Độc đáo lễ cấp sắc của người Dao Đỏ

Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ là nghi lễ truyền thống quan trọng của đồng bào vùng cao, đánh dấu cột mốc sự trưởng thành của một người đàn ông Dao Đỏ. Phong tục này được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người đồng bào dân tộc.

Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ hay còn gọi là lễ Lập tịnh, đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với mỗi người đàn ông sống tại những bản làng nơi vùng cao Tây Bắc. Theo quan niệm của người Dao Đỏ, đây là ngày lễ để người đàn ông của gia đình, dòng tộc nhận được sự công nhận của các vị thần linh và cả âm binh, đồng thời có thể bắt đầu theo nghiệp thầy cúng khi xong lễ.

Cùng với đó, dịp lễ này còn để thể hiện đạo lý làm người, hướng mọi người đến cái thiện và luôn ghi nhớ công ơn to lớn của tổ tiên, nhớ về cội nguồn, gốc rễ của mỗi người.

Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ đã trở thành một tục lệ phổ biến và bắt buộc đối với tất cả người đàn ông của dòng tộc.

Chính vì lẽ này nên Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ đã trở thành một tục lệ phổ biến và bắt buộc đối với tất cả người đàn ông của dòng tộc. Họ rất coi trọng ngày lễ này và đặc biệt, ngay từ khi mới sinh ra thì những người đàn ông của gia đình, dòng tộc đã đều có mong muốn được tổ chức ngày lễ này.

Tương truyền rằng trước kia, khi người Dao vẫn đang sinh sống yên bình nơi các triền núi thì bỗng dưng ma quỷ đua nhau xuất hiện và quấy rối. Chúng không chỉ ăn thịt các loại vật nuôi, gia súc, phá hoại mùa màng mà còn giết hại bà con dân bản, khiến đời sống của người Dao rơi vào cảnh khốn cùng và nguy ngập.

Không thể để yên cho lũ quỷ lộng hành chốn dương gian, Ngọc Hoàng đã sai quân lính nhà trời xuống trừ họa cho người Dao. Đáng tiếc thay, quân trời cứ tiêu diệt lũ quỷ ròng rã suốt ba tháng nhưng vẫn không thể đuổi hết chúng được. Thấy vậy, ngọc Hoàng bèn sai các vị thần truyền phép thuật cho những người đàn ông trong buôn làng, cấp cho họ một đạo sắc để cùng quân binh nhà trời xuống trần gian diệt trừ ma quỷ.

Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ đã ra đời và được bao thế hệ đồng bào dân tộc gìn giữ, lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Nhờ có sự đoàn kết giữa quân binh nhà trời và người trần mà lũ quỷ đã bị tiêu diệt sạch sẽ. Từ đó, để phòng lũ quỷ có ngày quay lại quấy phá, Ngọc Hoàng đã ban lệnh cấp sắc cho những người đàn ông làm chủ gia đình để họ có thể bảo vệ người thân và cả dòng tộc của mình. Chính từ lúc ấy, Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ đã ra đời và được bao thế hệ đồng bào dân tộc gìn giữ, lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Anh Đặng Tòn Vảng (người dân tộc Dao Đỏ ở xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, Yên Bái) cho biết: “Trong suốt 4 ngày đêm diễn ra đại lễ cấp sắc, từ thầy cúng đến người thụ lễ và khách mời đều ăn chay. Phụ nữ và đàn ông phải ngồi ăn ở mâm riêng. Trước khi tiến hành buổi lễ, mọi người dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa”.

“Trong lễ, người xin được cấp sắc phải đội mũ trên đầu và mặc trang phục truyền thống dân tộc Dao Đỏ chúng tôi. Trong lễ cấp sắc có nhiều nghi lễ diễn ra ở cả trong và ngoài nhà”, anh Vảng cho biết thêm.

Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ sẽ được tổ chức theo phạm vi mở, có thể là cá nhân, nhiều cá nhân trong cùng một gia đình, dòng tộc.

Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ sẽ được tổ chức theo phạm vi mở, có thể là cá nhân, nhiều cá nhân trong cùng một gia đình, dòng tộc. Hoặc họ cũng sẽ tổ chức lễ cùng lúc cho tập thể nhiều gia đình, dòng tộc và bản làng khác nhau nữa. Vì thế nên lễ cấp sắc của người Dao Đỏ cũng được phân chia thành nhiều cấp bậc khác nhau.

Trong đó, bậc đầu tiên sẽ được cấp 3 đèn với 36 binh mã; bậc thứ hai được cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc ba được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Riêng lễ cấp sắc 3 đèn và 7 đèn sẽ thường được tổ chức thường xuyên hơn trong cộng đồng. Điều này sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu và điều kiện của từng gia đình, dòng tộc. Trong khi đó, nghi lễ cấp sắc 12 đèn được coi là bậc có quy mô lớn hơn nên chỉ được tổ chức vào khoảng thời gian hai mươi, ba mươi năm một lần.

Đối với người dân tộc Dao, người có cấp sắc càng cao thì họ chính là niềm vinh dự lớn của cả gia đình và dòng tộc. Những người đàn ông Dao Đỏ phải liên tục học hỏi suốt đời để được cấp sắc cao hơn, mang lại vinh dự cho gia đình, dòng tộc.

Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ được tổ chức liên tục với một loạt những loại lễ nghi quan trọng, bao gồm: Lễ đón thầy, Lễ dâng đèn, Lễ đưa các trò đi gặp Ngọc Hoàng.

Lễ vật dâng lên thần linh trong lễ cấp sắc được chuẩn bị từ sớm, lựa chọn kỹ càng, đảm bảo lễ vật dâng lên thần linh có chất lượng tốt nhất, bởi đây là điều liên quan mật thiết đến yếu tố tâm linh và nhiều điều phải kiêng kị.

Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ được tổ chức liên tục với một loạt những loại lễ nghi quan trọng, bao gồm: Lễ đón thầy, Lễ dâng đèn, Lễ đưa các trò đi gặp Ngọc Hoàng, Lễ lên đàn cấp dấu, Đặt pháp danh (tên âm), Lễ đón hình mã trở về và thu quân, Lễ đi trên đá nóng, Lễ hóa vàng và Lễ cấp bằng. Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ diễn ra liên tục trong 3 ngày 3 đêm, kéo dài từ ngày 9 đến ngày 12 tháng Mười Một âm lịch. Buổi lễ có sự tham gia làm lễ của 13 thầy, gồm 3 thầy cả và 10 thầy thành viên. Các thầy cả sẽ đến trước để hướng dẫn các nghi thức lễ, phân công nhiệm vụ cho từng người cụ thể và 10 thầy thành viên sẽ đến vào ngày hôm sau.

Anh Đèo Văn Phú, du khách đến từ Sơn La rất hào hứng khi được chứng kiến tận mắt lễ cấp sắc của người Dao Đỏ. Anh Phú chia sẻ: “Những phong tục mang nét rất riêng của người Dao Đỏ đã làm nên sự đa dạng trong văn hóa của Việt Nam. Tôi rất mong muốn được tìm hiểu, góp phần hỗ trợ phát huy, bảo tồn nét đẹp văn hóa đó cho giới trẻ sau này”.

Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ là minh chứng rõ nét của quan niệm cộng đồng về thế giới tâm linh, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của người dân tộc.

Trong những ngày diễn ra Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ, người đồng bào dân tộc còn biểu diễn các bài múa đan xen giữa yếu tố lao động và tôn giáo, thể hiện sự giao hòa của hai cõi âm – dương. Đặc biệt, người Dao sẽ tổ chức các điệu múa truyền thống, bao gồm Múa gậy, Múa lên hương, Múa rùa, chúng là lời trình báo với tổ tiên, Bàn Vương phù hộ cho bản làng sung túc, ấm no, mùa màng bội thu.

Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ là minh chứng rõ nét của quan niệm cộng đồng về thế giới tâm linh, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của người dân tộc. Cũng chính vì thế, lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Thanh Hoài

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doc-dao-le-cap-sac-cua-nguoi-dao-do-post276760.html