Đòi hỏi vô lý

Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam về tội 'Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân', các đối tượng cơ hội chính trị, phản động đã phát tán nhiều bài viết trên các trang mạng phản động.

Ngày 24-3-2022, trên blog Tiếng Dân, Lê Minh Nguyên tán phát bài “Bà Phương Hằng và âm mưu của Cộng sản Việt Nam”; ngày 25-3-2022, trên trang facebook cá nhân, đối tượng Đỗ Ngà phát tán bài “Những điều luật phục vụ thủ đoạn của chính quyền cộng sản”; ngày 28-3-2022, trên trang Việt Tân, đối tượng Tuấn Khanh phát bài “Bắt bà Phương Hằng bằng Điều 331 là phổ thông hóa điều luật mơ hồ”…

Nội dung các bài viết này hoàn toàn xuyên tạc cho rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt người theo Điều 331 là “không đúng tội”; vu cáo “Đảng dùng người theo nguyên tắc vắt chanh bỏ vỏ”; yêu cầu “mở phiên tòa dân sự” để xét xử bà Hằng; kích động người dân xuống đường đấu tranh xóa bỏ Điều 331 Bộ luật Hình sự. Cần biết rằng, Việt Nam cũng như các nước khác, khi tiến hành xây dựng hệ thống luật đều căn cứ vào luật pháp quốc tế, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Trên thế giới, quyền tự do ngôn luận nằm trong số những quyền cơ bản của con người. Tại Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) năm 1948 quy định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào, và không có giới hạn về biên giới”.

Mặc dù vậy, cũng giống như các quyền khác, quyền tự do ngôn luận cũng phải chịu ràng buộc của những quy định khác. Cụ thể, tại Điều 29 UDHR quy định: “Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Còn trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) khẳng định quyền tự do ngôn luận tại Điều 19, đồng thời nêu rõ những quy định ràng buộc như: “Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.

Ở Việt Nam, Nhà nước bảo đảm cho công dân có đầy đủ các quyền tự do dân chủ, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình nhưng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật. Nếu có hành vi xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì đều bị xử lý. Nếu nhẹ có thể bị xử lý theo điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nếu nặng hơn có thể bị xử lý theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trở lại vụ án của bị can Nguyễn Phương Hằng, theo thông tin từ Công an TP. Hồ Chí Minh, bị can Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp (livestream) nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Hay nói cách khác, bị can Hằng đã sử dụng quyền tự do ngôn luận vượt quá giới hạn quy định của pháp luật.

Mặc dù Công an TP. Hồ Chí Minh đã 4 lần mời bà Nguyễn Phương Hằng lên làm việc để cảnh báo, răn đe và yêu cầu chấm dứt hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhưng bà Hằng vẫn tránh né, không chấp hành. Không dừng lại ở đó, bà Hằng còn tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tụ tập đông người, tổ chức nhiều buổi livestream công kích, xúc phạm nhiều cá nhân, tổ chức, gây mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật. Ai trong chúng ta cũng có thể nhận thấy được hành vi đó rõ ràng là coi thường pháp luật, cần phải bị xử lý nghiêm minh. Còn tính chất, mức độ vi phạm của bị can Hằng đến đâu, chúng ta tiếp tục chờ kết quả điều tra, xét xử của các cơ quan chức năng.

Một mô-típ cho thấy, khi cơ quan chức năng tiến hành bắt giam và xét xử những đối tượng nào về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, các đối tượng chính trị, cơ hội, phản động đều hăng hái đứng ra “minh oan”, bênh vực, rồi từ đó chuyển sang chống đối, kêu gọi đòi xóa bỏ Điều 331 trong Bộ luật Hình sự. Điển hình có thể kể đến các vụ án gần đây như vụ án Quách Duy (nguyên công chức Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh), vụ án nhóm “Báo sạch” (do Trương Châu Hữu Danh cầm đầu cùng đồng phạm), vụ án “Tịnh thất Bồng Lai” (Lê Tùng Vân)… Mục đích sâu xa của chúng là mượn danh nghĩa “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá Đảng và chính quyền, xâm hại an ninh quốc gia, phá hoại sự ổn định chính trị, xã hội của đất nước và cuộc sống yên bình, hạnh phúc của nhân dân. Do vậy, yêu cầu xóa bỏ Điều 331 trong Bộ luật Hình sự chỉ là đòi hỏi vô lý của “đám dân chủ cuội” cần phải đấu tranh, bác bỏ.

Minh Thương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/132926/doi-hoi-vo-ly