Doanh thu tàu hàng đảo chiều tăng ấn tượng

Sau một năm ảm đạm, doanh thu tàu hàng, nhất là tàu liên vận quốc tế tăng trưởng rất ấn tượng ở cả hai đầu phía Bắc và phía Nam. Vậy nhờ đâu vận tải hàng hóa đường sắt có sự đảo chiều này?

Phía Nam nhộn nhịp tàu hàng

Hai tháng nay, các đoàn tàu hàng đi, đến ga Sóng Thần nhộn nhịp trở lại sau thời gian giảm tàu hàng để tập trung chạy tàu khách đợt cao điểm vận tải tết Giáp Thìn 2024.

Đường sắt tập trung đẩy mạnh vận tải liên vận quốc tế (Trong ảnh: Xếp container lên tàu tại ga Yên Viên).

Ông Đỗ Văn Tuấn, Trưởng ga cho biết, hiện hàng ngày ga tổ chức chạy 7 đôi tàu hàng đến các ga phía Bắc và ngược lại. Một đoàn tàu vận chuyển được 23 container, hoặc khoảng 750 tấn hàng. Các mặt hàng vận chuyển gồm thiết bị điện tử, ô tô, lương thực, nông sản, hải sản cho đến các nguyên, vật liệu và sản phẩm của các khu công nghiệp.

Kết quả, quý I/2024, sản lượng vận tải hàng hóa đạt hơn 300 nghìn tấn. Đặc biệt, số lượng các đoàn tàu nhanh chuyên tuyến Sóng Thần - Giáp Bát tăng cao, đưa tỷ lệ số container xếp dỡ tại ga đạt 6.085 container, chiếm hơn 43% số lượng toa xe xếp dỡ. Đây là tín hiệu rất khả quan, khi năm 2023 lượng hàng hóa qua ga sụt giảm mạnh, lượng hàng xếp dỡ cả năm đạt hơn 1,2 triệu tấn, chỉ bằng 79% năm 2022.

Các ga phía Bắc hết ảm đạm

Tại khu vực phía Bắc, ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng cho hay, vận tải hàng liên vận quốc tế từ cảng Hải Phòng đi Trung Quốc sau một năm ảm đạm, từ đầu năm đến nay các hợp đồng vận chuyển đã quay trở lại. Các mặt hàng vận chuyển chủ yếu trên tuyến Hải Phòng - Hà Nội là hàng tạm nhập, tái xuất qua cảng Hải Phòng, sau đó đi tiếp Lào Cai, xuất sang Trung Quốc.

Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, quý I/2024, doanh nghiệp này xếp hơn 792.000 tấn hàng hóa, tăng 12% so với cùng kỳ 2023; doanh thu tàu hàng đạt 251,6 tỷ đồng, tăng 3%. Kết quả này có được nhờ nhiều giải pháp tổ chức vận tải, giá cước.

Ngoài việc tổ chức chạy thường xuyên hàng tuần tàu nhanh chuyên tuyến Giáp Bát - Sóng Thần, đơn vị đã tổ chức chạy thường xuyên hàng tuần thêm 6 đôi, nâng tổng số tàu hàng lên 22 đôi mỗi tuần. Đây là các đoàn tàu có doanh thu cao, ổn định, khoảng 550 triệu đồng/một vòng quay.

Công ty cũng thường xuyên theo dõi sự biến động của giá nhiên liệu để có các giải pháp điều chỉnh giá cước hợp lý. Trong đó, đã giảm từ 5-20% giá cước phổ thông nguyên toa tùy mặt hàng để kích cầu.

Nhờ đó, với luồng hàng tàu chuyên tuyến, sản lượng bằng 100% và doanh thu bằng 101% cùng kỳ năm 2023; Luồng hàng liên vận quốc tế sản lượng tăng 80%, doanh thu tăng 146%. Đặc biệt, mặt hàng than, sản lượng tăng đến 484%.

Đẩy mạnh hàng liên vận quốc tế

Ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho hay, ngay sau cao điểm vận tải khách tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đã nhanh chóng khôi phục chạy tàu hàng để tăng sản lượng, doanh thu. Nhờ vậy, quý I/2024, vận tải hàng hóa thực hiện được hơn 1,2 triệu tấn xếp dỡ, tăng hơn 16% cùng kỳ 2023.

Bãi hàng ga Sóng Thần.

Riêng sản lượng hàng hóa xuất qua hai cửa khẩu ga Lào Cai, Đồng Đăng đạt hơn 118 nghìn tấn, tăng trưởng đến 63% so với cùng kỳ 2023.

Về triển vọng thời gian tới, ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng cho biết, ngoài hàng lưu huỳnh đang tiếp tục vận chuyển từ cảng Hải Phòng xuất Trung Quốc, dự kiến sắp tới có lô hàng khoảng 50.000 tấn quặng sắt.

"Nếu đầu tư được tuyến đường sắt khổ 1.435mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có kết nối với khổ đường với đường sắt Trung Quốc và cảng biển Hải Phòng, chắc chắn nhu cầu vận chuyển sẽ tăng cao hơn", ông Hạnh nói.

Còn theo ông Phan Quốc Anh, để hoàn thành vượt kế hoạch vận tải hàng hóa cả năm 2024 vẫn cần triển khai nhiều giải pháp. Trước hết là sửa chữa toa xe hàng để đẩy nhanh được thời gian quay vòng, vừa tăng hiệu quả sử dụng vừa giảm được chi phí đầu tư toa xe mới.

Đặc điểm vận tải hàng hóa đường sắt là mất cân đối nhu cầu vận chuyển giữa hai chiều Nam - Bắc, vì vậy giảm giá cước chiều rỗng để khuyến khích chủ hàng vận chuyển cũng là giải pháp quan trọng.

"Ngoài các ga như Yên Viên, Sóng Thần, Đồng Đăng, Lào Cai, cần đẩy mạnh hàng liên vận quốc tế tại các ga như Kép và tới đây là ga Cao Xá", ông Quốc Anh nói và cho biết, hiện đường sắt đang khẩn trương hoàn thành cải tạo, nâng cấp bước tạm bãi hàng, nhà ga để có thể tổ chức khai trương đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ ga Cao Xá, dự kiến trước 30/4/2024.

Theo ông Phan Quốc Anh, nếu đầu tư được tuyến mới khổ 1.435mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có nhánh vào cảng Lạch Huyện, chắc chắn sẽ kết nối được khổ đường với Trung Quốc, thuận lợi hơn cho hàng xuất nhập khẩu.

Còn như hiện nay, tàu liên vận quốc tế từ Việt Nam sang không thể đi sâu nội địa Trung Quốc được. Kể cả hàng trái cây Việt Nam đi bằng tàu container lạnh từ miền Nam ra, sang đến biên giới lại phải bốc hàng, đi tiếp bằng đường bộ, đẩy chi phí logistics, giá thành lên cao.

Bộ GTVT đã lập dự án kết nối ray với đường sắt Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc chưa thống nhất được vị trí kết nối nên điểm nghẽn về vênh khổ đường giữa hai bên chưa được giải quyết.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doanh-thu-tau-hang-dao-chieu-tang-an-tuong-192240416090717195.htm