Độc đáo tranh chuyển động 'Đất nước tôi' mừng Quốc khánh 2-9

Với lần đầu tiên sử dụng công nghệ kỹ thuật số CinemaGraph, bộ sưu tập mang đến những trải nghiệm mới mẻ, thiêng liêng, truyền cảm hứng đến người xem về tình yêu quê hương, đất nước.

Kỷ niệm 78 năm Quốc Khánh CHXHCN Việt Nam (2-9-1945), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã giới thiệu triển lãm tranh “Đất nước tôi”.

“Đất nước tôi” - Hơi thở Việt Nam hào hùng và dung dị

Bộ sưu tập hơn 80 tác phẩm với nhiều chất liệu và bút pháp khác nhau được sáng tác ở nhiều giai đoạn khác nhau trong khoảng thời gian từ năm 1930 đến năm 2007 của nhiều danh họa như Phan Kế An, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận, Lưu Công Nhân,…

Tác phẩm "Vịnh Hạ Long và bến Hòn Gai" của họa sĩ Đào Đức (chất liệu Lụa, 1960). Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Từ các địa danh lịch sử nổi tiếng như Tây Bắc, đền Hùng Vương, núi Côn Sơn,… gắn liền với các cuộc hành quân của quân Việt Nam ta đến các danh lam thắng cảnh như Vịnh Hạ Long, Thác Bản Giốc, núi rừng Tây Nguyên… đều được khắc họa rõ nét, sống động.

Bên cạnh đó, cuộc sống dung dị của người dân cũng xuất hiện trong các bức tranh một cách tự nhiên, hài hòa.

Đến thăm triển lãm trong khuôn khổ kỷ niệm Lễ Quốc Khánh 2-9, người xem không những chiêm ngưỡng văn hóa, vẻ đẹp của đất nước mà còn như hòa mình vào hơi thở xuyên thời đại khơi dậy lên trong lòng niềm tự hào dân tộc.

Mê đắm công nghệ độc đáo đầu tiên vào “hồn” tranh

Bà Vương Lê Mỹ Học - Phó trưởng phòng trưng bày giáo dục Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam cho biết: “Chúng tôi mong muốn đối với không gian, thời gian đẹp như thế này của Hà Nội thì không chỉ công chúng ở Hà Nội mà du khách nước ngoài khi đến đây sẽ được ngắm nhìn đất nước mình qua các tác phẩm nghệ thuật ở đây.

Chúng tôi lựa chọn tất cả các vùng miền từ miền núi đến miền biển, từ thành phố đến nông thôn mang đến cái nhìn tổng quát nhất về một đất nước qua con mắt của nghệ sĩ.

Trong số các hiện vật này, chúng tôi có đưa trình chiếu một số hiện vật, chúng ta sẽ thấy được hiệu quả thị giác khác, qua cách trình bày đó công chúng sẽ có một trải nghiệm mới về các tác phẩm kinh điển”.

Tác phẩm "Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên" của họa sĩ Xu Man (chất liệu Sơn mài, 1975). Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Có thể nói, hiệu ứng công nghệ Cinemagraph sống động trong những tác phẩm gốc là một cách trưng bày đặc biệt, mới mẻ. Đây cũng là con đường chuyển tải rất sinh động, hấp dẫn và thú vị để người trẻ tiếp cận và mở rộng không gian văn hóa Việt Nam trên các nền tảng phổ biến trên thế giới.

Trong không khí Tết Độc Lập của đất nước, những bức tranh hiện lên đầy linh thiêng, trân trọng ý thức gìn giữ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Triển lãm trưng bày đến hết 10-9-2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Cinemagraph tập hợp của ảnh chụp và video. Cinemagraph được xem như dạng “GIF chuyển động dành cho người lớn”. Chúng chứa đựng những chuyển động mượt mà lặp lại trong vòng tuần hoàn không bao giờ dứt, với phông nền đứng yên.

Dù là chuyển động tung bay của tóc hay cái nhấp nháy của ánh đèn đường, các tác phẩm cinemagraph đều có khả năng thu hút người xem, khiến chúng trở thành một chất liệu thịnh hành trong giới quảng cáo.

Khi đứng trước những bức tranh đã áp dụng công nghệ Cinemagraph, màu sắc trong tranh sẽ rực rỡ hơn. Những tác phẩm có kích thước nhỏ sẽ được phóng rõ hơn trong một không gian rộng. Người xem cảm nhận thiên nhiên, con người và cảnh vật cũng sẽ hùng vĩ, chân thật hơn.

THIỆN HỢP

Nguồn PLO: https://plo.vn/doc-dao-tranh-chuyen-dong-dat-nuoc-toi-mung-quoc-khanh-2-9-post749699.html