Độc đáo tục rước người cao tuổi lên báo ơn Tiên Công

Các cụ ông, bà thọ từ 80 tuổi trở lên sẽ được con cháu trong nhà làm lễ rước lên miếu Tiên Công, vùng đảo Hà Nam, TX Quảng Yên, Quảng Ninh để báo ơn các vị đã thành lập đảo.

Theo thường lệ, từ mùng 4 đến mùng 7 Tết Nguyên đán hằng năm, người dân vùng đảo Hà Nam, TX Quảng Yên lại nô nức tập trung về miếu Tiên Công để chiêm ngưỡng những đoàn rước người cao tuổi của những gia đình sinh sống tại đây. Các cụ ông, bà thọ từ 80 tuổi trở lên được người dân kính trọng gọi là 'cụ thượng'.

Các cụ thượng được con cháu trong gia đình rước bằng võng đào để lên báo ơn các vị Tiên Công vào mùng 7 Tết Nguyên đán.

Chính hội vào ngày mùng 7 Tết Nguyên đán, các cụ thượng được con cháu trong gia đình làm lễ rước bằng võng đào lên miếu Tiên Công lễ tổ báo ơn. Đây là dịp để con cháu trong nhà tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, đồng thời nhớ đến công ơn thành lập đảo của các vị Tiên Công.

Người dân đổ về miếu Tiên Công để xem các đoàn rước.

Mặc dù nhiều gia đình chọn rước từ sáng sớm để tránh đông người nhưng tuyến đường gần 2km dẫn vào miếu Tiên Công vẫn tắc cứng do người về xem quá đông.

Đây là dịp để người dân vùng đảo Hà Nam nhớ tới công ơn các vị Tiên Công đã có công quai đê, lập làng.

Năm nay, cụ ông Phạm Văn Thành và vợ là cụ bà Lê Thị Quyến (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên) đều thọ 80 tuổi, được con cháu tổ chức lễ song thọ từ nhiều ngày trước. Con cháu trong nhà chị Thành cho biết, lễ song thọ và rước lên miếu Tiên Công được gia đình chuẩn bị từ thời điểm đầu Tết Nguyên đán với kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Cụ ông Phạm Văn Thành và vợ là cụ bà Lê Thị Quyến là cặp song thọ duy nhất ở lễ hội Tiên Công năm nay.

Theo sau đoàn rước cụ Thành là đoàn rước của gia đình cụ Ngô Đăng Trung (80 tuổi, phường Phong Hải). Cụ Trung được nhiều người dân chú ý khi đeo nhiều huy chương. Cụ Trung cho biết, tất cả huy chương này là những lần cụ lập chiến công khi tham gia chiến đấu chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc.

Cụ Ngô Đăng Trung thu hút sự tò mà của nhiều người dân khi trên áo đeo huy chương từ thời đi bộ đội phục vụ Tổ quốc.

"Tôi có 54 tuổi Đảng, 1 huân chương kháng chiến, 2 huân chương chiến sĩ vẻ vang và 3 huân chương chiến sĩ giải phóng. Tôi thọ đến tuổi này cũng do các vị Tiên Công ở đảo phù hộ chở che", cụ Trung phấn khởi nói.

Theo ban tổ chức, lễ hội Tiên Công năm nay, đảo Hà Nam có 140 cụ thượng làm lễ lên miếu Tiên Công. Trong đó, có 3 cụ đạt 100 tuổi (2 cụ ông, 1 cụ bà), 46 cụ đạt 90 tuổi và 91 cụ đạt 80 tuổi.

Bên trong khuôn viên miếu Tiên Công chật kín người dân tới xem lễ hội.

Được biết, lễ hội Tiên Công năm nay kỷ niệm 590 năm các Tiên Công khai canh, mở đất vùng đảo Hà Nam (1434 - 2024).

Đây cũng là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tôn vinh các Tiên Công, những người đầu tiên đã có công quai đê, lấn biển, lập làng, khai sáng vùng đảo Hà Nam. Đồng thời mang theo các giá trị văn hóa kinh kỳ của kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Lễ hội Tiên Công vùng đảo Hà Nam đã được nhân dân giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị hơn 300 năm. Năm 2017, lễ hội Tiên Công vinh dự được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Một số hình ảnh tại lễ hội Miếu Tiên Công

Mỗi đoàn rước cụ thượng đều có đông đảo con cháu cùng người dân đi cùng. Mỗi gia đình sẽ xếp hàng để được vào bên trong miếu Tiên Công báo ơn.

Năm nay có 140 cụ thượng ở vùng đảo Hà Nam đăng ký làm lễ báo ơn lên miếu Tiên Công.

Tất cả con cháu trong gia đình đều tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành đã có công nuôi dưỡng, chăm sóc con cái thành tài. Trong ảnh là một quán trạm của những con rể của một gia đình dựng lên để đón bố mẹ tới báo ơn.

Nhiều lễ vật của các gia đình có cụ thượng được mang lên miếu Tiên Công.

Người dân quây kín sân miếu Tiên Công khi các đoàn rước tiến vào làm lễ.

Đây là dịp con cái báo hiếu cha mẹ, người dân kính trọng những cụ ông, cụ bà sống trường thọ.

Theo bia ký, gia phả và sắc phong của vua ban cho các Tiên Công. Từ thời Lý - Trần đã có một số vạn chài, đến vùng đất này sinh sống. Họ đã dựa vào những đượng đất cao trên triều, để dãi chài, phơi lưới. Đến thế kỷ thứ 15 (khoảng từ năm 1434 đến 1500) có 6 nhóm Tiên Công và các cư dân cũng đến đây tìm đất, khẩn hoang đất đai, lập làng. Trong đó, có 17 vị Tiên Công, quê ở phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên, huyện thọ Xương, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long (Hà Nội).
Họ là những người lao động, những kẻ sĩ, sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp và đánh cá ven hồ, ven sông Kim Ngưu, ở thành Thăng Long.
Khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi, mở rộng kinh thành tới phường Kim Liên, nhà vua cho phép cư dân trong vùng đi tìm đất hoang, lập làng mới ở bất cứ nơi đâu và được miễn thuế trong thời gian đầu cày cấy. 17 vị Tiên Công lại cùng gia đình xuôi theo dòng sông Hồng, ra cửa sông Bạch Đằng cắm thuyền, tìm đất, quyết tâm tìm cách sinh sống lâu dài trên vùng đất này.

Lúc đầu, họ sinh sống trên thuyền, bằng nghề đánh bắt tôm cá ở các đượng đất cao trên triều, vùng cửa sông Bạch Đằng. Vào một đêm, họ lên trú ở 1 gò nổi của bãi triều, nghe thấy tiếng ếch nhái kêu, các Tiên Công đã lần theo và tìm thấy mạch nước ngọt phun ra trên một đượng đất cao, giữa bốn bề là nước mặn. 17 vị Tiên Công mừng rỡ, đã cùng gia đình quyết định, dừng lại ở bãi triều này, quai đê, lấn biển, khẩn hoang đất đai, cải tạo thành ruộng lúa, lập làng.

Phạm Công

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doc-dao-tuc-ruoc-nguoi-cao-tuoi-len-bao-on-tien-cong-o-dao-ha-nam-2249716.html