Doanh thu tăng gần 5%, vì sao Lộc Trời (LTG) vẫn báo lỗ hơn 81 tỷ?

Dù doanh thu tăng hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022, thế nhưng chi phí tăng cao đã khiến biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) giảm mạnh. Kết quả, doanh nghiệp báo lỗ hơn 80 tỷ đồng trong quý I/2023.

Chi phí tài chính tăng cao "kéo ghì" lợi nhuận quý I/2023

Theo báo cáo tài chính quý I vừa công bố, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần quý I/2023 đạt 2.452 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng lương thực – lúa gạo vẫn đóng vai trò chủ đạo khi tăng từ 1.183 tỷ đồng lên 1.675 tỷ đồng, theo sau đó là thuốc bảo vệ thực vật với 619,2 tỷ đồng và hạt giống với 82,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng gần 400 tỷ đẩy lợi nhuận gộp giảm 50%, xuống còn 273 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm mạnh xuống 11% từ 24% của quý I/2022.

Đáng chú ý nhất trong bức tranh tài chính quý I của doanh nghiệp là hàng loạt chi phí đồng loạt tăng mạnh. Dù doanh thu hoạt động tài chính tăng 3,6 lần so với thực hiện của quý 1/2022 lên 61,7 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính cũng tăng gấp 2 lần lên 147 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay với 106 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ 2022. Theo giải trình, khoản lãi vay tăng cao cũng là nguyên nhân lớn nhất khiến doanh nghiệp kinh doanh gạo lỗ nặng so với quý I/2022.

Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13% lên 114 tỷ đồng, riêng chi phí bán hàng giảm 13% về còn 152 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, Lộc Trời báo lỗ 81 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 209 tỷ đồng của quý IV/2022 và 184 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cách rất xa kế hoạch lợi nhuận sau thuế tối thiểu 400 tỷ đồng cho năm 2023.

Về tình hình tài chính, tính tới ngày 31/3/2023, Lộc Trời có tổng tài sản tăng 25% so với đầu năm, lên 10.936 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trong lớn nhất với hơn 4.891 tỷ đồng, chiếm 45% tổng tài sản. Trong quý I, doanh nghiệp đã trích dự phòng 308 tỷ đồng cho dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi trong khi giá gốc hơn 384 tỷ. Như vậy, giá trị có thể thu hồi chỉ gần 76 tỷ.

Hàng tồn kho ghi nhận 2.742 tỷ đồng, tăng 30% do sự tăng từ thành phẩm cùng nguyên vật liệu.

Tiền mặt, tiền gửi ngân hàng cùng các khoản tương đương tiền của Lộc Trời giảm 48%, xuống còn 414 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối, khoản vay và nợ thuê tài chính tăng gần 2 lần lên 6.341 tỷ đồng. Chủ nợ của Lộc Trời chủ yếu là các ngân hàng thương mại.

Vốn chủ sở hữu giảm nhẹ xuống 3.067 tỷ đồng. Khấu trừ khoản lỗ trong kỳ, Lộc Trời vẫn còn hơn 1.200 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

"Cú bắt tay" tham vọng: Lộc Trời nắm 49% vốn tại Lộc Nhân

Trong kỳ, Lộc Trời đã rót 185 tỷ vào CTCP Lương thực Lộc Nhân (LNG), qua đó nắm 49% vốn điều lệ của công ty này. Theo tìm hiểu, LNG được hợp nhất từ Công ty Cổ phần Lương thực Hưng Phước, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Đại Tài và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hiếu Nhân.

LNG đặt trụ sở tại Cần Thơ và thu mua lúa trực tiếp từ bà con nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long, với 4 nhà máy, trong đó 3 nhà máy đã đi vào vận hành và 1 đang trong quá trình xây dựng, có đầy đủ chức năng như say xát, sấy, đánh bóng….

Công ty này hiện có 400 nhân sự, cùng công suất sấy hơn 6.000 tấn lúa/ngày. Doanh thu năm 2022 ước tính đạt gần 8.000 tỷ đồng cùng mạng lưới đối tác khá rộng, với các hợp đồng cung ứng đã ký cho năm 2023 lên tới 350.000 tấn gạo.

Với nhiều tương đồng về hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực và khát vọng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời (LTA) – thành viên của Tập đoàn Lộc Trời và LNG đã chủ động thảo luận rồi cùng nhau thực hiện các thỏa thuận cổ đông chiến lược. Theo đó LTA mua cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược, đưa Lộc Nhân chính thức trở thành một thành viên trực thuộc LTA.

Thông qua việc kết nạp thành viên mới, năng lực hoạt động của LTA đã tăng từ 5 thành 8 nhà máy, với công suất sấy lúa tươi đạt 12.000 tấn/ngày; lưu kho, xay xát lúa và xuất 6.000 tấn gạo/ngày, tương ứng với 2 triệu tấn gạo/năm cùng đội ngũ nhân sự gần 900 người và mạng lưới đối tác tỏa rộng trong nước và trên 40 quốc gia.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 được tổ chức vào giữa tháng 4/2023 vừa qua, Lộc Trời đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận sau thuế dự kiến tối thiểu 400 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,8% so với thực hiện trong năm 2022.

Ngoài ra, tập đoàn này còn định hướng đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2024, đạt 1 triệu ha đất canh tác theo mô hình sản xuất Lộc Trời 123 – sản xuất quy mô lớn và cơ giới hóa đồng bộ, giảm 1 triệu lít hóa chất rải xuống đồng ruộng.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-thu-tang-gan-5-vi-sao-loc-troi-ltg-van-bao-lo-hon-81-ty.html