Đội hình ba của M.U

(CATP) Nếu như nói đội hình xuất phát của M.U trong trận hòa 1-1 với Benfica ở vòng bảng Champions League là đội hình hai (chỉ có hai cầu thủ chính thức là Rooney và Evra), thì có thể nói M.U đã giải quyết nhanh Leeds trong khuôn khổ vòng ba Carling Cup vào rạng sáng qua bằng đội hình ba. Một đội hình không những không có một cái tên chính thức nào, mà còn “tăng cường” thêm những cái tên dự bị như thủ môn Ben Amos, trung vệ Ezekiel Fryers và tiền đạo Mame Biram Diouf.

Thật ra, trong một đội bóng chỉ có đội hình một và hai, chứ người đâu mà có đến ba đội hình. Nhưng trong cái cách xoay đội hình rất lạ của Ferguson, như việc đưa tiền vệ trụ Carrick xuống đá trung vệ bên cạnh cầu thủ trẻ Fryers. Hay tiền vệ cánh Valencia phải lui về phần sân nhà để nhường lại mặt trận tấn công cho bốn tiền đạo Owen, Berbatov, Diouf và Macheda (trong số bốn tiền đạo này, chỉ có Owen và Barbatov có tên trong danh sách dự bị trận hòa 1-1 với Benfica) , thì không thể nói đó là đội hình hai của M.U. Các cầu thủ M.U vui mừng chiến thắng Với thành phần xuất phát không phải là đội hình một và cũng chẳng phải là đội hình hai, mà nửa đỏ thành Manchester vẫn dễ dàng giành chiến thắng 3-0 trước Leeds ngay trong hiệp đấu thứ nhất, cho thấy HLV Ferguson đang sở hữu một lực lượng rất có chiều sâu. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là Sir Alex biết cách tận dụng và phát huy một cách tốt nhất lực lượng có chiều sâu, một vấn đề mà không phải HLV nào cũng có thể thực hiện được và nếu có, chắc chắn không thể hơn được Ferguson. Đơn giản, bởi ngoài tầm nhìn về mặt con người và chiến thuật, đòi hỏi phải có được cái thần của một nhà cầm quân. Mà những yếu tố này thì HLV Ferguson lại có thừa. Thử hỏi, nếu Mancini là HLV của M.U thì có nghĩ ra và có dám thay cả ba tên tuổi như Ferdinand, Vidic và Carrick bằng ba cái tên còn rất trẻ như Phil Jones, Evans và Cleverley ngay đầu hiệp hai trong thế trận bị dẫn trước 0-2 ở trận tranh Siêu Cúp Anh giữa Man City và M.U? Rõ ràng là không! Vì chỉ riêng việc “đụng” đến bộ đôi trung vệ trụ cột Ferdinand và Vidic cũng đã là quá tầm với Mancini. Và nếu như Ferguson là HLV của Chelsea, thì có lẽ ông không chỉ thay Lampard (trận Chelsea thua M.U 1-3, HLV Villas-Boas đã thay Lampard ở hiệp hai), mà cả trung vệ đội trưởng Terry cũng không là ngoại lệ khi pha phá bóng lúng túng của anh dẫn đến bàn thắng nâng tỷ số lên 3-0 của Rooney... Tóm lại, ở Premier League hiện nay, chưa có HLV nào có được tầm nhìn về mặt con người, chiến thuật và có cái thần như Ferguson. Và đó cũng chính là sự khác biệt giữa M.U và phần còn lại.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=941&id=398976&mod=detnews&p=