Đôi điều về tập tục, văn hóa Tây Nguyên

Phong tục, văn hóa Tây Nguyên là một mảng rất rộng và không dễ tiếp cận, nhất là do sự cách biệt về ngôn ngữ, địa lý. Để hiểu tường tận về lĩnh vực này đòi hỏi sự đào sâu tìm tòi và không ít những chuyến thực tế sâu sát. Chính khi ấy, ta vỡ lẽ trước một vài ngộ nhận lâu nay, xin mạn phép góp ý.

1. Du khách khi đến với Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung gần như không thể bỏ qua việc thưởng thức món ẩm thực truyền thống: cơm lam-gà nướng, rượu cần... Với bí quyết nướng gà đặc biệt kèm những ống cơm nếp dẻo thơm chấm với muối đậu hoặc muối lá é, món ăn này khiến người ta nhớ mãi.

Cơm nấu trong ống tre, nứa không chỉ là đặc sản của đồng bào Tây Nguyên mà còn của vùng miền núi phía Bắc. Gõ tìm kiếm 2 từ “cơm lam” trên Google, trong nháy mắt có đến gần 58 triệu kết quả được báo về, chứng tỏ sức hút khó cưỡng của món ăn này. Tuy nhiên, một hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu băn khoăn: Việc dùng từ “cơm lam” trong quảng bá ẩm thực Tây Nguyên liệu có phù hợp, bởi đây là từ dùng đặc trưng của người dân vùng núi Bắc Bộ. Theo anh, cần diễn đạt bằng cơm ống nứa là ổn, tránh sự pha trộn bản sắc. Đây là ý kiến khá hay, bởi trước đó, chẳng ai từng thắc mắc cái tên “cơm lam” từ đâu mà có. Khi người viết trao đổi về vấn đề này với nghệ sĩ đàn t’rưng Ksor H’Bla, người đang sở hữu một quán ẩm thực Tây Nguyên trên địa bàn TP. Pleiku, chị cũng đồng tình “cơm lam” là từ du nhập.

Dù vậy, “cơm lam” hiện nay đã trở thành 2 từ quá phổ biến đối với du khách. Nó gần như là “chỉ dẫn địa lý” cho ẩm thực Tây Nguyên, Tây Bắc nên thay đổi là điều không dễ dàng. Liên hệ đến các từ “chúng cư”, “phản ảnh”… sẽ thấy điều tương tự. Tuy đó mới là từ có nghĩa, nhưng lâu nay với thói quen sử dụng ngôn ngữ, người ta đã quen với “chung cư”, “phản ánh” mất rồi, đương nhiên được chấp nhận và sử dụng phổ biến. Vì vậy, có lẽ hãy để cơm lam vẫn là… cơm lam. Trong một số trường hợp, cái vỏ ngôn ngữ không quá quan trọng.

2. Nhiều người viết, người đọc khi nói về tập tục cưới hỏi của phụ nữ Tây Nguyên đều nghĩ ngay đến tục “bắt chồng”. Là bởi, phụ nữ một số dân tộc bản địa ở Tây Nguyên theo mẫu hệ sẽ đi hỏi và cưới chồng, đàn ông theo vợ về ở rể, trái ngược với tập tục của người Kinh. Cụm từ này thu hút sự chú ý, tăng thêm phần kỳ bí, hoang sơ về vùng đất đại ngàn.

Dù vậy, trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdam cho rằng dùng từ “bắt chồng” chưa ổn, khiến người đọc dễ hiểu nhầm khi liên tưởng đến tục “bắt vợ” (kéo vợ) của dân tộc H’Mông. Theo tập tục, khi Tây Bắc bước vào mùa xuân là lúc những chàng trai H’Mông rộn ràng hẹn bạn chuẩn bị cho ngày đi “bắt vợ”-một tập tục có từ lâu đời. Những đôi trai gái đến tuổi cập kê phải lòng nhau thường hẹn hò trên đường hay ở phiên chợ, đến cuối ngày, chàng trai nhờ một vài người bạn đến điểm hẹn cùng kéo cô gái về nhà mình. Người H’Mông quan niệm: Đám kéo nào càng nhiều bạn bè hỗ trợ, kéo càng quyết liệt thì đôi vợ chồng đó càng hạnh phúc và đông con, nhiều của... Trong khi đó, tập tục cưới hỏi của một số dân tộc Tây Nguyên không có hình thức bắt, kéo như trên mà chỉ là nhà gái chủ động sang nhà trai bàn việc hỏi, cưới. Vì vậy, theo nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdam, cần xem lại cách dùng từ “bắt chồng”, nhất là trên các phương tiện truyền thông.

Tây Nguyên vào hội. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

3. Cách đây vài năm, một tài khoản trên mạng xã hội đã đăng tải 1 video clip thu hút rất nhiều sự chú ý của cư dân mạng. Đó là cảnh quay ghi lại quá trình chôn cất trong một đám tang ở huyện Chư Sê. Sau khi quan tài được hạ xuống, người thân của người đã khuất bắt đầu “chia của” bằng cách chôn theo nhiều vật dụng như: xe máy, quạt máy, dụng cụ lao động, nồi cơm điện và một số lương thực, thực phẩm... Với quan niệm cái chết là khởi đầu cho sự hồi sinh ở thế giới atâu (thế giới người chết), người Bahnar, Jrai luôn mong muốn chuẩn bị cho người quá cố những điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, xem video clip, nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên và cho rằng việc chôn theo quá nhiều vật dụng, trong đó có những đồ đạc còn mới toanh, có giá trị là sự lãng phí, trong khi thực tế đời sống ở các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Mới đây, trong chuyến công tác về 2 xã Ia Ko, Ia Hlốp (huyện Chư Sê) để tìm hiểu rõ hơn về tập tục này, chúng tôi khá bất ngờ khi biết rằng thực tế có một số khác biệt so với thông tin đã tiếp nhận. Anh Hip-Trưởng thôn Gran (xã Ia Hlốp) khẳng định đây không phải là hiện tượng phổ biến mà chỉ xảy ra ở một vài gia đình có điều kiện. Hơn nữa, số vật dụng chôn theo không phải là đồ mới mà thường là vật dụng cũ, ít giá trị sử dụng. “Họ chôn đồ cũ thôi, đồ mới họ cũng tiếc chớ!”-anh Hip nói.

Ông Rơ Mah Sơ-Chủ tịch UBND xã Ia Ko-trần tình: Đồ chôn theo chủ yếu là đồ ít dùng đến. Nếu người chết là đàn ông thì gia đình sẽ “chia” cho máy cắt cỏ, cưa máy, có khi còn là bộ bàn ghế gỗ mà lúc còn sống người này ưa thích. “Ông này dặn, sau này tôi chết thì chôn theo bộ bàn ghế này để tôi tiếp khách nhé. Thế nên gia đình họ mới làm theo”-ông Sơ kể. Còn nếu người chết là phụ nữ, ngoài vật dụng cá nhân, người thân thường chôn theo khung dệt. Họ quan niệm: “Chia của” để người sống và người chết không còn nợ nần gì nhau, linh hồn người chết sẽ không về đòi nữa. Thay vì chia chiêng, ché, ghè… và để xung quanh mộ người đã khuất như trước đây, họ chia những vật dụng hiện đại hơn và để tránh bị mất cắp, những vật dụng này đều bị đập cho hư hỏng thêm và có như vậy “người ma” mới sử dụng được. Lý giải về trường hợp chôn theo xe máy, ông Sơ cho hay: Dân trong vùng tin rằng nếu người thân chết do tai nạn giao thông thì phương tiện trong vụ tai nạn (thường cũ kỹ, hư hỏng) được chôn theo cùng để tránh xui xẻo.

Như vậy, trong quá trình tiếp biến văn hóa, một số tập tục Tây Nguyên đã có những thay đổi mà nếu không tìm hiểu kỹ sẽ dẫn đến những nhận định thiếu chuẩn xác. Một số tập quán được cộng đồng chấp thuận nhưng cũng có cái cần điều chỉnh để phù hợp hơn với suy nghĩ và lối sống hiện nay. Riêng cá nhân người viết vẫn cho rằng, tục chia của cho người chết nên chăng vận động người dân chỉ chôn theo một vài vật dụng mang tính tượng trưng. Những thứ liên quan dù là đồ cũ, còn sử dụng được vẫn nên tận dụng để tránh lãng phí không đáng có. Về lâu dài, cần tuyên truyền, vận động xóa bỏ.

LAM NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202110/doi-dieu-ve-tap-tuc-van-hoa-tay-nguyen-5753328/