Độc giả đồng ý với GS Ngô Bảo Châu: Nên giữ lại kỳ thi Đại học

VOV.VN - Kỳ thi ĐH của Việt Nam hiện vẫn đảm bảo được vấn đề chất lượng, tính nghiêm túc, trung thực và sàng lọc thí sinh. Vì thế, nên giữ lại kỳ thi này.

Đề cập đến Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến dư luận xã hội, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu - người chứng minh thành công Bổ đề cơ bản Langlands và vinh dự nhận giải thưởng Fields (giải thưởng cao quý nhất về Toán học) năm 2010 cho rằng, 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, trong đó nhấn mạnh đến kết quả của kỳ thi này sẽ được lấy làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thực hiện công tác tuyển sinh cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Ngoài tính đến kinh phí tổ chức các kỳ thi, Bộ GD-ĐT phải đặc biệt cân nhắc đến vấn đề chất lượng.

Ở Việt Nam, mức độ chênh lệch về trình độ của học sinh giữa các vùng, miền; nhất là giữa học sinh miền núi và thành phố là rất lớn. Chúng ta có thể thấy học sinh ở các thành phố như Hà Nội, TP HCM và nhiều thành phố lớn có điều kiện học hành tốt hơn. Nếu như tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, tất cả học sinh trong cả nước cùng làm một bài thi, sau đó lấy kết quả này để tuyển sinh đại học thì rõ ràng học sinh miền núi, nông thôn sẽ thiệt thòi hơn.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014

Theo GS Ngô Bảo Châu, mô hình thi chung đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức tương đối tốn kém nhưng không đánh giá đúng thực chất việc học tập của học sinh khi mà hầu hết các em đi thi đều đỗ tốt nghiệp. Việc tất cả các em đều đỗ là một chuyện mừng nhưng khi mà tỷ lệ đó quá lớn và tăng dần theo từng năm thì nó không còn giá trị nữa. Bởi thi là để đánh giá học sinh và chất lượng giảng dạy.

Từ trước tới nay, các kỳ thi THPT ở Việt Nam vẫn còn để xảy ra nhiều tiêu cực như: thí sinh tự do xem bài của nhau, đưa tài liệu vào phòng thi, giáo viên giải hộ đề thi... Do vậy, tâm lý chung của người dân là không tin tưởng vào chất lượng cũng như tính khách quan của kỳ thi này. Trong khi đó, kỳ thi ĐH của Việt Nam hiện vẫn đảm bảo được vấn đề chất lượng, tính nghiêm túc, trung thực và có tính sàng lọc để các trường ĐH, CĐ chọn được thí sinh ưu tú nhất vào trường. Vì vây, Bộ GD-ĐT nên tính toán giữ lại kỳ thi Đại học.

Cho đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa chốt được phương án hữu hiệu nhất cho kỳ thi THPT quốc gia và vẫn đang tiếp tục trưng cầu ý kiến xã hội về vấn đề này. Thời gian gần đây, báo Điện tử VOV đã nhận được hàng trăm ý kiến của độc giả gửi tới bày tỏ ý kiến đóng góp cho Dự thảo phương án thi của Bộ GD-ĐT. Trong đó, nhiều độc giả đồng ý với quan điểm của GS Ngô Bảo Châu là giữ lại kỳ thi Đại học.

Độc giả có tên là Tuyết Mai bảy tỏ: “Giáo dục ĐH của nước ta đang có nhiều bất cập, không có nhiều đổi mới, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế và yếu kém. Nếu có đổi mới thì đổi mới giáo dục ĐH. Như GS Ngô Bảo Châu nói rất đúng, hệ thống giáo dục ĐH nước ta đang thụt lùi hơn so với các nước khác. Tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT nên xét tốt nghiệp THPT cho học sinh và hãy giữ lại kỳ thi ĐH.

Bạn Thu Trang đồng ý với quan điểm của Giáo sư Ngô Bảo Châu là nên giữ lại kỳ thi ĐH, bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cải cách giáo dục ĐH, lấy trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ GD-ĐT đổi mới kỳ thi mà sinh viên ra trường không tìm được việc làm vì không đáp ứng yêu cầu xã hội thì đổi mới đó cũng chỉ là vô nghĩa.

Độc giả có tên tuan tu lo ngại, đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT khó có thể giảm được tiêu cực mà ngược lại có khi lại trở nên cồng kềnh, tốn kém hơn khi các trường ĐH, CĐ vẫn phải tổ chức thi riêng. Bộ GD-ĐTnên tham khảo mô hình giáo dục ở các nước và cân nhắc theo phương án của Ngô Bảo Châu là giữ lại kỳ thi ĐH.

Bạn Quang Trung nhấn mạnh, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa thể chính xác để xét tuyển vào ĐH. Nguyên nhân từ lâu chính là bệnh thành tích của các địa phương và tiêu cực trong giáo dục. Vì vậy, đổi mới thi cử thì phải tính đến kết quả trung thực của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì mới có thể tin cậy xét tuyển vào ĐH.

Độc giả Lương Duyên Thắng bày tỏ lo ngại đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT khi “bệnh” thành tích vẫn chưa chấm dứt. Các địa phương đều mong muốn đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và đỗ ĐH cao. Các trường học THPT và nhiều phụ huynh cũng mong như thế. Nếu tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại địa phương thì tình trạng không trung thực lại diễn ra. Vì vậy, nên để các trường và các Sở GD-ĐT tổ chức thi hoặc xét tốt nghiệp. Các học sinh có điểm tốt nghiệp cao và có quá trình học THPT khá (ví dụ bình quân 3 năm học đạt điểm trung bình từ 6,5 trở lên sẽ được thi ĐH còn dưới mức này thì nên cho tuyển vào các trường Trung cấp và học nghề).

Độc giả Quang Thái đưa ra quan điểm, năm 2015, không thi theo phương án mới. Bộ GD-ĐT nên xét tốt nghiệp THPT cho học sinh. Còn vẫn giữ lại kỳ thi ĐH như bây giờ.

Đồng ý các với quan điểm trên, bạn Quang Mạnh cho rằng, không nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ nên tổ kỳ thi ĐH, CĐ vì 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra đều khó thực hiện và rất tốn kém, gây áp lực cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh, có thể gây dư luận không tốt cho xã hội. Nên để các trường THPT xét tốt nghiệp, đảm bảo tỷ lệ không quá 95%. Muốn vậy, chỉ cần Bộ GD-ĐT ra quy chế học sinh học lực yếu thì không được xét tốt nghiệp và chỉ lấy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 70% vẫn đánh giá thi đua thì đảm bảo chất lượng.

Theo độc giả Lai Văn Vương, Bộ GD-ĐT đưa ra Dự thảo gồm 3 phương án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, sự đổi mới này chỉ có lợi cho các trường ĐH, CĐ để thu hút người theo học còn những trường tốp trên hoặc những trường đào tạo đặc thù như khoa học sức khỏe, khoa học kỹ thuật... thì liệu có dám tin vào điểm số kỳ thi này để xét tuyển không? Hậu quả tương lai cho xã hội ai là người gánh chịu? Tốt nhất, Bộ GD-ĐT nên xét tốt nghiệp phổ thông theo hình thức nào đó nếu thấy phù hợp, còn thi ĐH, CĐ thì vẫn giữ nguyên bởi những năm qua xã hội vẫn tin vào kỳ thi này./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/doc-gia-dong-y-voi-gs-ngo-bao-chau-nen-giu-lai-ky-thi-dai-hoc-348261.vov