Đọc cuốn “Từ Điện ảnh thơ đến Tiểu thuyết” -Nhớ NSND Nguyễn Văn Thông

(TGĐA) - Tôi có lẽ là một trong những người đầu tiên được NSƯT Đàm Thanh tặng cuốn sách “Từ Điện ảnh thơ đến Tiểu thuyết” về đạo diễn điện ảnh - NSND Nguyễn Văn Thông ngay sau khi nó được ra khỏi nhà in. Giấy phép xuất bản ghi cấp ngày 22/6/2011, in xong và nộp lưu chiểu tháng 6/2011, mà đến ngày 28/6/2011 cuốn sách đã được trao tận tay tôi, với lời đề tặng thật cảm động của cô Đàm Thanh: “Kính tặng Ngô Phương Lan cuốn sách của chú Nguyễn Văn Thông, là chồng yêu quý của cô…” .

Cô Đàm Thanh đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng sách cùng với người em trai là anh Đàm Quốc Cường, cũng chính là người đã giúp cô tập hợp những sáng tác, hồi ức, ghi chép tản mạn của NSND Nguyễn Văn Thông và hầu hết các bài viết của nhiều tác giả về tác phẩm của ông và con người ông. Bản thân tôi chưa từng quen cô Đàm Thanh, chỉ biết cô là một đạo diễn ca nhạc có tiếng nhiều năm của Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam. Thế mà cô tìm bằng được tôi để tặng sách, bởi trong cuốn sách có chọn in một bài phê bình của tôi về bộ phim Nữ Thần Laksmi của đạo diễn Nguyễn Văn Thông- bài viết mà theo như lời của cô Thanh - là một trong những bài được chú Thông thích nhất sinh thời! Hôm ấy, nhắc đến chú Thông, cô Đàm Thanh rưng rưng lệ, nhìn tôi như nhìn một người tri kỷ.

Cuốn sách quả là một món quà quý, không chỉ với tôi là có lẽ cho tất cả những người làm điện ảnh và khán giả yêu điện ảnh. Tư liệu phong phú, nhiều bài viết hay. NSND Nguyễn Văn Thông là đạo diễn duy nhất ở Việt Nam được cả giới sáng tác lẫn giới phê bình, báo chí thừa nhận, thậm chí đánh giá cao như một người khai phá và bồi đắp nên phong cách điện ảnh thơ. Từ Con chim vành khuyên, đến Bài ca không quên, rồi Nữ thần Laksmi Người rừng… Nguyễn Văn Thông đã viết nên những trang thơ điện ảnh, hoặc có khi chỉ là những câu thơ, tứ thơ điện ảnh - bất luận là gì thì cũng khiến người xem không thể quên, khiến đồng nghiệp cảm động về cái đẹp tinh tế, về sự bay bổng mà vẫn rất đỗi chân thành, về tính ẩn dụ sâu sắc mà vẫn rất đỗi mộc mạc của ông.

Nhưng không chỉ có vậy, bên cạnh giá trị học thuật, điều đáng quý hơn đọng lại từ cuốn sách này là tình cảm chứa chan: tình bạn, tình đồng nghiệp, tình yêu…, tất cả đã làm nên một giá trị nhân văn thực sự! Đọc cuốn sách, điều cuốn hút và khiến tôi cảm động nhất là phần thứ Ba: Tri âm của người bạn đời- NSƯT Đàm Thanh. Trong mắt nhiều người, họ là đôi vợ chồng nghệ sĩ “khác thường”, sống “trên mây trên gió”, đam mê nghệ thuật hơn bất cứ thứ gì trên đời và lòng đam mê đó dường như dẫn dụ họ sống một cuộc sống không coi trọng chuyện cửa nhà bếp núc, tương cà mắm muối, “lơ mơ” giữa cõi đời thực dụng.

Trên thực tế, NSND Nguyễn Văn Thông và NSƯT Đàm Thanh là hai người con xứ Quảng có một tình yêu sâu nặng, đầy duyên nợ, khởi đầu từ bộ phim để đời Con chim vành khuyên. Không biết trong từng ấy năm sống cùng nhau, hai người nghệ sĩ yêu nhau ấy có mấy lần giận hờn hay cãi cọ, nhưng cho đến những ngày cuối cùng bên nhau, tình cảm của họ tràn đầy và ấm áp vẫn như ngày đầu đến với nhau. Họ sống đơn giản, thậm chí xuyềnh xoàng về vật chất nhưng dường như cái đạo vợ chồng “tương kính như tân” luôn vẹn nguyên trong họ!

Đọc những mẩu hồi ức của cô Đàm Thanh “Nhớ anh”, “Con chim vành khuyên - bắt đầu một tình yêu”, “Ở nhờ mãi thành quen”, “Xa thường xuyên, gần thi thoảng”, “Người ốm chăm người bệnh” không ai không xúc động! Tôi cứ hình dung về một đôi chim cu tha thẩn một cách bình thản giữa cuộc đời đầy sóng gió và bụi bặm. Tưởng rằng đôi chim cu ấy chẳng bao giờ phải chia xa, nhưng ông Trời đôi khi cũng nghiệt ngã, cuối cùng cũng đem đến một sự chia lìa… Và cái nghiệt ngã nữa là đôi “chim cu” hạnh phúc ấy không để lại cho đời được một sinh linh- một quả ngọt của tình yêu!

Thực ra, tôi biết trong lòng họ - chú Nguyễn Văn Thông và cô Đàm Thanh - chắc cũng có những lúc nổi sóng - sóng từ chuyện đời, sóng từ chuyện nghề. Nhưng họ biết chế ngự những “con sóng” bằng sự niềm tin và sự bình an được kết tinh từ chính tình yêu vợ chồng và tình yêu nghệ thuật trong họ!

… Một buổi chiều muộn, cô Đàm Thanh gọi điện cho tôi, cô rưng rưng bảo rằng đêm qua chú Thông vừa “về”, trước kia chú luôn thích đọc những bài viết của tôi và bây giờ chú cũng mong muốn có một bài của tôi cho cuốn sách. Tôi thực sự xúc động, và cũng thực sự áy náy. Ngày lại ngày, biết bao công việc sự vụ từ sáng sớm đến tối muộn, chẳng còn mấy lúc thảnh thơi để đọc sách, viết bài! Chỉ mong cô và chú tha lỗi!

Tôi nhớ một câu trong hồi ức của cô Đàm Thanh: “Tôi linh cảm hành đêm anh vẫn về. Nhưng chỉ trong giấc mơ tôi mới được gặp anh. Tôi thèm giấc mơ hơn lúc nào hết. Tôi lên phòng và có ngủ nhưng không làm sao chợp mắt được nữa. Tôi lại lần xuống bàn thờ. châm thêm nén hương…”.

Bài tâm sự này cũng là một nén hương thơm tưởng nhớ chú Nguyễn Văn Thông và gửi đến cô Đàm Thanh lời sẻ chia chân thành nhất!

TS. Ngô Phương Lan

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/index.php?catid=34:phia-sau-ong-kinh&id=5018:c-cun-t-in-nh-th-n-tiu-thuyt-nh-nsnd-nguyn-vn-thong&Itemid=27&option=com_content&view=article