Đôi điều về văn học Thủ đô

Hơn một ngàn năm nay văn học Hà Nội luôn tiêu biểu cho văn học nước nhà. Xét ngay về tác giả thì hầu hết các tác gia lớn sinh ra hoặc sống, làm việc, gắn bó lâu dài với Hà Nội, như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Huy Cận, Xuân Diệu…

Bởi đơn giản, Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm văn hóa, chính trị, là nơi hội tụ văn nhân của nước ta. Đây cũng là miền đất lịch sử văn hóa lưu giữ những giá trị tinh hoa của cả dân tộc, “Đây Đông Đô, đây Thăng Long, đây Hà Nội… nơi lắng hồn núi sông” nên Hà Nội còn là đối tượng thẩm mỹ khơi nguồn cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật. Có nhà thơ nói tưởng chừng văn vẻ nhưng có ý đúng: Cứ phải đi qua cầu Long Biên hít thở cái ngọn gió sông Hồng ngàn năm, đến soi mình dưới bóng nước cổ kính Hồ Gươm thì mới có thơ…

Văn chương Hà Nội đã có một quá khứ hào hùng luôn nhịp cùng bước đi của lịch sử dựng nước và giữ nước để góp phần làm giàu thêm giá trị văn hóa nước nhà. Ở thời trung đại đã vậy, đến thời hiện đại càng như vậy. Tính từ năm 1930 đến nay, những đỉnh cao văn học Việt Nam thì hầu như cũng được xây đắp nền móng từ Hà Nội. Hiện Hà Nội có 644 nhà văn thì hầu hết cũng là nhà văn Việt Nam. Có thể nói văn học Hà Nội là biểu hiện của sức trẻ, sức sống cũng là hy vọng của văn học Việt Nam.

Nhưng văn chương đương đại Hà Nội chưa tương xứng với tầm vóc Thủ đô. Đang có một sự hẫng hụt về đội ngũ kế cận, chỉ có một hội viên dưới 30 tuổi, trong khi đó, thời Thơ mới nhiều tác giả nổi tiếng trước 20 tuổi. Cũng chưa có thành tựu nào mang tính đột biến mới mẻ như ở giai đoạn Đổi mới mấy chục năm trước. Tình trạng nhàn nhạt, quanh quẩn với những đề tài tình yêu, tình dục, tiêu cực xã hội, tha hóa tính người… không sâu sắc, thiếu tính tư tưởng… nên dẫn tới tình trạng bạn đọc xa dần văn chương. Những điều này đã được nói nhiều. Ở đây xin bàn góp đôi điều, chưa thể gọi là “giải pháp” nhưng là ý kiến thành thực của một độc giả.

1. Văn hay dở là do người viết, hiện nay các triết học trên thế giới đang rất đề cao chủ thể, vấn đề “mỹ học chủ thể” được nói đến nhiều. Nghĩa là coi tác giả mang tính quyết định chất lượng tác phẩm. Nghệ thuật là cái riêng, đơn nhất nên luôn cần đến tài năng. Phát hiện, bồi dưỡng, nuôi dưỡng tài năng thế nào chưa được quan tâm đúng mức. Rồi vốn sống, vốn tri thức văn hóa của nhà văn luôn được coi là vấn đề gốc để cây nhà văn cường tráng khỏe mạnh mà kết thành quả tác phẩm giàu chất bổ dưỡng? Vốn sống không chỉ loanh quanh trong một Hà Nội mà phải vươn ra khắp mọi miền Tổ quốc, nơi Trường Sa sóng vỗ, nơi biên giới ngàn trùng. “Sống đã rồi hãy viết” (Nam Cao). Có cách tổ chức nào để nhà văn Thủ đô ta được sống, hít thở, đập cùng nhịp đập trái tim của Tổ quốc mọi nơi, mọi lúc…?!

2. Như một lẽ tự nhiên, văn chương phải có người đọc nên nhiều nước phát triển có chiến lược bồi dưỡng các thế hệ độc giả, gọi chung là “mỹ học tiếp nhận”. Có tác phẩm hay nhưng bạn đọc thờ ơ vì không hiểu, không hợp thị hiếu thì thật phí. Nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới đều có đối tượng độc giả riêng là vì thế. Có nhà văn ở ta chưa chú ý tới bạn đọc dẫn tới sách chủ yếu vẫn nằm trên giá thư viện. Học lại lời Bác Hồ, trước khi cầm bút, người viết đặt câu hỏi “Viết cho ai”!?

3. Vai trò lãnh đạo Hội rất quan trọng, ngoài uy tín tài năng thì còn là tài tổ chức. Không chỉ là tổ chức trao đổi gặp gỡ, thăm hỏi, cơ bản hơn là tổ chức ra các khuynh hướng, các trường phái sáng tạo phù hợp với sự phát triển của Hà Nội và cả nước, từ đó tạo ra những tranh luận học thuật để nảy ra các tư tưởng nghệ thuật mới. Các nền văn học lớn đều có nhiều trường phái vừa thống nhất, kế thừa, giao thoa vừa tranh biện, bổ sung để cùng phát triển.

4. Văn học là vấn đề tư tưởng. Lá cành của cây xanh nhà văn phải luôn quang hợp ánh sáng lý tưởng cách mạng. Nghĩa là phải có kế hoạch học tập, bồi dưỡng thường xuyên chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu không cây sẽ bị héo và quả sẽ sài đẹn.

Xin mạo muội đôi lời!

NGUYÊN THANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/doi-dieu-ve-van-hoc-thu-do-514740