Độc đáo lễ cúng ché của đồng bào Êđê

Ngày 16.4, tại Làng người Ê Đê thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) đã phục dựng Lễ cúng Ché linh thiêng để 'nhập gia' cho ché, cũng như cầu phước lành, may mắn cho gia chủ.

Báu vật linh thiêng của đồng bào Êđê

Êđê là dân tộc ít người sinh sống miền Trung Tây Nguyên có vốn văn hóa truyền thống gắn liền với lịch sử phát triển của nền văn minh nương rẫy nên có nhiều nghi lễ cúng liên quan đến nông nghiệp. Trong quá trình thực hành các lễ nghi, một hiện vật không thể thiếu đó là những chiếc ché.

Với đồng bào Êđê và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ché được xem là một tài sản quý. Ché không chỉ thể hiện sự sung túc, sức mạnh của dòng tộc mà còn là một phần sính lễ trong cưới hỏi hay vật phẩm phải đền bù khi xử phạt, làm quà biếu, đón một sinh linh gia nhập cộng đồng cho đến khi kết thúc một kiếp người...

Sau khi mua ché về, mỗi gia chủ đều phải làm lễ cúng để nhập gia cho ché. Lễ cúng mang ý nghĩa thông báo cho họ hàng, bà con trong buôn làng được biết và đến chia vui cùng gia đình đã mua được một chiếc ché quý. Kể từ đây, ché chính thức được coi như một thành viên, được quan tâm, đối xử như con người và chung sống lâu dài, hòa thuận với gia đình. Cũng như vậy, khi không còn sử dụng mà bán hay cho ché đi, họ làm lễ cúng chia tay, tiễn biệt. Nếu không may làm bể ché thì phải cúng tạ lỗi với thần linh và chủ ché.

Nhiều nghi thức độc đáo trong Lễ cúng ché

Lễ vật chuẩn bị cho Lễ cúng ché của người Êđê bao gồm: 1 con heo lớn, 3 ché rượu lớn, 6 vòng đồng, 3 chuỗi hạt, 3 chén đồng, 3 tô đồng, 1 mâm đồng… Trước khi tiến hành các lễ nghi, gia chủ phải nhờ các thanh niên trai tráng trong làng vào rừng lấy cây xoan về làm cột rượu, lấy dây rừng về để cột ché, tránh làm ché bị xô đổ, rơi vỡ. Sau đó, thầy cúng dùng một thanh tre dập một đầu nhúng vào huyết heo và bôi lên cột rượu chính; sao cho phần đầu và chân trước được đặt cạnh 3 ché rượu. Mâm cúng bao gồm các bát nhỏ trộn lẫn thịt heo với huyết, dĩa bày thịt, tim gan, cật, đuôi heo và ba tô cơm lớn. Vòng đồng, chuỗi hạt cũng được bày lên trên mâm đồng.

Tiếp theo thầy cúng sẽ cúng Yang rông, Yang Cư, Yang Êa, tổ tiên để cầu mong thần linh phù hộ cho các thành viên gia đình sức khỏe dồi dào, chăn nuôi hay trồng cấy đều được mùa, con cái học hành đến nơi đến chốn.

Nghi thức thứ 3 sẽ cúng cho ché để mời thần ché cùng dự tiệc với gia chủ. Thầy cúng vừa khấn vừa đeo vòng đồng, chuỗi hạt vào tai và cổ ché với ngụ ý kể từ đây ché sẽ được đối xử như con người. Sau lễ cúng, thầy cúng sẽ đeo chiếc vòng đồng vào cổ tay người được làm lễ, biểu thị cho lời hứa hẹn, lời cam kết của họ trước thần linh và cộng đồng trước sự chứng kiến của tập thể.

Kết thúc nghi lễ là nghi thức cúng cho chủ ché để xin ban cho sức khỏe, may mắn, làm ăn thuận lợi, để có thể mua được nhiều ché tốt hơn nữa. Sau nghi thức, đại diện gia đình cảm ơn họ hàng, bà con buôn xa, buôn gần đã tới tham dự và mời mọi người ở lại dùng cơm, uống rượu mừng cho gia chủ đã sắm được ché quý.

Một số hình ảnh phục dựng Lễ cúng ché của đồng bào Êđê:

Thầy cúng trong trang phục truyền thống, bắt đầu tiến hành nghi lễ cúng thần linh

Gia chủ sẽ chuẩn bị 3 ché rượu lớn để thực hiện lễ cúng

Các vòng đồng được gắn vào cổ ché với ngụ ý kể từ đây ché sẽ được đối xử như con người, sống hòa thuận với gia đình

Sau buổi lễ, thầy cúng sẽ mời mọi người ăn một ít thịt gà, xôi và uống rượu để lấy may mắn

Trang Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/doc-dao-le-cung-che-cua-dong-bao-ede-i324225/