cày cấy, các con đã lập gia đình song đều phải đi làm thuê xa quê, không giúp đỡ được nhiều. Nguyện vọng của anh Chiến cũng như Ban liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8-1970 tỉnh Nam Định là mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết chế độ chính sách cho anh, cụ thể là việc vận dụng giải quyết chế độ thương binh và chế độ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Trao đổi với Phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Phạm Văn Cật, cán bộ thương binh xã hội và ông Vũ Công Toanh, Phó chủ tịch UBND xã Yên Lộc, huyện ý Yên cho biết: “Trường hợp anh Bùi Công Chiến đi bộ đội, chiến đấu dũng cảm và bị thương, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cả xã đều biết và mong muốn giải quyết chế độ chính sách cho anh. ở xã, những anh em nhập ngũ cùng năm với anh bị thương đều đã được công nhận thương binh. Rất mong các cơ quan chức năng cấp trên quan tâm, vận dụng, giúp đỡ anh Bùi Công Chiến!”.

Qua bài báo này, Ban liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8-1970 tại Nam Định mong muốn liên lạc được với các ông Nông Đức Giỏng, Nguyễn Văn Chiêm, Nguyễn Văn Kỷ, Bùi Văn Đẩu... cũng như các đồng đội của anh Bùi Công Chiến tại Binh trạm 41, Sư đoàn 473, Đoàn 559 để giúp đỡ việc làm chế độ chính sách cho anh Chiến. Mọi liên lạc xin gửi về: Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần - số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội. Email: baoqdndct@gmail.com; Điện thoại: 0983225576-0982095555-0913290505.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Minh

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/261/261/261/179055/Default.aspx