Độc đáo tục rước 'người sống' của người dân vùng xã đảo Hà Nam

Điểm nhấn của lễ hội Tiên Công của vùng xã đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng ninh là lễ rước 'người sống' từ đình làng ra miếu Tiên Công để thể hiện sự hiếu thảo của con cháu cũng như truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Sáng mùng 7 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lễ rước người sống độc đáo ở vùng đảo Hà Nam, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh được diễn ra với sự tham dự của hàng nghìn người dân và du khách. Lễ hội năm nay là hoạt động hưởng ứng và chào mừng năm du lịch quốc gia 2024 và kỷ niệm 590 năm các Tiên Công đến vùng đảo này để khai canh, mở đất (1434-2024).

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ ngày mùng 5 Tết, trong đó nghi lễ chính và quan trọng nhất được tổ chức vào ngày cuối cùng của lễ hội. Trong những ngày này, con cháu vùng đảo Hà Nam từ khắp nơi trên cả nước đều trở về đây để tri ân công lao của các vị Tiên Công và các bậc cao niên trong gia đình mình.

Không gian lễ hội diễn ra ở các phường Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải và xã Cẩm La thuộc thị xã Quảng Yên. Trung tâm lễ hội tại di tích miếu Tiên Công (xã Cẩm La) và ở các từ đường dòng họ tiên công, đã được xếp hạng di tích quốc gia. Gắn với lịch sử hình thành khu đảo Hà Nam là lịch sử các tiên công - những người có công đầu tiên quai đê lấn biển, lập làng.

Lễ hội Tiên Công là sự kiện hàng năm mỗi dịp Tết về có lịch sử hơn 500 năm qua.

Theo tục lệ, con cháu các dòng họ cùng đông đảo nhân dân và du khách vui mừng xem đoàn rước cụ Thượng trong 80, 90, 100 tuổi trên kiệu võng đào đưa về miếu Tiên Công lễ Tổ và truy ơn Tiên Công. Đoàn rước với cờ lọng, dàn nhạc bát âm, lân sư, rồng kéo dài hàng cây số hướng từ nhà thờ họ về đình làng sau đó tất cả đều tụ họp tại miếu Tiên Công.

Theo đại diện BTC, năm nay lễ hội Tiên Công có hơn 100 cụ Thượng với 6 đoàn rước, trong đó có 2 đoàn rước tập thể và 4 đoàn rước cá nhân. Lễ hội Tiên Công năm nay dự kiến thu hút trên 35 nghìn lượt du khách và nhân dân về dự hội.Lễ hội Tiên Công vùng đảo Hà Nam, TX Quảng Yên đã được nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị hơn 300 năm nay. Năm 2017, Lễ hội Tiên Công được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc tổ chức lễ hội hằng năm đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Quảng Yên thu hút du khách trong và ngoài nước về tham dự.

Lễ hội Tiên Công cũng như tục “Rước người” độc đáo nhất trong cả nước của người dân thị xã Quảng Yên, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các tiên công, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng động, sinh hoạt tâm linh, giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Theo bia ký, gia phả, khoảng từ năm 1434 đến 1500, có 17 tiên công quê ở phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long (Hà Nội) cùng gia đình xuôi theo dòng sông Hồng ra cửa sông Bạch Đằng tìm kế mưu sinh.

Lúc đầu họ sinh sống trên thuyền bằng nghề đánh bắt tôm cá, dãi chài. Vào một đêm, họ lên trú ở một gò nổi của bãi triều, nghe thấy tiếng ếch nhái kêu, biết nơi này có nước ngọt, các tiên công đã cùng gia đình bèn quyết định dừng lại ở bãi triều này khẩn hoang đất đai, cải tạo thành ruộng lúa, lập làng. Ban đầu lập nên phường Bồng Lưu, sau đổi thành xã Phong Lưu gồm ba thôn: Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông. Hiện nay, cách di tích miếu Tiên Công chừng 1.000m về phía Tây vẫn còn dấu tích của hồ nước ngọt xưa, nhân dân gọi là “Hồ Mạch”…

Lễ hội Tiên Công là dịp con cháu, người dân xã đảo Hà Nam tưởng nhớ đến tổ tiên có công quai đê, mở đất là dịp thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Để tưởng nhớ công ơn các tiên công, nhân dân toàn xã Phong Lưu, đảo Hà Nam đã lập miếu ở thôn Cẩm La để thờ 17 tiên công. Miếu Thập cửu Tiên Công từ đó đến nay trở thành điểm du lịch tâm linh và là trung tâm tổ chức lễ hội.

Đoàn Chi

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-hay/doc-dao-tuc-ruoc-nguoi-song-cua-nguoi-dan-vung-xa-dao-ha-nam-c17a68863.html