Đôi điều suy ngẫm về văn hóa công sở

Thân thiện, văn minh, lịch sự... là những gì chúng tôi thấy khi đến đa số các công sở liên hệ công việc hiện nay. Tuy vậy, cũng còn một bộ phận chưa nhận thức đầy đủ về văn hóa giao tiếp nơi công sở.

Đôi điều suy ngẫm về văn hóa côn

Trung tâm Hành chính công tỉnh, nơi thực hiện nghiêm quy định về “4 xin” và “4 luôn”(ảnh tư liệu). Ảnh: Ngọc Lân

Trung tâm Hành chính công tỉnh, nơi thực hiện nghiêm quy định về “4 xin” và “4 luôn”(ảnh tư liệu). Ảnh: Ngọc Lân

Thay đổi

Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa nơi công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước rất hợp lòng dân vì mục đích: “Đảm bảo tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước; xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ...”.

Quy chế đi vào cuộc sống bằng việc UBND các cấp, tổ chức, đoàn thể xã hội cả nước nói chung và địa bàn tỉnh ta nói riêng đã cụ thể hóa ra nhiều văn bản, chương trình hành động về văn hóa công sở. Trong đó, chú trọng chấn chỉnh tác phong lề lối làm việc và văn hóa ứng xử nơi công sở đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó tạo chuyển biến rõ rệt trong cán bộ, công chức khi giao tiếp với người dân, doanh nghiệp về văn hóa “4 xin” và “4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn và xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe và luôn giúp đỡ khi tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp), thể hiện đúng bản chất của nền hành chính phục vụ.

Ông Nguyễn Lý – một cán bộ nghỉ hưu ở phường Phú Thủy (TP. Phan Thiết) chia sẻ: So với trước kia cung cách làm việc cũng như ứng xử văn hóa ở nơi công sở, hiện nay khá hơn nhiều. Các cháu ở công sở làm việc ứng xử rất chuyên nghiệp. Còn nhớ cách đây 10 năm, người nhà bệnh nhân làm trái ý y tá, tạp vụ tại bệnh viện là bị la mắng, nhưng nay đến bệnh viện không còn cảnh ấy.

Đây cũng là nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng thái độ, cung cách phục vụ của ngành chức năng vào công tác giải quyết thủ tục hành chính. Giúp Bình Thuận có sự bứt phá vượt bậc mang lại sự hài lòng của người dân và là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế và các nhà đầu tư.

Chưa toàn diện

Tuy vậy, hiện vẫn còn một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức có nhận thức chưa đầy đủ về ứng xử văn hóa công sở, có biểu hiện lệch chuẩn trong ứng xử làm ảnh hưởng đến hình ảnh “công bộc” của dân. Một số cán bộ bị người dân phản ánh chưa nhiệt tình giúp đỡ, thái độ thiếu niềm nở, “nói chuyện” bằng ánh mắt, khuôn mặt, cử chỉ lạnh lùng thay vì thân thiện, cởi mở. Tình trạng này nhiều nhất ở một số cơ quan, tổ chức thị trấn, xã, phường. Bà Nguyễn Thu L – phường Xuân An (TP. Phan Thiết) cho biết, trong một lần đến một cơ quan tố tụng ở TP. Phan Thiết liên hệ công việc bị cán bộ ở đây “đối xử” không đẹp. Giải quyết vụ việc của bà không đến nơi đến chốn, buộc bà phải phản ánh lên cấp lãnh đạo cao hơn... Còn ông Đỗ Đình Kh ở thị trấn Phú Long nói: Có công việc mới đến các cơ quan Nhà nước, nhưng đến mà cán bộ cứ tròn mắt nhìn, hỏi thì trả lời còn không thì thôi, cảm thấy xem thường người dân. Mặc dù tình trạng này hiện nay đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra.

Qua phản ánh của người dân, chúng tôi những người làm báo kiểm nghiệm lại mỗi lần đến liên hệ công việc ở nơi công sở, thấy có phần đúng. Khi chưa giới thiệu là phóng viên, thì hành động cử chỉ cũng như cung cách trả lời của một số cán bộ thiếu nhã nhặn, nhưng giới thiệu rồi thì cử chỉ hành động ấy thay đổi hẳn.

Trong cuộc sống cũng như trong công việc, sẽ gặp muôn vàn kiểu giao tiếp ứng xử khác nhau. Do vậy, chúng ta nên hòa đồng từ ngoại hình đến thái độ, cử chỉ, lời nói, nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức. Để từ đó cùng góp phần xây dựng văn hóa tốt đẹp nơi công sở.

Lê Ninh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/doi-dieu-suy-ngam-ve-van-hoa-cong-so-138568.html