Đọc Biên giới và văn hóa tâm linh của Sơn Nam

Cố nhà văn Sơn Nam, tác giả nhiều đầu sách về văn minh miệt vườn và lịch sử khẩn hoang vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được coi là một nhà Nam bộ học có uy tín. Biên giới và văn hóa tâm linh là bản tham luận của ông trong một cuộc hội thảo khoa học về kinh Vĩnh Tế tại TP.Long Xuyên, do UBND tỉnh An Giang phối hợp Viện Khoa học xã hội TP.HCM tổ chức cách nay đã hơn 20 năm. Hội thảo nhận được rất nhiều tham luận của các nhà khoa học đến từ nhiều nơi trong nước, song Tạp chí Xưa & Nay của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận xét bản tham luận của Sơn Nam là “có nhiều chuyện nhất” và chọn đăng trên tạp chí này số 68b ra tháng 10/1999. Bằng ngữ điệu “Ông già Nam bộ” mộc mạc, chất phác, Sơn Nam đã ngẫu hứng kể nhiều chuyện ngoài việc đào con kinh vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị quốc phòng trong tầm nhìn chiến lược của ông cha ta thời khẩn hoang mở cõi đất phương Nam,... Dù đã diễn ra trên 20 năm, song giá trị về mặt lịch sử và văn hóa - tâm linh của bản tham luận này vẫn còn giá trị.

Nhà văn Sơn Nam đang phát biểu

Mở đầu tham luận, Sơn Nam tóm lược: Vua Gia Long, về cuối đời (1819) đã khởi xướng kế hoạch đào một loạt 3 con kinh ở Nam kỳ gồm kinh An Thông (còn gọi kinh Tàu Hủ, Chợ Lớn, nạo vét lại); kinh Bảo Định, Tân An (cũng nạo vét lại) và kinh Vĩnh Tế - đào mới hoàn toàn. Nguyễn Văn Thoại lãnh chức Trấn thủ Vĩnh Thanh, trước khi khởi công đào kinh, ông đã cho dựng đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh - người hoạch định biên giới Việt Nam ở phía đồng bằng từ hơn 100 năm trước - đền thờ này đến nay vẫn còn và luôn được tu bổ, giữ gìn không kém lăng Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí ghi vào đời Tự Đức, đền này vẫn “thường tỏ ra anh linh” (tư liệu cũng cho thấy, sau khi Nguyễn Hữu Cảnh mất, để tưởng nhớ vị công thần đức độ, nhà Nguyễn đã đưa ông vào thờ ở nhiều đền, miếu của triều đình. Các vua Nguyễn thì thay nhau ban cấp sắc phong cho Nguyễn Hữu Cảnh thay mặt vua che chở, bảo vệ dân. Riêng vua Tự Đức đã ban 3 đạo sắc phong thần với danh hiệu Thống suất Lễ Thành Phủ Quân tôn thần và gia tặng mỹ hiệu Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thành Cảm Hiển Linh Trác Vĩ Thượng đẳng thần, cho đưa vào dinh/đình của mỗi địa phương có lập ra ở An Giang để thờ, tồn tại tới ngày nay).

Sơn Nam cho rằng, trình độ văn hóa của người xưa - phía đồng bằng - đã kết tinh ở sát biên giới. Ngôi đình chúng ta thấy hiện nay xây tiếp thu nét kiến trúc Pháp. Nhìn những tấm biển, câu đối, ta thấy kẻ sĩ của Châu Đốc là đốc phủ Đặng Ngọc Chấn (dinh quán chợ Châu Đốc, ra học luật ở Hà Nội) và ông phủ Trương Tấn Vị, người Sài Gòn, đến Châu Đốc sáng lập Ngân hàng Canh Nông, có am hiểu lịch sử phía Nam nên hết lời đề cao công đức Nguyễn Hữu Cảnh. Sơn Nam nhận xét: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là cột mốc về văn hóa Việt Nam ở sát biên giới; việc tế lễ vẫn tuân thủ điển lễ Việt Nam đã có từ đồng bằng sông Hồng. Qua cái nhìn Sơn Nam, chợ Châu Đốc ở đầu kinh Vĩnh Tế, đến núi Sam, đất xưa với di tích văn minh Óc Eo có ngôi chùa Tây An và miếu Bà Chúa Xứ.

Chùa Tây An đồ sộ về cơ ngơi và có bề dày lịch sử, trùng tu vào đợt chót, hơi lai tạp lối kiến trúc Ấn Độ,... Đây là ngôi chùa chính quy nhất của người Việt. Đời vua Thiệu Trị, tuần phủ An Giang là Doãn Uẩn chỉ huy xây cất chùa này, xem như trụ cột của văn hóa Việt Nam ở miền biên viễn (phía Nam). Kế bên chùa là lăng Thoại Ngọc Hầu với mặt bằng khá rộng. Nếu chú ý bên kia chùa Tây An, ta thấy ngôi mộ khiêm tốn của Đoàn Minh Huyên, tức Phật Thầy Tây An.

Sơn Lăng trên núi Sam, nơi lăng mộ và đền thờ Thoại Ngọc Hầu

Thoại Ngọc Hầu có công lớn trong việc đào kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Tuy nhiên, ông vẫn bị trù dập, sau khi mất khá lâu, mãi tới năm 1924, Nguyễn Văn Thoại mới được vua Khải Định phong sắc. Lăng miếu ông và vợ là bà Vĩnh Tế có vẻ khiêm tốn như một điền chủ bình thường, Sơn Nam chạnh lòng tự nhủ: Dù sao cũng có vẻ tôn nghiêm với một không gian linh thiêng từ núi Cấm nhìn xuống kinh Vĩnh Tế. Bà Vĩnh Tế sống ngay thẳng, giàu từ tâm, thương dân, giúp chồng lo việc ăn uống, sức khỏe cho dân phu, nên rất được dân yêu quý. Bên cạnh lăng mộ vợ chồng vị công thần này là mồ mả dân phu chết trong quá trình đào kinh Vĩnh Tế. (Sử chép: Nhiều lần vua Minh Mạng phải cho tạm dừng thi công để dân phu nghỉ lấy sức; vua còn cho tăng phần ăn và vải mặc cho dân phu. Người viết trong một lần dự lễ giỗ Thoại Ngọc Hầu ở khu văn hóa Núi Sập (TP.Long Xuyên), từ sáng tới chiều, dân chúng nối nhau vào lễ bái. Đến tối, phần hội được sân khấu hóa công việc đào kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế trong ngút ngàn lau sậy với muỗi, đỉa, rắn độc,... “xuống sông sấu táp, lên rừng cọp um”; những cảnh diễn sấu táp, cọp vồ trong lúc dân phu “khai sơn trảm thảo” được hóa trang, phục dựng, tạo cảm xúc khiến người xem phải bật khóc).

Sơn Nam ghi lại các cuộc quân phong kiến Xiêm tràn sang xâm chiếm vùng đất phía Nam trên bản đồ Việt Nam. “Đời Minh Mạng, quân Xiêm đốc toàn lực vào biên giới, toan chiếm vùng đồng bằng, rồi lên Sài Gòn (...). Phải chăng quân Xiêm muốn trả thù trận Rạch Gầm, Xoài Mút thời Nguyễn Huệ?... Cuối năm 1833, Hà Tiên mất, thành Châu Đốc cũng mất. Sau đó, ta tái chiếm. Rồi đến thời Thiệu Trị, lại xảy ra cuộc xâm lăng lớn của Xiêm, chiếm cả vùng Bảy Núi và các đồn nhỏ của ta ở hai bên bờ kinh Vĩnh Tế. Các tướng tài như Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Tấn Lâm, Nguyễn Công Trứ đã chiếm trở lại”... Sơn Nam cũng phác thảo “bức tranh” vùng kinh Vĩnh Tế thời Tự Đức bao phủ một quang cảnh tiêu điều... Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa bị đày qua đây, đã làm một bài thơ chữ Hán, dịch lại: Lầu cao ngồi rồi, ngó tư bề/ Cỏ láng chân trời, đồng ruộng ghê.../ Mù mịt mây đen kéo tối sầm/ Đau lòng năm trước chốn Hà Âm/ Đống xương vô định, sương phau trắng/ Giọt máu phi thường, cỏ nhuộm thâm/ Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy/ Đèn trời leo lét dặm u lâm... Theo Sơn Nam, số người định cư thời Thoại Ngọc Hầu gần như xiêu tán hết (do quân Xiêm quấy nhiễu, gây cảnh loạn ly,...) nhưng dân ta vẫn bám giữ nền văn hóa dân tộc; cơ ngơi về văn hóa của dân ta vẫn còn đó, với chùa, đền, miếu,... Miếu Bà Chúa Xứ, ban đầu còn rất sơ sài. Văn hóa truyền thống Việt Nam rất trọng việc thờ nữ thần. Bà Chúa Xứ ở Nam bộ là việc tiếp nối từ bà Liễu Hạnh ở Nam Định, rồi bà Chúa Ngọc ở điện Hòn Chén, vào Nha Trang. Vẫn là chầu văn, múa bóng. Sơn Nam từng nghe thử một bà múa bóng rỗi hát câu: Bà đi Châu Đốc, bà về Nam Vang/ Quê bà ở tận Nha Trang... và “bình”: Bà ở tận Nha Trang là Pô-Y-Nagar, nhập vào tượng đá của người Chăm. Vào biên giới Tây Nam, bà lại nhập tượng đá Khmer cũng là bình thường. Người Việt khẩn hoang, theo sự tích bà từ Nha Trang (con của người tiều phu), gốc là tiên bị đày xuống trần gian, đã dạy người địa phương lên rừng tìm trầm hương, xuống biển đánh cá, tức là khẩn hoang: “Phá sơn lâm, đâm hà bá”. Bà có 2 con gọi là Cậu - cậu Chài, cậu Quý - nhị vị công tử - ưa phá phách... Người Hoa ở Chợ Lớn xem bà như bà Thiên Hậu hiện về ở Nam bộ, trở thành phúc thần. Việc hành hương miếu Bà Chúa Xứ lôi cuốn khá đông người Sài Còn, miền Nam và Trung bộ, luôn cả người già và thanh niên,...

Sơn Nam viết tiếp: Việc đào kinh Vĩnh Tế quy tụ một số dân đến sinh sống rải rác, lập những làng mới... Những làng này phân tán sau cuộc chiến tranh biên giới đời Minh Mạng, Thiệu Trị. Đến đời Tự Đức có sự cố gắng giảm thuế, đưa tù phạm vào vùng Tịnh Biên, Giang Thành phía Tây kinh Vĩnh Tế; Nguyễn Tri Phương tận lực xây dựng;... Chỉ hơn 10 năm sau, Pháp đã đánh Đà Nẵng, Sài Gòn, rồi mất trọn Nam kỳ; những đồn điền trong bước đầu xây dựng lại mặc nhiên tự giải thể. Đời Gia Long, Trịnh Hoài Đức mô tả một số người định cư vùng Bảy Núi, sống tự túc, chân núi chịu ảnh hưởng nước lụt, có thể làm ruộng, bắt cá, triền núi có rau cải, cây thuốc dân tộc, khoai sắn,...

Phần cuối tham luận, “Ông già Nam bộ” Sơn Nam nhận xét về vùng núi Cấm, Thất Sơn thuở còn hoang sơ, huyền bí. Một biến cố lớn về tín ngưỡng đã diễn ra trên đồng bằng từ đời Thiệu Trị, qua đời Tự Đức, nông dân thấy có gì cần thay đổi. Đạo Phật buổi ấy như xơ cứng... Đạo Khổng mà quan lại rao giảng chỉ là cái vỏ bề ngoài của giới điền chủ và quan lại hủ lậu, tham nhũng, bóc lột. Chỉ còn đạo Lão là mang tính dân gian với bùa chú...; bà đồng, ông đạo dựa vào đó đưa ra thuyết nọ, thuyết kia... rất hoang đường. Có ông xưng “minh vương” bị dân xa lánh, hóa thành “đạo đâm, đạo hù”... khủng bố dân, rồi chạy lên miền Đông. Sau ngày giải phóng, y đã chịu thú nhận mình làm gián điệp cho Mỹ...

Nay, có thể nói: “Chưa bao giờ chúng ta có được một cơ đồ trọn vẹn và giàu đẹp thế này”. Ai đi dọc kinh Vĩnh Tế - từ TP.Châu Đốc đến TP.Hà Tiên, sẽ thấy điều đó. Ngay trên vùng Thất Sơn, núi Cấm,... cũng đã và đang là khu du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước với một tinh thần lành mạnh, văn minh,.../.

Quang Hảo

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/doc-bien-gioi-va-van-hoa-tam-linh-cua-son-nam-a158475.html