Độc giả trẻ từng sốc khi đọc văn của Nguyễn Huy Thiệp

Văn chương của Nguyễn Huy Thiệp gửi những thông điệp sắc, lạnh. Các bạn trẻ 9X, Gen Z bày tỏ niềm quan tâm, yêu thích dành cho 'vua truyện ngắn'.

"Cháu mới biết đến Nguyễn Huy Thiệp 1-2 năm gần đây, khi đi du học. Lúc đầu, cháu thấy mọi thứ ông viết u ám, đen tối quá, cháu đọc xong Tướng về hưu và một số truyện khác rồi né đi, không đọc nữa. Nhưng rồi dần dần, cháu nhận ra đằng sau những ngôn từ ấy của Nguyễn Huy Thiệp đều có lý do cả.

Không biết cô chú ở đây ấn tượng nhất với tác phẩm nào của Nguyễn Huy Thiệp và cho cháu xin lời khuyên nên đọc văn Nguyễn Huy Thiệp như thế nào để có cái nhìn đúng nhất về ông?".

Đó là câu hỏi của Lê Anh Huy (24 tuổi) dành cho nhà nghiên cứu, phê bình văn học Thụy Khuê, PGS.TS Ngô Văn Giá, TS Văn học Mai Anh Tuấn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tại buổi trò chuyện về cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mới đây.

Anh Huy cũng không phải là độc giả trẻ duy nhất có mặt tại sự kiện hôm 25/2. Xen giữa những mái đầu điểm bạc của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học hay những người bạn của Nguyễn Huy Thiệp, có cả những gương mặt hào hứng, chăm chú của các bạn trẻ 9X, Gen Z bày tỏ niềm quan tâm, yêu thích dành cho "vua truyện ngắn".

Từng không "thấm" được văn chương Nguyễn Huy Thiệp

Chia sẻ với Tri thức - Znews, Anh Huy cho biết trong thời gian du học nước ngoài, anh nhớ nhà, bắt đầu tìm đọc thêm về văn học Việt Nam. Biết tới Nguyễn Huy Thiệp và đọc xong Tướng về hưu, anh hứng thú và muốn đào sâu hơn về cây bút này.

"Tuy nhiên thú thật, tuổi đời tôi còn trẻ, không dễ để đọc và thấm được hết văn của Nguyễn Huy Thiệp. Hồi mới ra trường, tôi đọc thấy khó hiểu nhưng càng khó hiểu, càng muốn chúi mũi vào".

Anh Huy tìm đọc văn Nguyễn Huy Thiệp 1-2 năm trở lại đây.

Tình cờ biết tới buổi nói chuyện được tổ chức tại Không gian văn hóa Nguyễn Huy Thiệp, chàng trai 24 tuổi không bỏ lỡ cơ hội để được hiểu hơn về cuộc đời, văn chương của ông.

Trước câu hỏi Anh Huy đặt ra, nhà nghiên cứu Thụy Khuê chia sẻ Nguyễn Huy Thiệp như vạch ra trong mỗi truyện một thế giới nơi ông châm ngòi bút vào, chỗ nào cũng đau, cũng ghê gớm, đáng cho ta đọc hết.

Đồng tình với những chia sẻ này, Anh Huy công nhận "đúng là phải đọc đi đọc lại văn của Nguyễn Huy Thiệp". Trong số những tác phẩm của "vua truyện ngắn", chàng trai 24 tuổi ấn tượng với Sống dễ lắm, đặc biệt là câu: "Sống dễ lắm! Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống".

"Tôi thấy yên tâm hơn, vì vẫn có những người như các nhân vật trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, đi qua bao nhiêu năm cuộc đời vẫn coi lòng tốt, lòng thương người, cái hồn nhiên, ngây thơ là giá trị mình nên bám vào như thế. Nó giúp tôi thấy có thêm hy vọng", anh chia sẻ.

Học chuyên Văn từ cấp 3 và hiện là sinh viên năm nhất khoa Sư phạm Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Lê Hồ Thanh Thanh và Lê Thị Hương Sang cũng tìm đến buổi nói chuyện về Nguyễn Huy Thiệp. Đặc biệt, hai người đang thực hiện một dự án nghiên cứu khoa học ở trường liên quan đến cố nhà văn.

Đọc một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp từ hồi cấp 3, Thanh và Hương hồi đầu cũng sốc, khó "thấm", không thích. Lối viết sắc lạnh, tàn khốc, ngôn từ nhiều khi có phần tục của ông khiến hai nữ sinh chưa thích nghi được bởi đang quen những tác phẩm có phần dễ đọc, nhẹ nhàng trên ghế nhà trường.

Thanh Thanh (trái) và Hương Sang hiểu văn của Nguyễn Huy Thiệp theo thời gian.

"Nhưng sau này đọc nhiều hơn, mở rộng kiến văn của mình, tiếp cận dưới góc nhìn của người nghiên cứu một cách khách quan, tôi mới thấy viết như thế có gì sai đâu, đời như thế thì viết vậy thôi. Sau những lời văn khốc lạnh, sắc sảo đó, Nguyễn Huy Thiệp ẩn chứa nhiều điều lắm", Sang nói.

Sau buổi nói chuyện, hai cô gái cũng phần nào hình dung ra được tầm vóc của Nguyễn Huy Thiệp ở nước ngoài lớn đến thế nào, ông được quốc tế đánh giá cao ra sao.

"Trong thời đại mạng xã hội, các thể loại văn học mạng, tiểu thuyết ngôn tình bùng nổ có thể hợp thị hiếu giới trẻ bởi nhẹ nhàng, bay bổng, dễ đọc. Nên tôi nghĩ nhiều khi người trẻ đọc văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ khá sốc, thậm chí không đọc nổi, các triết lý trong truyện cũng không dễ để nhận ra, nhưng thực sự ông là một tác giả đáng đọc, đáng suy ngẫm, nhất là với những người trẻ yêu văn chương".

Muốn nghiên cứu sâu hơn về văn Nguyễn Huy Thiệp

Thùy Linh, sinh viên năm nhất Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng là một trong những người trẻ mến mộ lối viết văn tôn chỉ sự thật của Nguyễn Huy Thiệp.

Trong tiết trời mưa lạnh của Hà Nội, nữ sinh viên đã vượt 9 km tới sự kiện để đọc Nguyễn Huy Thiệp bằng một lăng kính khác: muốn nghe những câu chuyện từ những người đi trước chia sẻ, lắng nghe một Nguyễn Huy Thiệp “rụt rè, ít nói và đầy tình cảm” từ lời kể nhà nghiên cứu Thụy Khuê, và một Nguyễn Huy Thiệp rất khác từ ánh nhìn của những bạn đọc xa xăm ở Pháp.

Thùy Linh muốn nghiên cứu nhiều hơn về văn chương Nguyễn Huy Thiệp.

Nữ sinh khoa Văn dành nhiều sự ấn tượng cho truyện Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp. Với cô, không phải đọc một lần mà tác phẩm "càng ngẫm càng sâu sắc".

"Tướng về hưu viết về bi kịch của người lính trở về từ chiến trường súng đạn - từng chiến thắng bao chiến trận nhưng không thể thắng được cuộc đời như một trò khỉ ấy. Cái hay ở chỗ, trong từng chi tiết, từng lời thoại hay sự xuất hiện của một nhân vật đều là ẩn ý mà Nguyễn Huy Thiệp vạch trần trò đời ấy. Hơn cả, nhà văn viết về người lính một cách đời thường, nói một cách hết sức chân thật, không đánh bóng, không hào nhoáng".

Sau khi được hiểu thêm những khía cạnh, câu chuyện khác về Nguyễn Huy Thiệp, Thùy Linh càng bày tỏ sự mến mộ và đặt mục tiêu đọc, nghiên cứu sâu hơn về các tác phẩm trong gia tài văn chương của ông.

"Với tôi, Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn dũng cảm, dám dùng cây bút của mình để vạch trần những thói hư tật xấu bên trong con người. Văn của ông thú vị ở chỗ không chịu tuân theo một khuôn mẫu nào, chúng tự do một cách 'ngông cuồng' trong chính logic nghệ thuật mà ông lựa chọn. Ông đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác qua các yếu tố kỳ ảo, phi lý trong tác phẩm để lý giải cái có lý - sự thật trần trụi của cuộc sống", Linh chia sẻ.

Ánh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/doc-gia-tre-tung-soc-khi-doc-van-cua-nguyen-huy-thiep-post1462024.html