Độc đáo tranh khắc đá nghìn năm tuổi ở Trung Quốc

Với lịch sử gần 2.000 năm tuổi, hệ thống tranh khắc đá của đền Vũ Lương ở thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mà còn là những di chỉ giàu giá trị nghiên cứu, giúp vén tấm màn bí ẩn về cuộc sống của con người từ hàng nghìn năm trước.

Du khách tham quan tranh khắc đá ở Bảo tàng tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Thời báo Tế Nam)

Nằm ở huyện Gia Tường, thành phố Tế Ninh, thành phố Sơn Đông, đền Vũ Lương là đền thờ một vị nho sĩ ẩn cư nổi tiếng thời Đông Hán (Trung Quốc) vào thế kỷ 2, là cụm công trình lăng mộ bằng đá gồm: cửa khuyết, bia đá và sư tử đá, với nhiều bức tranh chạm khắc tinh xảo về xã hội đương thời.

Năm 1961, đền Vũ Lương cùng với Cố Cung (Bắc Kinh), Tam Khổng (Khúc Phụ), rừng bia (Bi Lâm, Tây An) và hang Mạc Cao (Đôn Hoàng) được Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc công bố là những đơn vị bảo tồn di tích văn hóa trọng điểm toàn quốc đợt đầu tiên.

Những bức tranh khắc đá có niên đại gần 2.000 năm tuổi giúp tái hiện cuộc sống của con người thời xưa. (Ảnh: jnnews.tv)

Trải qua hơn 1.800 năm, công trình đền Vũ Lương hiện còn lưu giữ 1 cặp cửa khuyết bằng đá, sư tử đá, 3 bia mộ, 4 từ đường, với nhiều giá trị nghiên cứu, khảo cổ và nghệ thuật. Trong đó, những bức tranh khắc trên đá như Khổng Tử gặp Lão Tử, hình tượng Đại Vũ, Hoàng Đế hay sư tử đá, đều là những tác phẩm nghệ thuật có niên đại lâu đời bậc nhất ở Trung Quốc, được giới nghiên cứu đánh giá cao về nghệ thuật điêu khắc tinh xảo và nội dung phong phú.

Tranh khắc đá được đánh giá là nghệ thuật tiêu biểu nhất của thời đại nhà Hán, thể hiện những thành tựu nổi bật của nghệ thuật đương thời. Những bức tranh khắc đá tại đền Vũ Lương ở Tế Ninh, được coi là tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nhất của tranh khắc đá thời Hán, tiếp nối lịch sử và truyền thống nghệ thuật hàng nghìn năm, là cửa sổ để tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử-văn hóa Trung Quốc cổ đại.

Tạo hình sư tử đá lâu đời nhất tại Trung Quốc, được phát hiện tại đền Vũ Lương. (Ảnh: jnnews.tv)

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các di tích, bảo tàng lịch sử trở thành điểm đến quan trọng để người dân Trung Quốc du xuân, đón chào năm mới, thưởng thức món ăn tinh thần lịch sử-văn hóa.

Triển lãm nghệ thuật tranh khắc đá đền Vũ Lương được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh Sơn Đông, đã thu hút đông đảo du khách tham quan, cảm nhận văn hóa truyền thống.

Chị Lưu, du khách đến từ thành phố Tế Ninh, cho biết, dịp đầu xuân năm nay, gia đình chị lựa chọn đến Bảo tàng tỉnh Sơn Đông, để tham quan triển lãm về các bia cổ đời Hán. Những bức tranh khắc đá có niên đại hàng nghìn năm được trưng bày, triển lãm tại đây đã để lại ấn tượng sâu sắc, giúp chị và người thân thêm hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa-lịch sử và nghệ thuật truyền thống.

Rất đông bạn nhỏ đến tham quan, trải nghiệm phục dựng tranh khắc đá. (Ảnh: Chinanews.cn)

Theo ông Lưu Diên Thường, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn Đông, các bức tranh khắc trên đá ở nhiều kiến trúc, nhất là từ đường, đền thờ, lăng mộ..., phổ biến chủ yếu ở đời nhà Hán cách đây gần 2.000 năm, là một loại hình nghệ thuật độc đáo, với các đặc trưng như hình dáng chạm khắc đơn giản nhưng sâu sắc, được coi là báu vật trong kho tàng di sản văn hóa cổ đại Trung Quốc.

Việc triển lãm, giới thiệu nghệ thuật tranh khắc đá ở đền Vũ Lương, quần thể kiến trúc có các bức tranh khắc đá còn được bảo tồn hoàn chỉnh nhất, tiêu biểu nhất cho thời kỳ Đông Hán, là một hình thức để bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, khoa học và nghệ thuật, giúp thế hệ trẻ thêm hiểu về cuộc sống của con người từ hàng nghìn năm trước.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doc-dao-tranh-khac-da-nghin-nam-tuoi-o-trung-quoc-post796901.html